vĐồng tin tức tài chính 365

Công nhân, người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở

2022-04-18 19:31

Vốn tư nhân dồn dập vào dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Chỉ trong 3 tháng đầu năm, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được các doanh nghiệp tư nhân khởi công xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng trên cả nước.

Đây là hiệu ứng tích cực từ các gói hỗ trợ, ưu đãi vốn vay cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ được Chính phủ "tung ra" trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023.

Bộ Xây dựng cho biết, qua rà soát một số địa phương tính từ thời điểm sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, đã có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp khởi công xây dựng với tổng số khoảng 23.965 căn; trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội gồm 20.765 căn.

Trong số 5 dự án nhà ở xã hội thì Bình Dương có tới 4 dự án với 20.000 căn và Kiên Giang có 1 dự án gồm 765 căn. Tổng số 2 dự án nhà ở công nhân gồm 3.200 căn thì Quảng Ninh có dự án với 1.000 căn, đáp ứng 5.500 chỗ ở và Bắc Ninh 1 dự án gồm 2.200 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở. Trong quý III và IV/2022, Hà Nội dự kiến khởi công 2 dự án nhà ở xã hội gồm 1.860 căn.

Đầu tháng 2, Tổng công ty Viglacera đã khởi công xây dựng khu nhà ở công nhân và chuyên gia, tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Dự án sẽ cung cấp 2.000 căn hộ chung cư, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân và chuyên gia làm việc tại khu công nghiệp này.

Cuối tháng 3, tổng công ty này tiếp tục bỏ vốn xây dựng khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh), với quy mô khoảng 1.000 căn hộ cho công nhân và 72 căn nhà thấp tầng dành cho chuyên gia. Giá bán các căn hộ nhà ở công nhân theo tiết lộ của chủ đầu tư khoảng 7,1 triệu đồng/m2.

Tại tỉnh Bình Dương, giữa tháng 3, Tổng công ty Becamex IDC đã khởi động xây dựng hàng loạt dự án nhà ở xã hội ở những khu vực đông công nhân lao động như thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng.

Dự kiến trong giai đoạn từ nay đến 2023, Becamex IDC sẽ đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng để xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội tại các khu VietSing, TP Thuận An, khu Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, khu Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, khu Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng.

Theo đại diện của Becamex IDC, trong giai đoạn này giá bán mỗi căn hộ dao động 120 - 280 triệu đồng/căn hoặc loại cao cấp hơn với giá 200 - 500 triệu đồng/căn. Ngoài ra, người lao động có thể thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng.

Tương tự, trong quý I/2022, Công ty CP Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC Group) đã khởi công dự án nhà ở xã hội khu đô thị Tây Bắc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Dự án rộng khoảng 7 hecta, quy mô xây dựng 765 căn nhà ở xã hội, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Không chỉ có các dự án đã khởi công, trong quý 1 năm nay hàng loạt doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất với Chính phủ về việc đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô lớn. Mới đây, Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình Group) đã kiến nghị với Thủ tướng một số bất cập trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội, Tp.HCM, và một số tỉnh thành khác trên cả nước.

Doanh nghiệp này cho biết đang đề xuất với Hà Nội cho triển khai xây dựng 2.000 căn hộ nhà ở xã hội tại 393 Lĩnh Nam, Hà Nội và đang lên kế hoạch đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô lớn tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Nếu các vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, dự kiến, trong năm 2022, Hòa Bình Group sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội ở Hà Nội, Tp.HCM và nhiều địa phương trong cả nước.

Trước đó, Tập đoàn APEC đã có văn bản gửi tới Bộ Xây dựng đề xuất được xây dựng 10 triệu căn nhà ở xã hội tại nhiều đô thị trên cả nước trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Đa dạng hóa các nguồn lực

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới thăm khu nhà ở xã hội Becamex tại phường Định Hòa, Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Chính phủ cũng vừa ban hành Chiến lược Phát triển nhà ở quốc giai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đáp ứng nhu cầu với giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Để không ai bị bỏ lại phía sau, tất yếu phải đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Nhà ở xã hội nên chia phân khúc theo trình tự thời gian, diện tích ít hơn dành cho người lao động chưa ổn định, diện tích lớn hơn dành cho người đời sống đã cải thiện để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, phải làm sao xây nhà phải đẹp, thoáng mát nhưng giá phải rẻ. Đặc biệt, quy hoạch nhà ở xã hội cần phải đảm bảo đủ các yếu tố giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), các gói hỗ trợ của Chính phủ hứa hẹn sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới việc phát triển nhà ở xã hội. Như quy định cấp trực tiếp 15.000 tỷ cho người thuê mua nhà ở xã hội trong 2 năm. Điều này sẽ mang tới cơ hội không lo thiếu người mua, chỉ lo thiếu dự án. Hay quy định hỗ trợ lãi suất 2% cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong gói có quy mô 40.000 tỷ đồng.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện các các công ty bất động sản đều cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay cần được ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, nhất là tạo đột phá về quỹ đất và thủ tục pháp lý tại địa phương, nhằm tạo động lực và yên tâm phát triển nhà ở xã hội. Vì thực tế, hầu hết các doanh nghiệp muốn tăng cung các dự án, nhưng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề pháp lý dự án. Các doang nghiệp khi có cơ hội, thuận lợi đều sẵn sàng bắt tay triển khai các dự án.

Để triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, thời gian qua Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính lập tổ công tác liên ngành, làm việc với 7 địa phương Hà Nội, Tp.HCM, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng chung cư cũ.

Bộ Xây dựng cũng có văn bản yêu cầu các địa phương trọng điểm về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ báo cáo tình hình triển khai thực hiện và nhu cầu vay vốn, các tồn tại, hạn chế để tổ công tác nắm bắt, kịp thời gỡ vướng.

Sang quý II, Bộ Xây dựng khẳng định tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn; khẩn trương lập kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; trong đó lập danh mục các dự án nhà ở có liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Để bình ổn và phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất đưa 2 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tuệ Minh (t/h)

Xem thêm: lmth.191055a-o-ahn-uuh-os-ioh-oc-oc-paht-pahn-uht-iougn-nahn-gnoc/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Công nhân, người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools