Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học cho biết họ vừa tìm thấy dấu vết của một trận động đất mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. Nó xảy ra vào khoảng năm 1.800 trước Công Nguyên ở ngoài khơi Thái Bình Dương khu vực thuộc bờ biển Chile ngày nay.
Sự kiện địa chấn thảm khốc này đã tạo ra một cơn sóng thần lớn đánh sập toàn bộ đường bờ biển Chile, bao gồm cả sa mạc Atacama. Con sóng thần được ước tính cao 20 mét đã đi nửa vòng Trái Đất, từ bờ này sang bờ kia Thái Bình Dương, tới cả khu vực New Zealand ngày nay.
Khoảng 3.800 năm trước, khu vực bờ biển của Chile từng là nơi sinh sống của các bộ lạc săn bắn hái lượm. Không có gì phải nghi ngờ, những nhóm người này đã phải chịu thiệt hại đáng kể về nhân mạng do hậu quả của trận động đất và sóng thần để lại.
Các nhà nghiên cứu cho biết một số trong đó đã sống sót. Nhưng ký ức về trận sóng thần đã in hằn và trở thành nỗi ám ảnh với họ. Để trong suốt 40 thế hệ sau đó, không một cộng đồng nào dám trở lại khu vực bờ biển Chile để sinh sống. Cả một dải 600 km sát bờ Thái Bình Dương đã vắng bóng con người trong suốt 1.000 năm.
Ký ức sóng thần in hằn lên sa mạc Atacama
Atacama là một sa mạc vô cùng khắc nghiệt ở Nam Mỹ. Nó được cho là đã tồn tại cách đây 15 triệu năm với khí hậu cực kỳ khô hạn. Sa mạc này vì thế trở thành địa điểm trên Trái Đất có các điều kiện giống với Sao Hỏa nhất. Mọi bộ phim viễn tưởng có cảnh quay Sao Hỏa cho đến những thử nghiệm đổ bộ của NASA đều đã được thực hiện ở đây.
Rõ ràng, Atacama không phải là một nơi lý tưởng để sinh sống. Một cơn mưa trên sa mạc này thậm chí có thể gieo rắc cái chết hơn là sự sống. 75-85% loài sinh vật bản địa ở đây được báo cáo đã tuyệt chủng chỉ sau một cơn mưa, đơn giản là bởi chúng đã quá quen với khí hậu khô hạn.
Nhưng quay trở lại 12.000 năm trước, có một số tộc người săn bắn hái lượm đã có mặt ở Atacama và học cách sinh tồn trên những gì mà bờ biển Thái Bình Dương cung cấp cho họ.
Quá trình phát triển của con người ở Atacama diễn ra liên tục trong hàng thiên niên kỷ, nhưng đột nhiên bị gián đoạn trong khoảng 1.000 năm kể từ năm 1.800 Trước Công Nguyên. Các nhà khảo cổ không thể tìm thấy bất kỳ một hài cốt nào cho thấy sự hiện diện của con người từ đó cho tới tận năm 800 Sau Công Nguyên.
Để tìm hiểu lý do tại sao lịch sử của Atacama lại có một khoảng trống như vậy, một nhóm các nhà địa chất, sinh thái học và nhân chủng học quốc tế do giáo sư Gabriel Easton tại Đại học Chile dẫn đầu đã tiến hành một nghiên cứu.
Họ đã dành ra nhiều năm khai quật các địa điểm khảo cổ và địa chất ở sa mạc Atacama để cuối cùng phát hiện ra một lớp trầm tích rất kỳ lạ. Giữa sa mạc tại một địa điểm cách bờ biển tới 600 km lại có sự xuất hiện của một cấu trúc địa tầng ven biển, với đá biển, vỏ sò và hóa thạch của các loài hải sản.
"Tất cả những thứ này được tìm thấy ở một vị trí rất cao và cách bờ biển một chặng đường dài sâu vào trong đất liền. Không thể có một cơn bão nào đủ sức mạnh để đưa chúng đến đó", James Goff, một nhà địa chất học và chuyên gia về sóng thần tại Đại học New South Wales, Australia cho biết.
Với chuyên môn của mình trong lĩnh vực, Goff chắc chắn những gì ông thấy là một lớp trầm tích của một cơn sóng thần. Không những vậy, đó còn phải là một cơn sóng thần khổng lồ, gây ra bởi một trận đại địa chấn lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
"Người ta đã nghĩ rằng không thể có một sự kiện tầm cỡ như vậy xảy ra ở miền bắc Chile bởi vì ở đó không có một đứt gãy đủ lớn", Goff nói. "Nhưng giờ đây chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng về một vết đứt gãy dài khoảng 1.000 km ngay ngoài khơi bờ biển sa mạc Atacama, và nó rất lớn".
Bằng kỹ thuật xác định niên đại vỏ sò, các nhà địa chất học ước tính khoảng 1.800 năm Trước Công Nguyên khu vực này, nằm gần nơi hội tụ của các mảng kiến tạo Nazca và Nam Mỹ đã xảy ra một trận động đất khủng khiếp.
"Chúng tôi đề xuất rằng trận động đất này phải mạnh tương đương trận động đất ở Valdivia xảy ra vào năm 1960 ở miền nam Chile", giáo sư Easton nói. "Đây là trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử". Nó phải có cường độ cỡ 9,5 độ richter.
Theo sau đó là một cơn sóng thần cao từ 15 đến 20 mét đã đẩy toàn bộ lớp trầm tích bờ biển vào sâu trong đất liền sa mạc Atacama. Nó thậm chí còn tạo ra một đại dương mới trong lòng sa mạc.
Xóa sổ sự hiện diện của con người trong suốt 1.000 năm
Thời gian là thứ duy nhất có thể xóa nhòa mọi thứ. Bất chấp trận lũ lụt đáng kinh ngạc bao phủ Atacama bằng một vùng biển nội địa mới hình thành, nước biển cuối vẫn bị lớp cát siêu khô của sa mạc hấp thụ hết, trả Atacama về trở thành một khu vực khô cằn.
Nhưng sau khi điều này xảy ra, có vẻ như những người đã sống ở vùng ven biển Chile trước đây đã không quay trở lại. "Động đất và sóng thần là một trong những sự kiện thảm khốc nhất ảnh hưởng đến xã hội loài người. Chúng thách thức sự thích nghi của loài người với môi trường sống", nghiên cứu viết.
"Các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới rất dễ bị tổn thương khi đối mặt với những hiểm họa thiên nhiên này, và những thảm họa xã hội mà chúng tạo ra chắc chắn sẽ tái diễn trong những thập kỷ tới, đặt tính mạng con người, cơ sở hạ tầng và tài sản môi trường xã hội vào tình thế rủi ro".
Những người săn bắn hái lượm cổ đại đã sống sót trong sa mạc Atacama bằng nghề đánh cá và thu hoạch các loại hải sản từ bãi biển và ngoài đáy đại dương. Nhưng sau trận động đất, người dân địa phương ở đó không còn gì cả.
"Công trình khảo cổ học của chúng tôi phát hiện ra rằng có một cuộc biến động xã hội lớn đã xảy ra, các cộng đồng này đã di chuyển vào sâu trong đất liền vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của cơn sóng thần năm đó", Goff nói.
Họ thậm chí còn di dời các nghĩa trang đến những ngọn núi cao hơn. Nhiều thi thể đã được đào lên và ướp lại xác trong quá trình cải táng. Điều này cho thấy những cộng đồng người cổ đại ở Chile cũng có tín ngưỡng tôn kính cha mẹ và tổ tiên đã khuất của họ như thế nào, giáo sư Easton lưu ý thêm.
Có một câu hỏi là những người cổ đại đã bỏ hoang sa mạc Atacama trong bao lâu. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy mặc dù vẫn còn nhiều tài nguyên đại dương để khai thác gần đó, những người săn bắn hái lượm đã không quay trở lại khu đất cũ của tổ tiên họ cho đến tận năm 800 Sau Công Nguyên. Trong một số trường hợp, các khu định cư đã bị bỏ hoang hơn 1.500 năm.
Eugenio Gayo, nhà sinh thái học và nhà nghiên cứu khí hậu tham gia nghiên cứu nhận xét: "Điều này thật đáng ngạc nhiên, bởi vì các cộng đồng người cổ đại thường có trí nhớ ngắn hạn đối với những sự kiện loại này".
Gayo tính toán 1.000 năm tương đương với 40 thế hệ con người đã trải qua. Trong điều kiện không có chữ viết, những người săn bắn hái lượm chỉ có thể truyền tụng về lịch sử trận động đất và sóng thần đó cho con cháu của mình bằng miệng và bằng các hình vẽ trên đá.
Điều này nhấn mạnh thông điệp về trận đại hồng thủy đã phải sống động và đáng sợ đến mức nào để những hậu duệ truyền đời ở khu vực sa mạc Atacama quyết định không bao giờ quay lại bờ biển trong cả thiên niên kỷ.
Các nhà nghiên cứu hiện cũng chưa rõ tại sao vào năm 800 Sau Công Nguyên, một lần nữa khu vực bờ biển sa mạc Atacama lại đón những dân cư đầu tiên quay trở lại. Nhưng họ chắc chắn không phải nguy cơ động đất và sóng thần ở đây đã biến mất.
Sa mạc Atacama ở bờ biển Chile nằm trên một đới hút chìm, nơi mảng đại dương Nazca liền kề đang trượt dần xuống dưới mảng lục địa Nam Mỹ. Quá trình địa chất đang diễn ra này là nguyên nhân tạo ra Dãy núi Andes, và cho tới tận bây giờ, nó vẫn thường xuyên gây ra các trận động đất ở Chile.
Vì vậy, Goff cảnh báo chúng ta phải thực sự chuẩn bị cho những thảm họa khủng khiếp này có thể xảy ra và lặp lại một lần nữa. "Hiện tại, đây là một khu vực đông dân cư, với nhiều nơi là điểm du lịch nổi tiếng. Nếu có một sự kiện như vậy lặp lại, hậu quả có thể rất thảm khốc trừ khi chúng ta rút kinh nghiệm và chuẩn bị ứng phó với nó trước một bước".
Tham khảo Sciencealert , Science
https://genk.vn/sieu-dong-dat-lon-nhat-lich-su-co-dai-day-song-than-di-nua-vong-trai-dat-quet-sach-su-hien-dien-cua-con-nguoi-suot-1000-nam-20220415134614163.chn