Thời gian qua, Thanh Niên có hàng chục tin bài phản ánh về tình trạng “sốt” đất ảo diễn ra tại nhiều tỉnh, thành. Sốt “ảo” không chỉ ở các tỉnh Đông Nam bộ, nơi có vùng kinh tế trọng điểm phía nam, mà còn ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, miền Trung và thậm chí cả ở Tây nguyên. Mới đây, chính quyền xã Hòa An, H.Krông Pắk, Đắk Lắk vừa báo cáo các cấp và đề nghị công an truy tìm một nhóm “cò đất” cắm cột mốc quy hoạch giả, tung tin đồn về các dự án để “thổi” giá đất trên địa bàn, phần nào lý giải cho hiện tượng “sốt đất” ảo hiện nay.
Cọc sắt đánh dấu số thứ tự do “cò” cắm trên địa bàn xã Hòa An, H.Krông Pắk, Đắk Lắk NGƯỜI DÂN CUNG CẤP |
Gây bất an vùng nông thôn
Bạn đọc (BĐ) Huỳnh Đức Ái chia sẻ câu chuyện mà BĐ này “mục sở thị”: “Đợt dịch kéo dài vừa qua đã làm cho kinh tế của gia đình chúng tôi kiệt quệ. Tôi từng có công ăn, việc làm ở TP.HCM (thuê mặt bằng bán cà phê ở đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp), mà nếu không có dịch gia đình tôi vẫn sống khỏe. Đợt dịch gần nhất, cả gia đình tôi phải trả lại mặt bằng vì không thể “gồng” nổi tiền thuê mặt bằng nên về quê (Đắk Lắk) và kẹt lại đến hiện giờ vì thiếu vốn, không thể về lại TP.HCM để đầu tư, kinh doanh. Có mặt ở Đắk Lắk thời gian này, tôi nhận ra một điều, những thông tin mà báo chí phản ánh về tình trạng “sốt đất” ảo ở các vùng nông thôn là chính xác. Có cả những nông dân mà tôi biết đã bỏ vườn, nghề nông để chuyển sang nghề “cò đất”. Mỗi buổi sáng, họ túm tụm ở quán cà phê đông người, nói chuyện với nhau về vùng này, vùng kia đang quy hoạch, giá đất đang lên, trong khi tôi tìm thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống, thậm chí lên cổng thông tin điện tử, website của các sở, ngành liên quan ở địa phương cũng không thấy thông tin như họ đồn thổi”.
BĐ có nickname Thanh-Krông Pắk viết: “Báo Thanh Niên phản ánh chính xác về tình trạng nhóm “cò đất” tự ý cắm biển quy hoạch giả tại trục đường thôn 6B trên địa bàn xã Hòa An, H.Krông Pắk, Đắk Lắk. Họ đi bằng ô tô, có cả một nhóm người; cắm cọc sắt, gắn bảng có đánh số thứ tự và tung tin đồn về việc quy hoạch mở rộng đường giao thông, quy hoạch khu đô thị để mở rộng TT.Phước An (giáp xã Hòa An, cùng H.Krông Pắk). Đề nghị cơ quan chức năng phải truy tìm bằng được và xử lý nhóm người này. Việc tung tin đồn thất thiệt khiến giá đất bị đẩy lên cao bất thường, gây mất an ninh, trật tự ở địa phương. Không chỉ vậy, nếu thủ đoạn cắm cọc quy hoạch giả không sớm được người dân phát hiện và báo với cơ quan chức năng địa phương, sẽ tạo ra tâm lý bất an cho người dân”.
Hãy nhớ những bài học trước đây
Nêu ý kiến, BĐ Nguyen Van Loi nhắc lại câu chuyện “sốt đất” cách đây 2 năm ở các xã: Bình Ba, Nghĩa Thành và Đá Bạc (H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi ấy, hàng ngàn người kéo xuống các xã này mua bán đất bất kể ngày đêm, vì có thông tin một tập đoàn lớn đầu tư dự án tại đây. Trước hiện tượng bất thường này, các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, phân tích chỉ ra đây chỉ là “chiêu” làm giá thì cơn sốt này nguôi dần. Đáng lưu ý, thời điểm đất “sốt xình xịch” thì các cơ quan chức năng tại H.Châu Đức cảnh báo thông tin văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn huyện không ghi nhận giao dịch chính thống nào về bất động sản; có nghĩa những giao dịch hầu hết chỉ thực hiện trên giấy viết tay với nhau và không loại trừ có hiện tượng đầu cơ.
“Tình trạng sốt đất diễn ra nhiều nơi như hiện nay có một số chiêu trò tương tự như cách đây 2 năm. Cơ quan chức năng ở các địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, đừng để hiện tượng dòng người “ùn ùn kéo nhau đi mua bán đất” như cảnh tôi đã từng chứng kiến cách đây 2 năm”, BĐ Nguyen Van Loi viết.
BĐ Tran Thi Chau cho rằng việc tổ chức người đi cắm mốc quy hoạch giả, cắm cọc lên đất do người khác sở hữu, phát tán thông tin sai lệch về các dự án ở một địa phương bằng con đường “truyền khẩu”, rỉ tai; “vẽ” thông tin ở các hội, nhóm trên mạng xã hội hay bằng các hình thức khác không chỉ đơn thuần là chiêu trò nhất thời của “cò đất” mà đích thị là hành vi mới của tội phạm.
“Các cơ quan tố tụng cần thiết phải nhận diện, nghiên cứu và có cách thức phù hợp để đấu tranh với các hành vi mới của loại tội phạm này”, BĐ Tran Thi Chau đề nghị.
* Không biết ở các vùng nông thôn còn sử dụng hệ thống loa phường không. Nếu còn, tôi đề nghị sử dụng hệ thống này để thường xuyên phát, minh bạch công khai các thông tin tất cả các dự án, quy hoạch, kế hoạch, dự định có quy hoạch, có nhà đầu tư đặt vấn đề quy hoạch… tại địa phương thì những thông tin thất thiệt về bất động sản sẽ bị hạn chế cơ hội phát tán.
Lê Thùy Lan
* Các cơ quan chức năng ở một số địa phương tổ chức, tập hợp lực lượng làm một vài vụ án điểm về tình trạng cắm cọc quy hoạch giả, tung tin giả về quy hoạch, dự án nhằm “thổi” giá đất thì tin rằng sẽ hạn chế bớt tình trạng “sốt đất” như hiện nay.
Hoàng Thị Bích