Trước đó, tỷ phú người Nga - có quan hệ lâu năm với Tổng thống Vladimir Putin - đã đóng vai trò là người hòa giải không chính thức kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine.Theo một số nguồn thạo tin, ông Abramovich đã gặp gỡ phía Ukraine để thảo luận về cách nối lại các cuộc đàm phán.
Ông Abramovich từng tuyên bố mình đại diện cho "những người ủng hộ một biện pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột".
Tuy nhiên, người phát ngôn của Abramovich và cả nhà đàm phán người Ukraine - Mykhailo Podolyak đều từ chối bình luận về việc tỷ phú này có ở Kiev hay không.
Sau vòng đàm phán cuối cùng ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29/3 - mà ông Abramovich cũng tham dự, quá trình thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine có rất ít dấu hiệu tiến triển.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 16/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết cuộc đàm phán đang "đi vào ngõ cụt vì chúng tôi sẽ không đánh đổi lãnh thổ và người dân của mình".
Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp thêm vũ khí, và gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để tăng cường vị thế của Kiev trên bàn đàm phán.
Trong khi đó, Nga đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh không nên gửi thêm vũ khí đến Ukraine để tránh "những hậu quả đáng tiếc". Nhưng phương Tây tiếp tục phớt lờ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần cũng tuyên bố rằng quá trình đàm phán hòa bình "đã trở lại thế bế tắc" .
Ông cho biết Ukraine từ chối thực hiện một trong những yêu cầu quan trọng của Mátxcơva: công nhận Crimea là một phần của Nga và công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass.
Phát biểu của ông Putin được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Kiev đã thay đổi dự thảo hòa bình và gửi cho Mátxcơva một bản đề xuất khác hẳn với văn bản mà 2 bên đã thống nhất ở Istanbul.