Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: Q.H
Tiếp tục xin lùi dự án Luật đất đai (sửa đổi)
Sáng 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án luật nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể.
Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế cho rằng đây là dự án luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư.
Lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết nghị quyết 19-NQ/TW, ông Tùng nhấn mạnh đây không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này.
Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.
Thảo luận sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng các điều kiện cần thiết liên quan đến dự án luật này đã đầy đủ và các vướng mắc từ 19 nhóm vấn đề đã gom lại còn 6 nhóm vấn đề.
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên - môi trường sớm hoàn thiện dự án luật để đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng theo nghị quyết của Quốc hội, dự án luật này sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022) nhưng đến nay "không thể không lùi" do cần căn cứ chính trị là việc xem xét tổng kết nghị quyết 19 của trung ương.
Ông Nhân thống nhất với báo cáo thẩm tra đề nghị cho phép trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật tại kỳ họp thứ 4.
Trước đó, trả lời chất vấn tại phiên họp tháng 3-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết đang tích cực hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi), thực hiện các thủ tục, trình tự xây dựng dự án luật theo đúng quy định để trình Quốc hội sau khi Ban Chấp hành trung ương xem xét, quyết định những chủ trương lớn cần tiếp tục đổi mới trong quá trình tổng kết nghị quyết 19.
Bổ sung dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Liên quan đến điều chỉnh chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công an nhân dân vào chương trình năm 2022.
Báo cáo giải trình, ông Tùng cho hay tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét việc bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2022 để tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Chính phủ cũng đề nghị bổ sung 3 dự án Luật đường bộ, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba và thông qua tại kỳ họp thứ tư.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, đây là 3 dự án đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020), tuy nhiên chưa được Quốc hội xem xét, thông qua.
Trên cơ sở hồ sơ Chính phủ trình, ngày 8-4, tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 và chỉ đạo các cơ quan có liên quan báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình.
Ông Tùng cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại một kỳ họp. Ủy ban Pháp luật đồng tình với Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành bổ sung dự án luật này.
TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, dự án luật nào chưa đủ điều kiện, chưa 'chín' thì để lại. Đồng thời, ủy ban nào đề xuất mà sau này không thực hiện được phải chịu trách nhiệm.
Xem thêm: mth.89825419061402202-ut-uht-nal-neh-ol-ial-iad-tad-taul-aus/nv.ertiout