Chị Phạm Thị Thủy (bìa trái) giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ do vợ chồng chị làm ra - Ảnh: K.ANH
Dù mỗi người đều có những khiếm khuyết trên cơ thể nhưng các chị thể hiện sự vươn lên, ý chí và khát vọng sống mạnh mẽ.
"Tôi đã bước ra khỏi cái vỏ ốc của mình và mơ ước trở thành một doanh nhân, hỗ trợ được những người cùng cảnh", Trần Thị Ngọc Hiếu, khởi nghiệp với dự án "Có hoa ốc không rác", chia sẻ.
Hãy thôi thương hại
Dự án của Hiếu đoạt giải sáng tạo cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN VN tổ chức. "Môi trường gia đình và xã hội hay nhìn người khuyết tật với ánh mắt thương hại dẫn đến họ dựa dẫm hoặc không dám vượt lên chính bản thân" - Hiếu bày tỏ.
Hiếu bị di chứng do cơn sốt lúc 4 tuổi khiến đôi chân co rút không đi lại được và bàn tay phải bị biến dạng. Hiếu chia sẻ lúc còn nhỏ, anh Hai của cô thường an ủi em gái mai này ba mẹ có già yếu thì anh Hai sẽ là người lo cho Hiếu. Nhưng Hiếu không cam chịu cảnh chỉ quẩn quanh với nghề trông trẻ tại quê nhà.
Cô đọc được thông tin về phòng tranh đá quý có dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Phòng tranh ấy trên TP.HCM mà nhà Hiếu lại ở Đồng Nai. Ngày cô gái 24 tuổi đi lại còn khó khăn, dám lên đường học nghề và mơ về một tương lai khiến cả nhà "hù" sẽ có nhiều khó khăn khi Hiếu phải sống không có người thân bên cạnh.
"Mình đã quyết tâm thì phải cố gắng hết sức, phải có kết quả mình mới về quê. Khi đấy bức tranh cuộc đời mình chỉ màu u ám, dựa dẫm người thân mãi ư. Chính mình phải vẽ lên bức tranh tươi sáng cho cuộc đời mình". Hiếu lên TP.HCM với tâm niệm phải có nghề và mai này sẽ là một doanh nhân.
Sau khoảng bảy năm, Hiếu quyết định ra riêng bởi một phần vì bức xúc nơi làm việc trả lương cho mình và những người khuyết tật khác luôn thấp hơn với những nhân viên bình thường khác, nhưng thực chất ai cũng làm việc như nhau.
"Kiểu như họ nói tiền lương mình thấp hơn là vì mình khuyết tật, trong khi mình làm việc không thua kém mọi người. Mình cần ánh nhìn thương mến chứ không phải là thương cảm. Và mình ra riêng, nhờ những người yêu mến mà mình đã nỗ lực tự sống bằng nghề làm tranh đá quý. Đến với tranh vỏ ốc do mình đã gặp hình ảnh rất nhiều vỏ ốc trên bãi biển với nhiều hình thù và màu sắc, khiến mình nghĩ thử làm những đóa hoa, bức tranh từ nguyên liệu là món quà tuyệt đẹp từ biển cả", Hiếu nói.
Dưới đôi tay khéo léo, Hiếu cho ra đời những bông hoa từ vỏ ốc như những đóa hoa được thổi hồn. Đến nay, hơn 5.000 sản phẩm từ tranh treo tường, khung hình đến bình hoa, ly nước... không tác phẩm nào trùng tác phẩm nào, đều được trang trí từ những vỏ ốc được giữ màu nguyên thủy.
Đợt dịch vừa rồi khiến Hiếu phải đóng cửa phòng tranh tại quận 1 và hiện cô vẫn tập trung vào làm tại xưởng ở Thủ Đức và trưng bày tại đây. Đa số khách yêu mến tranh và sản phẩm lưu niệm từ vỏ ốc của Hiếu tìm đến bởi thông tin trên mạng xã hội được cô giới thiệu. Khi nhiều đơn hàng, xưởng của Hiếu cũng tạo việc làm cho vài người khuyết tật nhưng về lâu dài Hiếu đang cố gắng tìm đầu ra ổn định hơn để tạo được việc làm cho nhiều người khuyết tật có cùng đam mê với tranh ốc.
"Có nhiều bạn khuyết tật ở xa gọi điện hỏi mình có dạy nghề không nhưng mình chưa có nơi để các bạn ở lại nên chưa dám. Nếu mình tìm được đầu ra bằng các đơn vị đặt hàng lưu niệm bên mình, khi đấy sẽ bảo đảm nguồn việc cho những bạn khuyết tật khác. Mình vẫn đang nỗ lực", Hiếu cho hay.
Trần Thị Ngọc Hiếu bên tác phẩm "hoa ốc" của mình - Ảnh: K.ANH
Có nghị lực có đường đi
Sau thời gian phải nghỉ vì dịch bệnh, cơ sở massage day ấn huyệt ở phường 15, quận 10 của chị Nguyễn Thị Diệu Linh (bị khiếm thị) đã mở cửa trở lại, tạo việc làm cho bốn người khiếm thị khác. Những ngày còn đi làm thuê, chị Diệu Linh không lo lắng nhiều nhưng từ ngày chị và ông xã cũng là người khiếm thị quyết định đi thuê nhà để mở cửa tiệm riêng cũng là ngày dịch bùng phát nên cả hai càng lo lắng.
"Cả năm chắc chỉ làm được vài tháng rồi đóng cửa, tất cả tiền tích lũy tôi phải gồng gánh trả tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống. Sau dịch bệnh, cơ sở của tôi lại hoạt động. Nhiều lúc tôi nghĩ mình cứ quyết tâm làm, nếu thất bại mình trở về đi làm thuê vẫn sống được nên cứ như thế mà tôi đi tới.
Lo việc cho mình mà còn phải lo cho nhân viên nữa. Chúng tôi không cần hỗ trợ gì mà chỉ mong được mọi người giới thiệu khách đến với chúng tôi. Như thế là chúng tôi có thể tự nuôi bản thân mình, không là gánh nặng cho gia đình, xã hội", chị Diệu Linh bộc bạch.
Cũng với ý chí quyết tâm để đảm bảo cuộc sống và lo cho tương lai gia đình, chị Phạm Thị Thủy (huyện Hóc Môn) bị khuyết tật vận động đã cùng ông xã bị khuyết tật đôi chân khởi nghiệp bằng chính nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Bản thân chị học nghề kế toán còn anh học nghề thủ công mỹ nghệ gỗ nhưng khi cả hai lập gia đình, chị Thủy đã mạnh dạn cùng chồng mở cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ gỗ. Những bức tranh, vật lưu niệm từ móc khóa, bình hoa, đồ để điện thoại, lọ bút... đều ra đời từ đôi tay khéo léo của đôi vợ chồng trẻ.
"Những mặt hàng lưu niệm nhỏ thì tôi phụ trách, còn anh sẽ làm những bức tranh lớn hơn từ đơn đặt hàng của mấy công ty xuất khẩu. Cũng thuận vợ thuận chồng nên chúng tôi làm ngày một tốt hơn", chị Thủy chia sẻ. Nhờ có đầu ra và chất lượng sản phẩm luôn đạt chuẩn nên cơ sở của anh chị tạo việc làm cho năm người khuyết tật mức thu nhập đảm bảo ổn định cuộc sống.
Ông Ngô Văn Luận, phó Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, cho biết: "Những năm gần đây, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện việc hỗ trợ người khuyết tật không dừng lại ở việc ổn định đời sống kinh tế gia đình mà hoạt động theo hướng trợ giúp vừa vật chất và tinh thần để phát huy nội lực, ý chí của bản thân, góp phần nâng cao vị thế của người khuyết tật.
Từ đó, không ít anh chị vươn lên, từng bước cải thiện cuộc sống, trở thành những tấm gương truyền cảm hứng về nghị lực sống trong cộng đồng và xã hội. Đáng khâm phục hơn là sự sáng tạo, vươn lên với bàn tay khéo léo đã làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Tôi rất xúc động khi nhìn thấy những sản phẩm do chính bàn tay phụ nữ khuyết tật làm ra và hết sức trân trọng sản phẩm đó, vì đó là sự kết tinh của lao động, vất vả, sáng tạo".
TTO - Không trọn vẹn khi khuyết đôi tay, con mắt nhưng hai đấng sinh thành đã miệt mài bao năm tháng nuôi nấng Minh khôn lớn nên người.
Xem thêm: mth.52501251291402202-teyuhk-gnart-gnav-ped-ev/nv.ertiout