Trung Quốc đang tiến hành quá trình chạy thử, trước khi chính thức đưa cây cầu này vào hoạt động.
Cây cầu đường sắt đầu tiên nối giữa Nga với Trung Quốc được kỳ vọng đẩy mạnh mối quan hệ "không giới hạn" giữa hai nước bằng cách thúc đẩy thương mại, cắt giảm thời gian giao hàng giữa hai nền kinh tế lớn này.
Giúp rút ngắn 10 giờ đi lại
Với chi phí 355 triệu USD, cây cầu đường sắt dài 2,2km nối hai quốc gia qua sông Hắc Long - được gọi là sông Amur ở Nga. Trong đó, phần cầu thuộc phía Trung Quốc có chiều dài 1.886m.
Nó kết nối thành phố Đồng Giang thuộc tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc và vùng Nizhneleninskoye thuộc Khu tự trị Do Thái của Nga.
Cầu dự kiến sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào tháng 8 tới, giúp cắt ngắn hành trình đi bằng tàu hỏa từ Hắc Long Giang đến Moscow hơn 800km và 10 giờ đồng hồ đi lại.
Ngoài việc rút ngắn hành trình tàu hỏa từ Hắc Long Giang đến Moscow, cây cầu còn giúp giảm bớt áp lực đối với các cảng đất liền Manzhouli và Suifenhe dọc biên giới dài 4.209km của Trung Quốc với Nga, theo thông báo của giới chức Đồng Giang.
Theo các tuyên bố chính thức trong tuần này, phía Trung Quốc đang tiến hành quá trình chạy thử, trước khi chính thức đi vào hoạt động.
Cây cầu đường sắt xuyên biên giới đầu tiên giữa Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào tháng 8. Ảnh: Tân Hoa Xã
Với khả năng vận chuyển hàng hóa hàng năm lên đến 21 triệu tấn, cây cầu đường sắt - được lần đầu đề xuất xây dựng vào năm 2007 - dự kiến sẽ thúc đẩy đáng kể thương mại xuyên biên giới giữa các nước láng giềng, theo báo cáo của cả hai nước.
"Cây cầu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại chất lượng cao của thương mại Trung Quốc - Nga", theo nội dung thông báo của thành phố Đồng Giang, tỉnh Hắc Long Giang trong tuần này.
Thông báo của thành phố Đồng Giang cho biết, đợt chạy thử đầu tiên diễn ra vào ngày 10/4 liên quan đến các chuyến tàu chở hàng đi Trung Quốc và trọng tâm là kiểm tra, khử trùng và nạp đạn.
"Khả năng điều phối, chỉ huy và ứng phó khẩn cấp của các bộ phận khác nhau đã được cải thiện hơn nữa, mức độ đảm bảo an toàn của các đoàn tàu đã được cải thiện và đã chuẩn bị đầy đủ cho các đợt chạy thử tàu hàng trong tương lai", báo cáo nói thêm.
Cây cầu chủ yếu sẽ được sử dụng để vận chuyển than, quặng sắt, gỗ và phân bón khoáng sản từ Nga đến Trung Quốc, theo Sputnik News thuộc sở hữu nhà nước của Nga.
Hoạt động hoàn toàn vào ngày 20/8
Hồi tháng 3, tại một cuộc họp các nghị sĩ tiểu bang, Thống đốc khu tự trị Do Thái của Nga là ông Rostislav Goldstein đã nói rằng, một đợt chạy thử tiếp theo trên cây cầu sẽ được thực hiện trong tháng này và cây cầu sẽ hoạt động hoàn toàn vào ngày 20/8.
Khi các nước phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì xung đột ở Ukraine, giới quan sát đang chờ xem liệu Trung Quốc có là cứu cánh giúp cho nền kinh tế cho nước láng giềng hay không, đặc biệt là sau khi hai nước tuyên bố vào tháng 2 rằng, mối quan hệ của họ là "không giới hạn".
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Vào tháng 3, thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng 12,76% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 11,67 tỷ USD, trong khi tăng trưởng trong tổng xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 6,1%.
Ngoài ra, nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã tăng 26,38% trong tháng 3, trong khi xuất khẩu giảm 7,65%. Trong khi đó, trong quý đầu tiên, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng 35,8% lên mức kỷ lục 147 tỷ USD.
Phát ngôn viên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc Li Kuiwen ngày 13/4 cho biết, cơ quan này tiếp tục theo dõi các tác động thương mại từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
"Tổng cục Hải quan… sẽ tiếp tục quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc với Nga, Ukraine và các nước liên quan khác", phát ngôn viên này nói.
https://soha.vn/cau-rut-ngan-800km-giua-nga-trung-sap-van-hanh-ky-vong-thuc-day-quan-he-khong-gioi-han-20220415225204772.htm