vĐồng tin tức tài chính 365

Bình tĩnh trước tin đồn

2022-04-18 07:21

Các chuyên gia cho rằng dù cơ quan chức năng đã xử lý mạnh tay đối với người phao tin đồn nhưng những vụ việc tương tự vẫn có thể tái diễn khi mạng xã hội và các "room" tư vấn đầu tư bùng phát quá nhiều.

Thiệt hại nặng

Bà Trần Hoàng Linh - một nhà đầu tư ở quận Bình Tân, TP HCM - cho biết từ sau vụ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng đồng phạm bị bắt vì "thao túng cổ phiếu" rồi việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị khởi tố, tạm giam để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục xuất hiện những tin đồn thất thiệt làm bà tổn thất hàng tỉ đồng.

"Chỉ trong mấy tuần lễ cuối tháng 3 đầu tháng 4-2022, tôi đã mất gần 2 tỉ đồng. Nếu các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hay xử lý sớm những tin đồn thì thiệt hại của tôi và những nhà đầu tư khác sẽ không nhiều như vậy" - bà Linh rầu rĩ.

Trưởng nhóm môi giới một công ty chứng khoán lớn cho biết những ngày qua, nhân viên tư vấn của công ty ông phải liên tục trấn an các nhà đầu tư để không bị cuốn theo những tin đồn điều tra, bắt bớ trên các hội, nhóm mạng xã hội. Theo ông, trước đây đã có những vụ việc ban đầu là tin đồn, sau đó thành sự thật nhưng cũng có không ít tin đồn thất thiệt do những hội, nhóm tung ra để nhà đầu tư bán tháo rồi họ gom cổ phiếu giá rẻ.

"Điều quan trọng là nhà đầu tư phải có đủ bản lĩnh và sự bình tĩnh để xử lý khi xảy ra những tình huống bất ngờ. Với tư cách là người môi giới, tôi luôn dặn các bạn trong nhóm phải tư vấn kỹ cho nhà đầu tư khi chọn mua cổ phiếu. Điều kiện phải là cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có lực mua, giao dịch và thanh khoản luôn ổn định. Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) mà có tâm thì cho dù DN có vướng tin đồn thế nào cũng không làm cổ phiếu biến động quá nhiều. Trong khi đó, với cổ phiếu đầu cơ, rủi ro cao sẽ giảm giá rất mạnh khi thị trường có biến động hoặc DN vướng thông tin bất lợi" - vị này phân tích.

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho rằng rất khó để xử lý triệt để những tin đồn trên TTCK khi có quá nhiều đội, nhóm trên mạng xã hội; nhiều diễn đàn trao đổi, đầu tư về thị trường và họ thường xuyên đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng. Thông tin đưa ra không biết đúng hay sai, chỉ là tin đồn nhưng lại thu hút sự chú ý của nhiều người.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, theo ông Minh, nhà đầu tư chuyên nghiệp hay bất cứ nhà đầu tư nào khi tham gia TTCK cũng cần tỉnh táo, không quá hoang mang, vì đã là tin đồn thì cần được kiểm chứng trước khi ra quyết định. Ngay từ đầu, nhà đầu tư cần xác định chiến lược đầu tư rõ ràng để có niềm tin, như tìm những cổ phiếu giá trị (value stock) giá còn rẻ (chỉ số P/E thấp), không đổ tiền vào cổ phiếu đầu cơ. Nhà đầu tư cần hình thành triết lý đầu tư và theo đúng chiến lược đó để không bị ảnh hưởng bởi thông tin nhiễu loạn; nên trao đổi với những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, thay vì nghe hô hào trên diễn đàn mà không biết rõ người đó là ai.

"Từ những vụ việc đã qua, chúng tôi kiến nghị nhà nước cần làm triệt để, xử lý tận gốc những người tung tin đồn nhằm thanh lọc thị trường. Ai vi phạm pháp luật thì cần xử lý nghiêm để lấy lại lòng tin cho nhà đầu tư. Cần can thiệp sớm để tránh rủi ro gây đổ vỡ trên TTCK. Nhà đầu tư cần sự minh bạch chứ không phải sự thao túng hay những đội, nhóm hô hào. TTCK phải là nơi giao dịch minh bạch để lấy lại niềm tin. Bởi lẽ, nhìn dài hạn, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển chứng khoán thành kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế" - ông Minh nhấn mạnh.

