ThS Đỗ Cao Vân Anh - người tiếp quản mô hình tổ y tế từ xa, phó trưởng bộ môn nhiễm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Vừa qua, mô hình "tổ y tế từ xa" được vinh danh tại lễ trao giải thưởng "Thành tựu y khoa Việt Nam 2021", khi đã hỗ trợ theo dõi, chăm sóc cho 7.000 người bệnh F0 tại nhà trên địa bàn TP.HCM...
Mỗi lúc biết bệnh nhân chuyển nặng rồi tử vong vì COVID-19, tôi có cảm giác như một chiếc bình quý rơi xuống rồi vỡ trước mắt mà không có cách nào giữ được chúng. Đau xót lắm nên cuộc gọi nào đến, dù 2h sáng tôi cũng nghe máy hướng dẫn.
ThS Đỗ Cao Vân Anh
"Người chị" của tổ y tế từ xa
Nhớ lại thời điểm dịch COVID-19 TP.HCM cam go nhất, bà Đỗ Cao Vân Anh chia sẻ: "Đến nay, điều tôi luôn trân trọng và tự hào là sự cống hiến, nỗ lực hết mình từ các bạn sinh viên, bác sĩ trẻ của trường".
* Tiếp quản mô hình này, bà phải đối diện nhiều tình huống khó khăn nào?
- Thời điểm dịch, trường đã chia thành nhiều cụm tư vấn người F0 tại nhà. Tôi là người theo dõi hoạt động từng cụm, đồng thời hội ý, đánh giá từng người F0 cụ thể. Lúc nào tiện, tôi cũng tham gia tư vấn, hướng dẫn điều trị trực tiếp cho người F0.
Trách nhiệm của tôi và tôn chỉ của tổ là luôn tuân thủ quy định khám chữa bệnh như việc kê toa thuốc cho bệnh nhân phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Do đó, các bạn sinh viên, bác sĩ trẻ đã liệt kê những loại thuốc cho bệnh nhân, sau đó tôi coi lại hợp lý chưa và duyệt.
Tuy nhiên, dù có tư vấn cặn kẽ đến đâu thì cũng có những bệnh nhân nặng cần nhập viện. Số này chiếm khoảng 2-5%. Hoàn cảnh càng thử thách hơn khi các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 gần như kín giường bệnh. Chúng tôi tìm bệnh viện cho bệnh nhân đã khó, mà bối cảnh lúc đó TP bị phong tỏa nên không có phương tiện chở bệnh nhân, còn xe cấp cứu 115 thì luôn hoạt động hết công suất.
Có trường hợp không cứu kịp vì chuyển viện trễ. Xuất phát từ khó khăn này, nhiều sinh viên của trường cũng tham gia vào nhóm taxi chuyển viện. Cùng với tổ tư vấn từ xa, đã tạo thành một hệ thống hướng dẫn, chăm sóc F0 từ lúc họ ở nhà đến khi chuyển viện nếu chuyển nặng.
* Vậy sau khi tư vấn, hướng dẫn, chuyển viện người bệnh F0 (nếu nặng) thì tổ y tế từ xa sẽ kết thúc công việc?
- Đúng là nhiệm vụ chúng tôi dừng lại tại đây. Tuy nhiên, vào thời điểm đỉnh dịch, khi bệnh nhân của chúng tôi đã được đưa vào bệnh viện nhưng phải thở HFNC, thở máy thì người nhà rất khó biết được thông tin người thân của mình như thế nào.
Vượt qua nhiệm vụ ban đầu và với thói quen nghề nghiệp, chúng tôi cố gắng rà soát, liên hệ bệnh viện cập nhật tình trạng sức khỏe bệnh nhân để cung cấp và trấn an người nhà vì chúng tôi hiểu rằng ai cũng rất nóng ruột.
Bằng mọi giá cứu người
* Tổ phải chạy đua thời gian ra sao?
- Mỗi lần biết bệnh nhân chuyển nặng rồi tử vong vì COVID-19, tôi có cảm giác như một chiếc bình quý rơi xuống rồi vỡ trước mắt mà không có cách nào giữ được chiếc bình quý đó. Chúng tôi đã cố gắng can thiệp nhưng vẫn không cứu được bệnh nhân thì đau xót lắm.
Theo quy định, người dân sẽ liên hệ qua tổng đài của tổ. Nhưng thời điểm đỉnh dịch, Sở Y tế TP.HCM có văn bản công bố số điện thoại cá nhân của tôi và từ đó điện thoại tôi luôn trong tình trạng quá tải.
2h sáng, tôi vẫn nhận cuộc gọi. Người dân, đồng nghiệp thì gọi trong tình trạng hoảng sợ khi bản thân hoặc người nhà mắc một căn bệnh mới nguy hiểm và dễ lây lan này. Còn các bạn sinh viên thì gọi báo: "Cô ơi, bệnh nhân không chuyển viện được".
Cuộc gọi nào đến tôi cũng tiếp nhận hướng dẫn. Ca bệnh cần chuyển viện, tôi nhắn tin các đồng nghiệp đang quản lý tại các bệnh viện dã chiến để gửi bệnh. Dù nửa đêm hay gần sáng, đồng nghiệp cũng phản hồi ngay lập tức.
Tôi có cảm giác nhiều đồng nghiệp cũng không ngủ được trong thời điểm đó và lâu ngày thành thói quen nên khi điện thoại có tin nhắn, cuộc gọi là xử lý ngay. Tôi biết vậy nên cũng không còn ngại gửi bệnh nhân trong đêm muộn.
ThS Đỗ Cao Vân Anh (trái) cùng một thành viên trong tổ y tế từ xa - Ảnh: XUÂN MAI
* Xin bà chia sẻ bài học kinh nghiệm từ vụ dịch COVID-19?
- Đã có hàng chục ngàn bệnh nhân ở TP.HCM tử vong vì COVID-19. Đây là bài học đắt giá cho ngành y tế, có lẽ một thế kỷ mới xảy ra một đại dịch khủng khiếp như vậy.
Riêng tôi, nhớ lại thời điểm ghi nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới, tôi cũng tìm hiểu, đọc tài liệu, sách báo về dịch bệnh này. Đến nay, tôi mới nghiệm ra là có đọc sách bao nhiêu đi nữa thì cũng phải tùy theo bối cảnh thì mới có ứng phó hợp lý.
* Dù làm nghề y nhưng được biết bà vẽ tranh rất đẹp, đây là đam mê của bà?
- Đây là ước mơ từ nhỏ và tôi cũng có học một khóa ở lớp học vẽ. Nhà tôi có truyền thống theo nghề y, ngoài thích vẽ, tôi cũng nỗ lực học tập, thi cử theo đuổi nghề. Lúc nào rảnh, có cảm hứng, tôi sẽ vẽ tranh sơn dầu hoặc lụa. Trong nhà, tôi treo vài bức. Tại phòng khoa cũng có vài bức. Những bức đẹp, tôi đem tặng hoặc đem đi triển lãm, số tiền bán được tôi làm từ thiện.
TTO - HĐND TP.HCM khóa X họp chiều 7-4 đã thống nhất thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Xem thêm: mth.92701821251402202-gnas-h2-iog-couc-gnuhn-iohc-ut-gnohk-iougn/nv.ertiout