Bầy thòi lòi hung dữ được anh Vô thuần hóa thành thân thiết - Ảnh: QUỐC RIN
"Tui chỉ là nông dân bình thường nhưng luôn muốn tìm điều mới mẻ, thú vị" - đó là tâm sự của anh Lê Văn Vô (ở ấp Bá Huê, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Và việc anh thuần hóa, nuôi được cá thòi lòi đã thành chuyện lạ lan truyền...
Trầy trật thuần hóa cá thòi lòi
Cá thòi lòi miệt Cà Mau là sản vật độc đáo của hệ sinh thái ngập mặn. Tổ chức Sinh vật thế giới xếp cá thòi lòi vào một trong các sinh vật thuộc dạng kỳ lạ nhất, độc đáo nhất trên thế giới. Chúng có thể sống ở vùng nước mặn, nước lợ, bơi dưới sông, "đi" trên bùn, kiếm ăn trên cạn.
Anh Lê Văn Vô kể dân gian Cà Mau vẫn quen gọi thòi lòi là "con cá leo cây", "anh hùng vượt đại dương", "loài cá xấu nhất"... Riêng ở miệt cuối nước này, cá thòi lòi còn gắn với hành trình mở đất.
Phù sa bồi đắp lấn biển đến đâu thì dấu cá thòi lòi đến đó. Bao đời nay chúng hiện diện tự nhiên, ít người để ý vì còn có bao sản vật tôm cá để thưởng thức. Mới cách đây không lâu thực khách còn ỏng eo, hổng mấy ai muốn ăn con cá "kỳ dị, xấu xí" này.
Tuy nhiên đến ngày nọ, cá thòi lòi một bước lên hàng đặc sản. Chúng có ở nhiều nơi, nhưng riêng Cà Mau thì loại cá này có đặc trưng hương vị thơm ngon, trọng lượng lớn. Nói như lời của một chủ homestay nức tiếng xứ Đất Mũi là anh Nguyễn Văn Hôn: "Giờ cá thòi lòi thu mua rất khó, khách đến ai cũng gọi món này".
Cũng chính những bà con làm homestay vùng Đất Mũi đã mạnh dạn thử nghiệm thu mua, lập dèo nuôi thử cá thòi lòi, nhưng kết quả không mấy khả quan.
Một lão nông có kinh nghiệm như ông Nguyễn Văn Nhuần, ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, cho biết: "Mình mua cá lớn về, bao ví ô để thả thử và cho ăn. Tụi nó dữ tợn, đánh nhau dữ lắm, con nào yếu là tiêu liền. Có con thì không chịu ăn, nên sau thời gian ngắn thì ốm nhách, thất thoát nhiều. Tình thiệt, nuôi cá thòi lòi vô cùng khó".
Tuy nhiên, anh nông dân trẻ Lê Văn Vô đã quyết phải thuần hóa, nuôi dưỡng bằng được cá thòi lòi - sinh vật tưởng chừng không thể nuôi nhân tạo.
Anh cho biết: "Ban đầu chỉ một ô nhỏ thả chơi, bao ví tạm bợ, có cá tôm vụn mình cho ăn. Dần dà thấy cá dạn người, không hao hụt, mà rất khôn. Mỗi lần tui cho ăn thấy cá tập trung vui mắt, nên quyết tâm nuôi luôn". Nói dễ nhưng thật sự quá trình nuôi cá thòi lòi của anh cũng không đơn giản.
Anh Vô kể thòi lòi có cá tính mạnh, ý thức lãnh thổ cao, nếu thả nhốt chung không tránh khỏi tình trạng chúng tự đánh nhau, hao hụt. Thêm nữa, nếu chỗ nuôi không phù hợp, chúng sẽ dễ dàng thoát ra ngoài cho dù có bao ví kiên cố đến thế nào đi nữa. Đặc biệt, tuy hung dữ với nhau, nhưng loài cá có chân này rất nhát người, không chịu ăn mồi và cứ chết lần mòn.
Mày mò thử mãi, bí quyết của anh Vô là chia ô, dèo thả cá thòi lòi giống cho quen hơi người, sau đó mới chuyển sang ô nuôi chung. Khi chúng đã dạn dĩ, chịu ăn theo giờ giấc, tự tạo hang trú thì sẽ không đi đâu nữa. Cũng từ lượng thức ăn được người cung cấp, cá thòi lòi dần ít xảy ra tình trạng đánh nhau và mức độ cũng bớt khốc liệt.
Cá thòi lòi được anh Vô nuôi lớn hơn hẳn ngoài tự nhiên
Nói về chuyện đánh nhau kỳ lạ của con cá thòi lòi, anh Vô bật cười: "Thấy vậy thôi chớ con cá có chân này như giống tính cách của người nông dân Cà Mau mình à nghen. Hiên ngang, bộc trực, sòng phẳng lắm.
Lúc đánh nhau, cá thòi lòi giương vây, trố mắt, da đổi màu nhìn rất oai phong. Nhưng khi có đủ chỗ cho nhau sống, đủ thức ăn, quen mặt rồi thì chỉ va chạm chút ít, đánh nhau không còn tới mức sống chết nữa".
Sau mấy đợt nuôi thử bị trầy trật thất bại rồi cũng thành công, ao cá thòi lòi của anh Vô đã vang tiếng xa gần. Có những người từ huyện khác, tỉnh khác đến xem đều công nhận là độc nhất vô nhị ở Cà Mau.
Nếu cá tự nhiên có trọng lượng khoảng 6 con/kg thì cá nuôi nhà anh Vô rất lớn, chỉ 2 con/kg. Chất lượng thịt thì miễn bàn vì dù là nuôi nhưng thói quen, thức ăn của cá vẫn y như tự nhiên, lại chắc da, chắc thịt và lớn hơn nhiều. Thực khách thử ăn một lần đã đâm ghiền.
Ao cá thòi lòi nhà anh Vô cao điểm đã có hàng ngàn con cá cỡ bự, sống động như một hệ sinh thái ngập mặn thu nhỏ. Anh chia sẻ: "Tui nuôi, có người thích quá, mình chỉ tặng biếu, khách quý lắm mới đãi, còn chủ yếu là giải trí, thư giãn sau giờ lao động. Ngắm ao cá thòi lòi, tui quả quyết đây là loại cá kiểng nước mặn, độc lạ vô cùng. Kỳ dị thì có, chứ không xấu xí đâu à nghen".
Và đã trở thành đặc sản của Cà Mau - Ảnh: QUỐC RIN
Sẽ mở rộng nuôi
Với 8ha đất vuông nuôi tôm, nuôi cá, sinh kế chưa bao giờ là điều băn khoăn với nông dân trẻ Lê Văn Vô. Nhưng như thế là chưa thỏa mãn khát khao làm điều gì đó mới mẻ của thanh niên này. Trên đất mặn, anh Vô lên liếp, lập vườn, tạo dựng ốc đảo ngọt hóa, trồng cây trái đủ loại, nuôi đủ thứ. Điểm xuyết trong ốc đảo còn có những con cò trắng dạn người, khôn lanh phải nói.
Theo tầm tay anh Vô, bên kia sông là Vườn chim Đầm Dơi với một cánh rừng bát ngát. "Hồi trước chim cò dữ lắm, bơi xuồng với tay lên là lượm trứng. Nay rừng thì còn, chim thì ít", anh Vô tiếc nuối. Nhìn những con cò được thuần hóa, anh Vô nhớ lại tuổi thơ của mình và ký ức về một vùng đất hoang sơ, kỳ thú của thiên nhiên.
Nhắc chuyện nuôi cá thòi lòi, anh Vô có kế hoạch hẳn hoi: "Tui dự định dành 1ha ở phía lộ lớn, khoanh ô nuôi cá thòi lòi làm điểm dừng chân. Mình có thể tạo ra điểm nhấn thú vị như nhìn ngắm, câu cá thòi lòi giải trí. Kết hợp buôn bán thêm các sản vật nhà nuôi trồng, coi như là cách kiếm tiền vừa vui lại bền vững".
Thổ lộ chút đời tư, anh Vô bộc bạch: "Tui không ham học, chỉ ham chim muông, cá mú, nên hết lớp 9 là về lao động. Làm đủ nghề, vừa vui vừa có thêm thu nhập". Anh Vô không quản ngại làm thêm nghề đóng đáy sông, săn ong rừng, cắm câu lịch...
Nhưng cũng chưa hết, anh còn thổ lộ: "Chưa bao giờ tui thấy yêu thích loài nào như cá thòi lòi. Càng khó làm, tui càng hào hứng. Giờ cá thòi lòi đã thành đặc sản, đầu ra không cần lo".
Anh Vô có thể nhẹ nhàng bắt cá thòi lòi vì chúng đã thân với anh
Bầy cá thân thiết với người
Có tận mắt nhìn thấy ao cá thòi lòi của nhà anh Vô mới hiểu sức lao động, sáng tạo của người nông dân miệt này. Hằng ngày cho ăn, anh Vô vẫn gọi đàn cá là "con", như nhớ từng con, nhớ từng vị trí hang của bầy cá.
Đàn cá dạn khôn ùa tới đớp thức ăn từ tay người, một chuyện mà ở xứ sở này xưa nay chưa hề thấy.
Đặc sản Cà Mau
Ông Nguyễn Văn Hôn, chủ điểm dừng chân Hoàng Hôn ở Đất Mũi, cho biết: "Thời giá hiện nay, cá thòi lòi tự nhiên được nhà hàng thu mua từ người dân là 100.000 đồng/kg, trọng lượng bình quân 7 con/kg.
Chúng là đặc sản mà thực khách về Đất Mũi luôn yêu cầu và có thể chế biến trên dưới chục món ăn. Hiện nay thòi lòi là đặc sản Cà Mau được xuất đi nhiều tỉnh thành bằng đường ôtô. Cá sống trong thùng oxy, có giá cao hơn hẳn khi lên bàn ăn ở các thành phố lớn.
TT - Mùa này, có dịp về Năm Căn, Ngọc Hiển hoặc Đất Mũi (Cà Mau), dân sành điệu thường tìm cho được các món ngon từ thòi lòi, tuy dân dã nhưng hương vị thật đậm đà khó quên.
Xem thêm: mth.97032803271402202-nahc-oc-ac-noc-ioun-iougn/nv.ertiout