Bình tĩnh trước tin đồn - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư lo lắng vì thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện những tin đồn thất thiệtẢnh: Phạm Đình

Cần có nhận thức, trình độ và bản lĩnh

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Minh Thuận, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng không riêng chứng khoán mà hầu hết các lĩnh vực đều có tin đồn. Tuy nhiên, với TTCK thì tin đồn rất rủi ro và ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của nhiều nhà đầu tư.

Khi tin đồn gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhiều người với chứng cứ rõ ràng thì chắc chắn người tung tin và lan truyền tin đồn sẽ bị xử lý vi phạm tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Theo luật sư Thuận, trên TTCK, việc ngăn chặn tin đồn là không dễ vì tốc độ lan truyền rất nhanh trên các nhóm, mạng xã hội. Do đó, nhà đầu tư chứng khoán cần phải có nhận thức, trình độ và bản lĩnh để thẩm thấu được tin đồn đó có khả năng thật hay không nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Bởi lẽ, khi tin đồn qua đi, dù người tung tin bị xử lý hình sự thì cũng không đền bù được thiệt hại cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận TTCK ở đâu trên thế giới cũng đều vấp phải vấn đề tin đồn. Ở các nước phát triển, thông tin đồn đoán có khi còn nhiều hơn ở Việt Nam. Nhưng với thị trường non trẻ như Việt Nam, dù là tin chính thức hay tin đồn thì đa phần đều ảnh hưởng tiêu cực đến nhà đầu tư hơn là tích cực.

TS Lê Đạt Chí cho rằng ở Việt Nam thiếu vắng công cụ đầu tư giá xuống, còn gọi là thị trường bán khống, như ở các nước. Vì thế, mỗi khi có tin đồn hay thông tin tiêu cực, nhà đầu tư chỉ biết bán tháo, cắt lỗ hoặc ngồi chờ giá giảm.

"Nếu có thị trường bán khống thì chắc chắn bên bán sẽ giữ vị thế chứ không bán tháo. Khi ấy, nếu thị trường giảm sâu sẽ kích hoạt vị thế mua vào để chờ bán đỉnh, từ đó giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư, thậm chí kiếm được lợi nhuận trong thị trường giá xuống" - ông Chí phân tích.

Còn ở thời điểm hiện tại, TS Lê Đạt Chí cho rằng ngoài việc xử lý mạnh tay những người phao tin thất thiệt để răn đe, cơ quan chức năng hoặc chính DN niêm yết cũng cần sớm lên tiếng để nhà đầu tư không hoảng loạn. 

Cần giải pháp mạnh và kịp thời

Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định tính đầu cơ cao là đặc điểm cố hữu của TTCK, có khả năng gây nhiều rủi ro. Cơ quan quản lý phải đặc biệt chú ý đến đặc điểm này để từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, mang tính chế tài có hiệu lực cao.

TTCK, theo ví von của chuyên gia này, là nơi mà "tiếng vo ve của con muỗi ở đầu vào sẽ trở thành tiếng bom ở đầu ra". Nếu không có những giải pháp kịp thời, mạnh và đúng để giữ lòng tin thị trường thì nguy cơ sẽ rất khó lường.

Do đó, TTCK cần được đặt trong hệ thống quản trị chặt chẽ, mang tính công khai, minh bạch cao ngay từ đầu. Đó là cách kiểm soát để giảm thiểu rủi ro kinh điển. Nếu không, nền kinh tế dễ lâm vào bất ổn, kém hiệu quả, bị tổn hại nghiêm trọng; còn DN lẫn nhà quản lý khó được bảo vệ. Những sự cố trên TTCK vừa qua là dịp để rà soát lại các vấn đề liên quan, đến cấu trúc hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng và của hệ thống pháp luật liên quan.

"Những chỉnh sửa, hoàn thiện, đổi mới hệ thống trên cơ sở đó sẽ giúp các kênh kết nối thị trường vốn giảm thiểu tình trạng bị hoạt động đầu cơ - thao túng hay các mối quan hệ "sân sau" gây những cú sốc rủi ro cho nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các DN. TTCK ở Việt Nam cần được thúc đẩy phát triển mạnh, cần được bảo vệ để cùng với hệ thống ngân hàng trở thành yếu tố bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế hiệu quả nhất" - PGS-TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.

Xem thêm: mth.52134641271402202-nod-nit-court-hnit-hnib/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bình tĩnh trước tin đồn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools