Bé Cám (An Nhiên) là "tác phẩm" quý nhất của hai vợ chồng họa sĩ Đinh Văn Sơn, Nguyễn Thu Hiền - Ảnh: NVCC
Hay tin nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hiền chuẩn bị ra mắt triển lãm đầu tay vào ngày 3-5 tới, bạn bè ai cũng vui lây, vì hiếm có một gia đình họa sĩ mà cả hai vợ chồng đều theo nghề một cách chuyên nghiệp lại vừa duy trì được tổ ấm nhỏ hạnh phúc.
Dù có kinh nghiệm dạy mầm non, mình nhận ra điều quan trọng khi làm ba mẹ là phải học lại từ đầu, học từ con trẻ và từ các phụ huynh xung quanh. Mình làm gì cũng rủ các bé trong chung cư cùng làm, các con học tập lẫn nhau. Bọn trẻ cho mình năng lượng tuổi thơ, tụi mình cho các con trải nghiệm không gian nghệ thuật.
Họa sĩ Nguyễn Thu Hiền
Những đồng cảm, đam mê
Sau 3 năm ra trường, lập gia đình và miệt mài sáng tác, ngày 2-10-2019 họa sĩ Đinh Văn Sơn có triển lãm đầu tay mang tên "Hạnh phúc nhỏ trên tầng áp mái" - trưng bày 72 tác phẩm đa chất liệu và thể loại, chuyển tải những câu chuyện đời thường giản dị nhưng đong đầy cảm xúc chân thành.
Lần đầu ra mắt, triển lãm không chỉ gây ấn tượng về phong cách sáng tác riêng và sự nghiêm túc theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp của anh Sơn mà còn lan tỏa hạnh phúc dung dị của đôi vợ chồng trẻ yêu nghệ thuật, yêu nhau và yêu con.
Khi đó, bé Cám mới tròn 7 tháng. Chưa đứng vững, Cám đã được ba ôm đi ngắm những bức tượng gốm mang hình mẹ và hình mình, tròn mắt trước những bức tranh sắc màu ấm áp như trong thần thoại. Nằm lẫn lộn giữa những tác phẩm của ba trong căn phòng nhỏ vài chục mét vuông vừa là nhà vừa là xưởng vẽ, Cám chính là "tác phẩm" lớn nhất, quý giá nhất được sinh ra trong dự án "Hạnh phúc nhỏ trên tầng áp mái".
Cái tên "An Nhiên" của bé Cám không chỉ là mong mỏi, lời nhắc nhở, mà còn là động lực để anh Sơn và chị Hiền vượt qua không ít khó khăn.
Với anh Sơn, đó là áp lực khẳng định bản thân khi dám từ bỏ ngành truyền thông đa phương tiện và một công việc đang ăn nên làm ra để đi học lại 5 năm đại học mỹ thuật chuyên ngành sơn mài hồi năm 2010. Ở đó, anh gặp chị Hiền và từ mối quan hệ bạn bè rồi tri kỷ, cả hai quyết định đồng hành cả trong đời sống lẫn nghệ thuật. Ra trường và lập gia đình năm 2017, anh "nhốt mình" 3 năm chuyên tâm làm việc cần mẫn để "đo" chính mình làm được đến đâu với ước mơ họa sĩ.
Có thể tưởng tượng những thử thách cả về vật chất lẫn tinh thần đối với một gia đình họa sĩ trẻ mới ra trường với hai bàn tay trắng. Anh Sơn không có nhiều thời gian để làm kinh tế, việc sáng tác tốn kém rất nhiều chi phí, còn chị Hiền chỉ có thu nhập từ việc đi dạy, không lâu sau thì mang bầu rồi bận rộn chăm con nhỏ...
Nếu không có sự đam mê, đồng cảm và san sẻ, chấp nhận hy sinh nhiều thứ để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt, tự nấu nướng, tự may thêu đồ đạc, sống tối giản và dành hết những phong phú của đời sống cho nghệ thuật thì cả hai khó mà vun vén được "hạnh phúc nhỏ trên tầng áp mái".
Khi một nữ họa sĩ trẻ làm mẹ
Sau thành công của anh Sơn, đến lượt chị Hiền theo đuổi đam mê với triển lãm đầu tay "Nắng nghiêng lưng trời" - sẽ ra mắt vào ngày 3-5 tới tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm gom góp hơn 90 tác phẩm được chị Hiền tỉ mẩn tích cóp trong suốt 4 năm qua, tranh thủ mọi lúc có thời gian kể từ khi bắt đầu mang bầu, sinh con, đi dạy, quán xuyến việc nhà... để vẽ.
"Nếu ví một họa sĩ độc thân theo nghề khó 1, một nam họa sĩ có gia đình vừa làm kinh tế vừa làm nghề khó 2, thì một nữ họa sĩ vừa chăm con vừa làm kinh tế mà vẫn theo đuổi đam mê phải khó đến 5. Có lẽ vậy mà hiếm nữ sinh viên mỹ thuật đã lập gia đình còn theo đuổi được nghề" - vừa cười, Hiền vừa dí dỏm "chấm điểm" độ khó cho những thách thức mà các nữ họa sĩ phải đối mặt.
"Khó nhất là không có thời gian. Dù mình may mắn được anh Sơn san sẻ rất nhiều trong các công việc nhà và chăm con, mình vẫn không đủ thời gian trống. Cảm xúc cứ liên tục bị gián đoạn bởi đủ việc không tên. Các bà mẹ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý sau sinh, mau quên, dễ phân tâm vì nhớ con, khó mà tập trung 100% vào sáng tác...".
Hành trình 4 năm cho "Nắng nghiêng lưng trời" của Hiền vì vậy trở nên rất dài và đầy những hoang mang. Có lo lắng, có thất vọng nhưng Hiền tin chỉ cần chân thành với đam mê và được bạn đời ủng hộ thì khó mấy cũng có thể giải quyết.
Hiền chọn đối mặt những thử thách của mình bằng bản năng của một người mẹ. Nhớ con thì cứ vẽ về con. Thiếu thời gian thì tận dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi chất liệu để sáng tác. Khi con quá bé không vẽ được sơn mài, sơn dầu vì sợ mùi chất liệu, Hiền chuyển sang làm gốm, vẽ lụa, vẽ acrylic rồi bồi giấy theo kỹ thuật riêng... Chính trong sự hạn chế, Hiền lại đa dạng được chất liệu và xây nên nhịp điệu làm việc của riêng mình.
Càng vẽ nhiều và đều đặn, Hiền càng thuần thục và biến việc sáng tác trở thành đời sống hằng ngày. Cứ hoàn thiện tốt nhất từng tác phẩm, cái đẹp sẽ tự nhiên đến. Suy nghĩ đó giúp Hiền giải thoát mình khỏi áp lực để kiên trì trên con đường dài nghệ thuật.
Từ bé, Cám đã được ba mẹ cho thỏa sức "nghịch ngợm" với nghệ thuật
"Kinh nghiệm" làm nên một tổ ấm "An Nhiên"
Chấp nhận khó khăn như điều hiển nhiên để đạt đến thành công là quan điểm chung đã giúp hai vợ chồng lần lượt chinh phục được đam mê. Nhưng để xây nên một tổ ấm "An Nhiên" đúng như tên của bé Cám còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Bởi ngoài chuyện dung hòa giữa hai cái tôi nghệ sĩ, cả hai còn đang nỗ lực tạo nên một môi trường tuổi thơ thật tốt cho con và các em nhỏ xung quanh.
Bé Cám mới hơn 3 tuổi nhưng rất dạn dĩ và có cá tính riêng, thích theo má sắp xếp giá vẽ, biết chọn màu và tự vẽ những bức tranh nho nhỏ theo tưởng tượng của riêng mình.
"Dù có kinh nghiệm dạy mầm non, mình nhận ra điều quan trọng khi làm ba mẹ là phải học lại từ đầu, học từ con trẻ và từ các phụ huynh xung quanh. Mình làm gì cũng rủ các bé trong chung cư cùng làm, các con học tập lẫn nhau. Bọn trẻ cho mình năng lượng tuổi thơ, tụi mình cho các con trải nghiệm không gian nghệ thuật".
Để tránh những mâu thuẫn hay ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai cái tôi nghệ sĩ, anh Sơn tâm niệm vợ chồng cần "tương kính như tân", luôn san sẻ và thấu hiểu để duy trì tình tri kỷ từ công việc đến cuộc sống, luôn làm cùng nhau và đi cùng nhau.
Còn với chị Hiền, một tổ ấm hạnh phúc bắt nguồn từ tình yêu chân thành và được tạo nên từ sự quan tâm, tôn trọng và chia sẻ. Mỗi người phải tự mình và cùng nhau cân bằng ba điều đó. Như cách chị đặt tên cho triển lãm "Nắng nghiêng lưng trời" sắp tới của mình: "Cuộc sống cứ nhìn thẳng hoài cũng không hay, đôi khi nhìn nghiêng đi một tí thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng và tích cực hơn".
Không chỉ riêng gia đình anh Sơn - chị Hiền mà cả tầng 5 chung cư của hai anh chị cũng dần trở thành một "tầng hạnh phúc". Mái ấm bình yên của cả hai còn là nơi để bạn bè đồng nghiệp ghé đến nghỉ ngơi, lấy thêm cảm hứng để giữ lửa đam mê giữa những bộn bề cuộc sống.
Họa sĩ Đinh Văn Sơn và con gái - Ảnh nhân vật cung cấp
Cám được ba mẹ cho thỏa sức "nghịch ngợm" với nghệ thuật - Ảnh nhân vật cung cấp
Một góc nhỏ "nắng nghiêng lưng trời" của họa sĩ Nguyễn Thu Hiền - Ảnh nhân vật cung cấp
Tác phẩm trong triển lãm "Nắng nghiêng lưng trời" của họa sĩ Nguyễn Thu Hiền - Ảnh nhân vật cung cấp
TTO - Chồng năm nay 77 tuổi, từng mất vợ vì bạo bệnh. Vợ mới 37 tuổi và mang trong mình di chứng chất độc da cam. Hai con người ấy đã cùng nhau xây nên một tổ ấm ấm áp dưới chân cầu Trung Quán (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Xem thêm: mth.98675701261402202-iam-pa-gnat-nert-ohn-cuhp-hnah/nv.ertiout