Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong vùng.
Đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Xây dựng vùng miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ban hành Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2/8/2012 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011 – 2020. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.
Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển 3 quan điểm rất ngắn gọn của Nghị quyết số 37-NQ/TW thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng. Phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước.
Một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước...
Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tham luận về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.
Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tham luận tại Hội nghị. |
Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham luận về chủ đề “Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị” khẳng định: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của Quân đội nhân dân, các bộ, ban, ngành địa phương, sự ủng hộ giúp đỡ của các tầng lớp Nhân dân, lực lượng Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai đồng bộ biện pháp giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Công an. |
Thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an sẽ lãnh đạo lực lượng Công an tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh ngăn chặn vô hiệu hóa mọi âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, không để các đối tượng có điều kiện hoạt động. Bảo vệ tuyệt đối các mục tiêu công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng diễn ra trên địa bàn, không để xảy ra sơ xuất dù là nhỏ nhất. Tập trung đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, tội phạm hình sự, tội phạm trên lĩnh vực kinh tế... Củng cố vững chắc nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên cơ sở thế trận lòng dân vững chắc. Đổi mới nội dung, hình thức xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng thiết thực, hiệu quả, tiếp tục phát huy hiệu quả sáng kiến xây nhà cho các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, góp phần xóa điểm tối, xây điểm sáng về an ninh, trật tự. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội và các ban bộ ngành phát huy cao độ hiệu quả của hợp tác quốc tế về an ninh, trật tự trong phòng ngừa, xử lý từ sớm, từ xa mọi yếu tố tiềm ẩn, phức tạp, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm.
Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng; khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng. Chính vì vậy, Bộ Chính trị các khóa trước cũng đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng và giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình hành động và các cơ chế, chính sách phù hợp với từng thời kỳ để đưa Nghị quyết vào cuộc sống; coi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi vùng và cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - cả nước vì vùng và vùng vì cả nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành Trung ương; của các địa phương trong vùng để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết theo đúng tinh thần "đúng vai, thuộc bài".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, trung bình chủ nghĩa, không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác. Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan ở Trung ương phải tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Các địa phương trong vùng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi địa đầu của Tổ quốc.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; phấn đấu các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng; sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng; xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân trong vùng với nhân dân các nước bạn láng giềng.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh...
Tổng Bí thư tin tưởng sau Hội nghị, cấp ủy chính quyền và Nhân dân các tỉnh trong vùng trung du, miền núi Bắc Bộ sẽ cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy chính quyền các cấp trong cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Bộ Chính trị lần này, tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; cùng với cả nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới, theo tinh thần: Cả nước vì trung du và miền núi Bắc Bộ; trung du và miền núi Bắc Bộ vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước./.
Xem thêm: 71513=DImetI?lmth.42-hnah-ueid-oad-ihc/neik-us-cut-nit/nv.vog.nagnocob