Điểm thu phí trên đường vòng núi Sam - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Người dân sống ở Thiên Cấm Sơn (còn gọi là núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) ngán ngẩm với cảnh lên núi hay xuống núi đều phải tốn tiền.
Vợ chồng ông N.V.T. (62 tuổi) và bà N.T.G. (57 tuổi, ngụ xã An Hảo) thuộc diện "nghèo rớt mồng tơi" ở núi Cấm, sống với nghề làm rẫy, hái rau rừng mưu sinh.
Người địa phương ra vào cũng thu
Hai vợ chồng ông T. đã xuống núi. Ông T. nhớ lại: "Lúc còn sống trong căn chòi trên núi, người thân hay đoàn từ thiện nào đó muốn lên thăm cũng khó vì phải tốn chi phí cho cả đoàn. Hằng ngày vợ chồng tui hái rau, sản vật rừng đem xuống núi bán rồi đánh lộn lại một vòng trở về nhà. Tiền lời đâu có bao nhiêu mà chịu tiền phí cho thương lái lên núi. Tiền bán vé du lịch không biết nộp cho ai nhưng cuộc sống người dân đã đảo lộn".
Núi Cấm có con đường nhựa dân sinh độc đạo lên tới đỉnh, đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 7.000 nhân khẩu. Trên đỉnh núi có ngôi chùa Phật Lớn, được xây dựng tượng Phật Di Lặc và hằng năm thu hút đông đảo du khách gần xa. Thay vì đầu tư chỗ nào thu tiền chỗ đó, Ban quản lý khu du lịch (KDL) Núi Cấm lại đặt nhiều chốt thu tiền ngay dưới chân núi và thu không chừa bất cứ ai muốn lên núi với giá 20.000 đồng/người.
Người dân địa phương muốn ra đây chạy xe ôm kiếm sống cũng buộc phải vào nghiệp đoàn, đóng phí 2.000 đồng/lượt chở khách lên núi. Ông H.H.T. (68 tuổi) kể mỗi lần nhà có đám, tiệc là vô cùng ngán ngẩm.
"Bà con ở xa đến dự cưới hỏi, ma chay, thăm thân... đến chân núi buộc dừng lại, gọi điện báo người thân xuống đón. Tiền chạy lên, chạy xuống xin xỏ, mua vé cũng mất mấy trăm ngàn. Đó là chưa kể đến việc người dân ở xa lên núi xin thuốc nam, làm từ thiện nhưng xin qua chốt vẫn bị nhân viên nhất quyết không cho và buộc phải mua vé", ông T. nói.
Cách KDL Núi Cấm không xa là khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Đồi Tức Dụp, xã An Tức, huyện Tri Tôn. Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng Công ty CP Du lịch An Giang đã cho xây KDL điện năng lượng mặt trời An Hảo để kinh doanh du lịch.
Du khách đến đây ngoài việc bỏ 80.000 đồng/người mua vé tham quan, sử dụng dịch vụ xe điện của doanh nghiệp còn phải chi thêm 20.000 đồng/người phí tham quan khu di tích Đồi Tức Dụp và 10.000 đồng tiền giữ xe.
Do chưa có phép xây dựng và không thực hiện chế độ thu, nộp ngân sách theo nghị quyết 42 của HĐND tỉnh An Giang nên hiện KDL của Công ty CP Du lịch An Giang đã bị chính quyền "tuýt còi".
Chính quyền địa phương nói gì?
Ông Lê Trung Hiếu, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại An Giang, cho biết KDL Núi Cấm khác với nhiều cụm núi khác là có cư dân sống trên núi.
"Tiền thu 20.000 đồng/người lên núi là để người ta giữ gìn trật tự an toàn, dọn dẹp rác, trả tiền điện nước, phục vụ nhà vệ sinh. Dù anh đi bất cứ con đường nào anh cũng phải lên chỗ hành hương, có nghĩa là anh đã đặt chân lên núi. Nếu vậy thì phải có tiền để trả lương cho những người lo các việc đó", ông Hiếu giải thích.
Cũng theo ông Hiếu, trong giá vé có cả tiền bảo hiểm. "Thử hỏi nếu đi lên núi bị giật dọc, bị giết chết thì ai lo... Do đó mình mới đặt trạm thu phí, nếu không thì người dân họ lợi dụng đưa khách lên núi rồi họ thu tiền", ông Hiếu cho hay.
Ông Trần Minh Nhựt, giám đốc Sở Tài chính An Giang, cho hay các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thu các loại phí phải niêm yết hoặc thông báo công khai mức thu phí tại địa điểm thu, khi thu phí phải cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí và đăng ký với cơ quan thuế.
KDL Núi Cấm được thu theo nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh, doanh nghiệp được giữ lại 35% làm chi phí thu. Còn đối với Đồi Tức Dụp được UBND tỉnh giao Công ty CP Du lịch An Giang quản lý, đầu tư khai thác và không thuộc đối tượng áp dụng của Luật phí và lệ phí năm 2015 nên đơn vị này đã giữ lại 100% phí thu được để chi cho hoạt động thu phí.
Tranh cãi việc thu phí ở núi Sam
Tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, hiện các tuyến đường lớn nhỏ bao quanh một khu vực rộng lớn có hàng trăm hộ dân sinh sống, kể cả trụ sở UBND phường cũng xuất hiện hàng loạt bảng cấm ôtô tự chế. Bên dưới cổng chào thân thiện của phường Núi Sam, Ban quản lý KDL quốc gia Núi Sam bố trí nhân viên, cắm chốt, điều tiết xe theo hướng định sẵn để buộc tất cả ôtô lớn nhỏ đều phải qua chốt, mua vé 20.000 đồng/người.
Theo ghi nhận, khu vực này lâu nay mọc lên 3 chốt chặn với bảng hiệu "thu phí tham quan". Việc thu phí ở đây cũng theo cảm tính, kiểu "nhìn mặt đặt tên". Với ôtô biển số An Giang thì vô tư di chuyển, còn ngoại tỉnh đều phải "chìa tiền" mới được qua chốt, dù không cần biết họ đi đâu. Đó là chưa kể du khách vào tham quan, viếng Miếu Bà phải trả thêm phí bến bãi đậu xe.
Anh Lâm Tuấn Em đưa gia đình từ Sóc Trăng vào KDL theo tuyến đường tránh N1, rẽ vào Lê Đại Cương thì thấy trạm thu phí cách bãi giữ xe khoảng 200m. "Giá thu 20.000 đồng/người, tổng cộng gia đình tôi 4 người phải trả 80.000 đồng và 50.000 đồng phí giữ xe", anh Em cho biết.
Theo ông Trần Quốc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc, việc đặt trạm thu phí như vậy là theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Còn vì sao không thu theo hình thức làm ở đâu thu ở đó thì ông Tuấn giải thích do đặc thù của KDL quốc gia Núi Sam là khu phức hợp, nằm xen lẫn cùng nhà dân.
Trước đây tỉnh cũng đã xem xét, đặt vấn đề chuyện này nhưng Miếu Bà và hoạt động mua bán, dân cư ở khu này đã gắn liền với nhau mấy trăm năm nên không thể tách ra được. Tổ chức thu phí ra vào Miếu Bà cũng không được vì nơi này diện tích nhỏ và thu thì rất kỳ. Khi nào tỉnh có ý kiến khác địa phương làm theo, vì đây là thẩm quyền của tỉnh.
TTO - Cả nhóm theo du khách chèo kéo, ép du khách lấy đồ cúng rồi bao vây, ép du khách trả tiền triệu tại chùa Bà Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Xem thêm: mth.83900413251402202-ia-auhc-gnohk-uht-mac-iun-mas-iun-yav-oab-ihp-uht-tohc/nv.ertiout