Voigt bị bắt vì trộm cắp vào năm 1863, khi mới 14 tuổi, ngồi tù hai tuần. Khi được trả tự do, Voigt phát hiện bị đuổi học, vì vậy đã nối nghiệp đóng giày của gia đình nhưng vẫn không từ bỏ cuộc sống tội phạm.
Từ năm 1864 đến năm 1891, Voigt bị kết án tù tổng cộng 25 năm do nhiều lần trộm cắp, giả mạo và ăn trộm. Bản án dài nhất là 15 năm vì ăn trộm phòng thủ quỹ của tòa án.
Ra tù ngày 12/2/1906 và không còn nhiều lựa chọn, Voigt chuyển đến sống cùng chị gái ở Rixdorf, thị trấn gần Berlin, kiếm sống bằng công việc thợ đóng giày. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, ông ta sớm bị cảnh sát đẩy ra khỏi thị trấn vì quá khứ lừa đảo dày trạt tiền án.
Voigt nói sẽ chuyển đến Hamburg, nhưng trên thực tế quanh quẩn trong thành phố, cải trang thành nhiều thân phận để kiếm sống. Trong thời gian này, Voigt cũng âm thầm lên kế hoạch cho vụ lừa đảo có một không hai.
Phần đầu tiên trong kế hoạch, Wilhelm lùng sục tại nhiều các cửa hàng địa phương để đồ hoá trang trông giống như đại úy quân đội. Vào thời điểm đó, quân đội Đức được huấn luyện để tuân lệnh các nhà lãnh đạo của họ mà không cần thắc mắc. Điều đã được tên trộm ranh mãnh này lợi dụng cho "âm mưu thế kỷ".
Từ tháng 8 đến tháng 10/1906, Wilhelm đi lang thang khắp Berlin, mặc trang phục đại úy và ra lệnh cho bất kỳ người lính nào mà tình cờ gặp để xem có tuân theo lệnh mình không.
Ngày 16/10/1906, ông ta đến doanh trại bộ đội địa phương, chặn bốn lính bắn lựu đạn và một trung sĩ trên đường trở về doanh trại và bảo họ đi cùng mình. Tất cả đi theo.
Khi đã hài lòng rằng việc cải trang, Voigt bắt chuyến tàu đến Tegel, thị trấn nhỏ cách Berlin khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Tại đây, ông chiêu mộ thêm một đơn vị lính để giúp chiếm giữ tòa thị chính của Köpenick, thành phố nằm ở ngã ba sông Dahme và Spree ở phía đông nam thủ đô.
Với sự tự tin của một kẻ trộm giỏi cải trang, trong vai chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, Wilhelm ra lệnh cho toàn bộ cảnh sát Köpenick chắn tất cả lối ra khỏi thành phố, "ngăn chặn các cuộc gọi đến Berlin trong một giờ" tại bưu điện địa phương. Họ răm rắp làm theo.
Trong khi quân lính đang tập trung cao độ làm nhiệm vụ với yêu cầu "quan tâm đến luật pháp và trật tự", Voigt tiến vào toà thị chính, bắt thủ quỹ và thị trưởng, với lý do nghi ngờ gian lận sổ sách kế toán, đồng thời tịch thu 4002 mark.
Voigt chỉ huy hai toa tàu và bảo những người bắn lựu đạn đưa những người bị bắt đến Neue Wache ở Berlin để thẩm vấn. Ông ta bảo những người bảo vệ còn lại đứng im tại vị trí canh gác thêm nửa giờ và sau đó mới được đi đến ga xe lửa trở lại Berlin.
Sau đó, cũng đột ngột như khi đến, Voigt cởi bỏ quân phục, mặc thường phục và biến mất cùng với thùng tiền.
Không mất nhiều thời gian để quân đội Đức phát hiện ra bị lừa. Báo chí bắt đầu đưa câu chuyện lan nhanh, khiến các quan chức muối mặt, còn dân chúng được mẻ cười.
Voigt có lẽ sẽ thoát khỏi việc ngồi tù nếu chịu kín miệng. Nhưng ông ta lại khoe khoang chiến tích này với một người bạn cũ, cũng là đạo chích, hám tiền thưởng của cảnh sát. Sau khi người này chỉ điểm, Voigt bị bắt ngày 26/10 cùng năm, chỉ 10 ngày sau vụ trộm. Ông ta bị kết án 4 năm tù, bất chấp sự ủng hộ của công chúng.
Vụ giả mạo khiến ngay cả Wilhelm II, vua cuối cùng của nước Đức, cũng cảm thấy thích thú. Vua Wilhelm II trực tiếp hạ lệnh ân xá cho "tên vô lại đáng mến" sau chưa đầy một năm thụ án. Wilhelm được tự do tháng 8/1908.
Sau khi ra tù, Voigt ngay lập tức từ một thợ đóng giày thấp hèn và kẻ lừa đảo trở thành huyền thoại địa phương. Một bức tượng của ông với tư cách là "Chỉ huy Köpenick" đã được dựng lên bên ngoài hiện trường gây án. Wilhelm đã kể lại câu chuyện của mình cho bất kỳ ai muốn nghe và thậm chí mặc chính bộ quân phục giả để chụp ảnh với người hâm mộ thu một khoản tiền nho nhỏ.
Ông dành những ngày tiếp theo trong bảo tàng để ký tặng người hâm mộ nhưng các quan chức cũng xuất hiện cùng ngày để cấm hành xử vênh vang như vậy.
Wilhelm Voigt nổi danh với biệt danh "Chỉ huy Köpenick" trong các chương trình tạp kỹ ở Canada và Mỹ. Năm 1909, ông xuất bản cuốn hồi ký Wie ich Hauptmann von Köpenick wurde - Tôi đã trở thành đội trưởng của Köpenick như thế nào, được tái bản gần đây nhất vào năm 2016. Ông cũng là người truyền cảm hứng cho một tác phẩm tượng sáp trong bảo tàng Madame Tussaud ở London .
Năm 1910, ông chuyển đến Luxembourg và làm bồi bàn và đóng giày, tiếp tục chụp ảnh và ký tặng. Voigt còn nhận được tiền trợ cấp trọn đời từ một goá phụ giàu có ở Berlin. Nhiều nhà hàng sang trọng ở địa phương hào phóng mời ông đến dùng bữa miễn phí bất cứ khi nào.
Voigt qua đời vì biến chứng của bệnh cúm ngày 3/1/1922.
Nhiều năm sau câu chuyện của Wilhelm vẫn không bị lãng quên. Một con tem bưu chính của Đức mang hình ảnh của ông đã được phát hành vào năm 2006, nhân kỷ niệm 100 năm vụ trộm hài hước.
Hải Thư (Theo History Daily, History, Ville de Luxembourg)
Xem thêm: lmth.1821544-hnam-am-hcihc-oad-auc-iaoht-neyuh-aul-uc/ten.sserpxenv