Là chủ nhân của con voi Ta Nul đang phục vụ du khách tại Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, ông Y Khu Êban - ở buôn Mar (xã Krông Na, H.Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) -cho hay, gia đình ông có 5 - 6 đời nuôi và thuần dưỡng voi rừng. Nhờ làm du lịch cưỡi voi, ông có được thu nhập nuôi sống gia đình và cho con cái ăn học. Chính vì vậy, nếu ngừng loại hình du lịch cưỡi voi, chuyển sang mô hình “Du lịch thân thiện với voi” theo định hướng của UBND tỉnh, gia đình ông sẽ mất nguồn thu nhập.
Theo ông, để có thể chuyển sang mô hình mới, các đơn vị chức năng cần hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho chủ voi, nài voi cách thức thực hiện, sau đó họ mới tập cho voi. Để làm được điều này, phải mất một thời gian dài.
Tỉnh Đắk Lắk đang triển khai các giải pháp tiến tới chấm dứt du lịch cưỡi voi |
Ông Nguyễn Đức - Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Du lịch Khách sạn Biệt Điện, đơn vị quản lý Trung tâm Du lịch Buôn Đôn - cho hay, các chủ voi hiện chưa hình dung được du lịch thân thiện với voi là như thế nào. Do đó, cần có thời gian để cho các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị, thích ứng với những thay đổi và bù đắp cho những dịch vụ bị thay thế. Mặt khác, cần phải đào tạo, huấn luyện để voi có thể thân thiện với khách du lịch trong quá trình chụp hình, cho ăn, tắm, bơi… Hơn thế nữa, cần phải quy hoạch vùng chăn thả voi để bảo đảm nguồn thức ăn cho voi phù hợp để voi có thể thân thiện với con người. Mặt khác, cần có lộ trình huấn luyện cho người dân địa phương biết cách khai thác, làm những dịch vụ thân thiện với voi.
Ngoài ra, theo ông Đức, việc chuyển đổi mô hình sẽ có nguy cơ làm mất đi bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất Buôn Đôn và ảnh hưởng tới du lịch của tỉnh. Buôn Đôn được biết đến là nơi săn bắt voi, du khách đến đây tham dự lễ hội chủ yếu là để xem voi, thưởng thức lễ hội đua voi và những món ăn đặc sản của địa phương. Nếu tới Đắk Lắk mà không có cưỡi voi, đua voi thì du khách sẽ không còn cảm nhận gì về vùng đất Buôn Đôn.
Ông Đặng Gia Duẩn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk - khẳng định: “Cái gì mà mới, khó làm cũng cần phải nghiên cứu, cân nhắc để làm. Đây là điều hết sức nhân văn nên cần phải quyết tâm làm. Các nước Thái Lan, Lào cũng làm du lịch theo hướng thân thiện với voi dù số voi của hai nước bạn lớn hơn rất nhiều”.
Ngành văn hóa sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các lễ hội như lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, trong đó có sự xuất hiện của đàn voi, lễ hội đua thuyền độc mộc ở hồ Lắk cũng gắn với văn hóa voi. “Sẽ không còn đua voi hay cưỡi voi mà tất cả phải nhân văn, thân thiện, an toàn cho du khách. Đó là cái mà ngành du lịch đang hướng đến và cũng phải phối hợp rất chặt chẽ với hai địa phương liên quan là H.Buôn Đôn và H.Lắk để thực hiện” - ông nói.
Theo ông Đặng Gia Duẩn, du lịch thân thiện với voi là cho voi ăn, mua đồ trang trí cho voi, chơi đùa với voi, chụp ảnh với voi, xem voi đá bóng, vẽ tranh… “Tình cảm của con voi rất đặc biệt, hơn rất nhiều loài vật khác. Không chỉ vậy, cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ ở đây - nhất là người Ê Đê và M’nông - xem con voi là thành viên trong cộng đồng, khi nó khỏe thì người ta vui, khi nó ốm thì người ta buồn, khi nó đói thì người ta tìm thức ăn cho nó, thậm chí chia sẻ, thần giao cách cảm giữa người với voi. Do đó, chúng ta nên lựa chọn cách thức làm du lịch dựa vào voi với những hình ảnh, biểu hiện nhân văn, mang lại điều có lợi cho voi” - ông nói.
Nguyên Bảo
Xem thêm: lmth.1861641a-kal-kad-o-iov-iouc-uv-hcid-noc-gnohk-es/nv.moc.enilnounuhp.www