Vội vã rút bảo hiểm xã hội
Để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong dài hạn, các quốc gia trên thế giới không cho phép người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được rút bảo hiểm xã hội một lần, trừ trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay mắc bệnh hiểm nghèo cần một khoản chi phí chữa bệnh. Còn ở trong nước, việc rút BHXH 1 lần được thực hiện khá đơn giản.
Cũng chính vì vậy, trong tuần qua, tại một số địa phương đã diễn ra tình trạng nhiều lao động vội vã rút BHXH 1 lần. Có nhiều lý do khác nhau được đưa ra dù người lao động đóng BHXH ít năm hay nhiều năm.
Người dân đến cơ quan BHXH thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH. (Ảnh: PLO)
Ba năm đóng BHXH rồi nghỉ việc, sau 5 năm sau, anh Nguyễn Đình Thắng (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) mới đi rút. Với số tiền 17 triệu đồng, anh sẽ mua đồ nghề sửa xe máy. Với anh, cứ có tiền để giải quyết trước mắt, còn sướng khổ là chuyện của mai sau.
"Em không đóng bảo hiểm nữa, biết bao giờ cho đến 60 - 70 tuổi để được hưởng lương hưu. Không biết có sống được đến lúc đấy để hưởng lương hưu không. Bây giờ biết trước mắt đã", anh Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.
"Bảo hiểm xã hội huyện Tam Dương đã tư vấn. Có trường hợp lên đến 3 lần, giám đốc cũng trực tiếp xuống tư vấn, họ cũng nói về suy nghĩ nhưng sau đó họ lại trở lại quyết định thanh toán", bà Nguyễn Thị Lựu, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, cho biết.
Còn tại Bảo hiểm xã hội quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày, đơn vị phải giải quyết tới 300 hồ sơ.
Từ sáng sớm, nhiều người dân đã đến xếp hàng chờ đến lượt. Biết sẽ thiệt thòi khi rút BHXH 1 lần, nhưng vì tài chính đang cấp bách, nên việc lựa chọn rút BHXH 1 lần là giải pháp lúc khốn khó.
Rút bảo hiểm xã hội là thiệt thòi
Một lao động có đủ 20 năm đóng BHXH, với mức bình quân tiền lương làm căn cứ để đóng là 4.000.000 đồng/tháng.
Theo tuổi thọ bình quân, nếu lao động nam khi nghỉ hưu sẽ được nhận lương hưu, thẻ BHYT miễn phí và các chế độ tử tuất hơn 257 triệu đồng; còn lao động nữ khi nghỉ hưu sẽ nhận hơn 589 triệu đồng. Nếu rút BHXH 1 lần, người lao động chỉ được 134 triệu đồng.
Có thể thấy, nếu lao động nam nhận lương hưu sẽ được lợi hơn nhận BHXH 1 lần là 123 triệu đồng; lao động nữ tới hơn 455 triệu đồng.
Hạn chế rút bảo hiểm xã hội để đảm bảo an sinh
Một con số rất đang lo ngại là trong 13,4 triệu người già hiện nay, gần 10 triệu người không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh.
Với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam là hiện phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập, nhiều lao động còn trẻ, hoặc trung niên đã đi rút BHXH 1 lần, chấp nhận tuổi già không có chỗ dựa tài chính, bảo hiểm y tế là một nghịch lý, cần phải có những biện pháp để hạn chế tình trạng này.
"Điều kiện để được hưởng lương hưu là thời gian, có thể giảm thời gian xuống 15 năm, hoặc 10 năm. Người lao động có thể được cộng thêm động lực để được hưởng lương hưu sau này và điều chỉnh quy định cũng như điều kiện hưởng lương hưu 1 lần chặt chẽ hơn", bà Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay.
"Khẳng định rằng 22% là hoàn toàn của người lao động. Để động viên người lao động nhận phần tiền do khó khăn thì dùng tạm 8% của mình, còn 14% vẫn là của để dành của người lao động. Do giải thích chưa cặn kẽ nên người lao động tưởng cấm không cho rút 1 lần là giảm 14% của người lao động, không phải, đó là quyền của người lao động được hưởng. Vấn đề là lấy lúc nào và lấy như thế nào", ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, đánh giá.
Nuối tiếc muộn vì rút bảo hiểm sớm
Nhiều người rút BHXH vì lý do chính đáng, do cuộc sống quá khó khăn, tài chính kiệt quệ, nhưng nhiều người lại có tâm lý cứ rút để cầm tiền về cho chắc, thậm chí để tiêu dùng. Lúc còn trẻ thì có tâm lý tương lai còn xa vời, cứ sống cho hiện tại đi, nhưng trong số nhiều người rút BHXH 1 lần, về sau họ lại có tâm lý tiếc nuối.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu đóng BHXH được 8 năm và cùng rút. Lúc ấy tiền cầm về 120 triệu nghe thì to, nhưng tiêu nhanh hết, giờ mở hàng bán cây cảnh, đã hơn 40 tuổi, chục năm nữa già, có chút tích lũy, chị mới tiếc về sự vội vã lúc đó.
Nhiều người nuối tiếc vì rút bảo hiểm xã hội sớm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Thời gian đóng được 12 năm giờ nghĩ lại rất là tiếc. Lúc rút mình không nghĩ gì cả, chẳng qua nhà không có vốn thì muốn rút về để kinh doanh, nhưng giờ kinh doanh ổn định rồi giờ lại muốn đóng nối tiếp lại để sau này về già được hưởng lương, rút rồi giờ thấy tiếc lắm", chị Nguyễn Thị Thu, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, chia sẻ.
Chạy xe theo chuyến hàng ngày, hơn 45 tuổi, trong khi nhiều người vẫn giữ và đóng nối bảo hiểm, ông Đỗ Văn Khoa lại đang sốt ruột. Lúc trước cầm 60 triệu tiền rút bảo hiểm chỉ về để mua xe máy mới, ông muốn đóng lại bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng tiếc vì không thể nối 10 năm đóng trước.
"Khi rút được một thời gian ngắn, tự dưng nghĩ lại tại sao mình không đóng tiếp, nếu được đóng lại mình sẽ vẫn đóng chứ không lấy lại nữa. Thực ra số tiền đó không làm được gì cả, tiêu vặt rồi cũng hết", ông Đỗ Văn Khoa, nguyên lái xe công ty CP Xuân Mai - Đạo Tú, cho hay.
Cầm 96 triệu tiền bảo hiểm sau gần 16 năm đóng, ông Kết (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) về đầu tư nuôi lợn. Dịch bệnh, lợn chết, ông lại xin việc đi làm tháng 6 triệu đồng.
Với một người sống ở sống ở nông thôn, ở tuổi 52, ông mới hiểu rút bảo hiểm không chỉ đơn giản là mang tiền về, mà còn là từ bỏ lương hưu. Ông chỉ mong làm ở công ty mới được ký hợp đồng lao động để được đóng BHXH từ đầu.
Nhiều người nuối tiếc vì rút bảo hiểm xã hội sớm, tuổi càng cao thì lo lắng sẽ càng tăng hơn, không ai muốn một tuổi già không tiền bạc, sống chỉ dựa vào con cháu.
Hiến pháp năm 2013 nêu rõ "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội". Tham gia Bảo hiểm xã hội chính là đảm bảo an sinh cho mỗi công dân, nhưng nhiều người đang lựa chọn từ bỏ an sinh cho chính mình khi về già. Cầm tiền về chỉ là trước mắt, nhưng hàng chục năm tuổi già của họ sẽ như thế nào nếu không có tích lũy, không có lương hưu và không bảo hiểm y tế. Trong khi đó, quan niệm "già cậy con" đã ngày càng xa vời khi hơn 45% người già sống một mình.
VTV.vn - Trong 3 tháng đầu năm nay, hơn 200.000 lượt người đã rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi dịch bệnh COVID-19 tạm lắng xuống để giải quyết khó khăn trước mắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.16813649151402202-mos-meih-oab-tur-iv-noum-ceit-ioun/et-hnik/nv.vtv