Thi công cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 - Ảnh: ĐỨC TRONG
Nhiều ý kiến cho rằng cần lựa chọn dự án hiệu quả, tính lan tỏa cao, tránh "rải mành mành", "vẽ dự án" không thực chất.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tổng hợp danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết Quốc hội đã cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tối đa là 176.000 tỉ đồng.
Trong đó có 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất ở mức 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Cũng theo báo cáo, các bộ ngành, địa phương đã đề xuất 393 nhiệm vụ và dự án (tăng 127 dự án so với báo cáo trước đó) với tổng vốn 135.665 tỉ đồng, bằng 97,75% số vốn được Quốc hội cho phép phân bổ (136.000 tỉ đồng).
Trong đó, 87.430 tỉ đồng dự kiến được dành để thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia là cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025; các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chưa hoàn thiện đầu tư; 2 dự án nhóm A là cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và dự án cầu Đại Ngãi.
Các địa phương cũng xin bố trí vốn từ chương trình để đầu tư cho các tuyến đường tỉnh, đường giao, cao tốc...
Ngoài ra, một số dự án khác cũng đã được Thủ tướng phê duyệt hoặc yêu cầu nghiên cứu đầu tư theo hình thức công tư, như dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Vì vậy, để có cơ sở bố trí vốn ngân sách cần có ý kiến của Chính phủ về chủ trương đầu tư.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Lâm - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội - cho rằng việc lựa chọn, phân bổ vốn các dự án phải đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí đã được Quốc hội phê duyệt.
Ngoài việc ưu tiên cho các dự án quan trọng quốc gia, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc có đủ vốn, việc cân đối vốn để hoàn thành dự án là rất quan trọng, nhất là những dự án nằm ngoài danh mục.
"Khi bố trí vốn triển khai các dự án phải đảm bảo sẽ phát huy hiệu quả ngay trong giai đoạn này, tránh dự án kéo dài cho tới giai đoạn sau sẽ không tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.
Đặc biệt, dự án phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được ưu tiên lựa chọn để triển khai ngay, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả, tác dụng cho nền kinh tế" - ông Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Văn Hòa - đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có hạn, việc phân bổ, lựa chọn dự án phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Không thể "chia đều" cho mọi vùng miền mà cần tập trung những khu vực trọng điểm kinh tế, cần phát triển đột phá hạ tầng giao thông, ưu tiên những lĩnh vực có khả năng phục hồi nhanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
"Mục tiêu của gói hỗ trợ này là phục hồi và phát triển kinh tế, nên việc rót vốn hỗ trợ phải trọng điểm, đánh giá hiệu quả thực chất chứ không thể theo cơ chế xin - cho.
Tiêu chí đặt ra là không rải mành mành mà tập trung lĩnh vực ưu tiên, các công trình giao thông, hạ tầng quan trọng kết nối liên vùng, nâng cao năng lực ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng..." - ông Hòa đề nghị.
TTO - Trong năm 2022 - 2023, ngân sách sẽ cấp bù 2% lãi suất cho doanh nghiệp có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống... 40.000 tỉ đồng sẽ được chuyển tới các doanh nghiệp thông qua ngân hàng.
Xem thêm: mth.86453112261402202-ort-oh-iog-iov-hnab-aihc-gnohk/nv.ertiout