Tìm "chính chủ đất" khó như tìm chim!
Tại nhiều địa phương, dù không phải dự án được cấp phép nhưng tình trạng phân lô đất nền xây dựng biệt thự, nhà liền kề, nhà ở nghỉ dưỡng... rồi rao bán công khai nhiều năm nay chưa được xử lý triệt để.
Tràn lan dự án "ma" trái phép
Tháng 2-2022, Sở Xây dựng Hòa Bình điểm mặt hàng chục dự án chưa đủ điều kiện bán hàng. Đáng chú ý có 8 dự án "ma" chưa được cấp phép nhưng có đến cả trăm biệt thự sang trọng vẫn đang mời chào khách hàng gồm: Green Oasis Villas, Beverly Hill, Mountain Villa, Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp (cùng ở huyện Lương Sơn).
Ngoài ra còn có dự án "ma" Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge tại huyện Đà Bắc và các dự án "ma" còn lại nằm trên địa bàn TP Hòa Bình gồm: Kai Village Resort, Ohara Villas - Resort (xã Mông Hóa), The Moon Village (xã Yên Quang).
Những dự án "ma" này chủ yếu được cá nhân đi gom đất ở nông thôn từ nhiều năm trước, sau đó ủy quyền cho doanh nghiệp xây dựng dự án và quảng cáo, mời chào không khác gì dự án bất động sản. Điều khó hiểu là dù Sở Xây dựng Hòa Bình đã từng "điểm mặt" từ nhiều năm trước nhưng sau đó các dự án "ma" vẫn được rao bán trên nhiều trang thông tin nhà đất. Hiện có "dự án" đã hình thành quần thể hàng chục căn biệt thự sang trọng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Tiến Lập, trưởng Phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hòa Bình, cho biết việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do thông tin rao bán dự án "ma" chủ yếu qua mạng xã hội.
Mặt khác, những dự án "ma" do người dân tự xây dựng ở các khu vực đất ở nông thôn không cần xin giấy phép xây dựng. Sở Xây dựng chỉ có trách nhiệm kiểm tra, quản lý các dự án, bất động sản nằm trong khu quy hoạch đã được phê duyệt, còn đối với những dự án "ma" không nằm trong quy hoạch thì trách nhiệm quản lý thuộc về UBND cấp huyện, xã.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hòa Bình, để ngăn chặn các dự án "ma", ngoài quản lý và giám sát chặt chẽ của cấp huyện và xã, Sở Tài nguyên - môi trường cần phải hạn chế tách thửa, xin hiến đất làm đường, hay xin san gạt, hạ cốt nền, cải tạo đất rừng...
Trước dự án "ma" là cổng chào luôn được đóng kín với dòng chữ mang tên Beverly Hill - Ảnh: QUANG THẾ
Khó tìm chủ đất, địa phương bó tay với vi phạm?
Còn tại một số tỉnh Tây Nguyên, dù đã phát hiện vi phạm nhưng chính quyền địa phương gặp khó khi tìm "thủ phạm". Ông Phạm Văn Quân, phó chủ tịch UBND xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông), cho biết nhiều trường hợp xã đành bất lực trong khâu xử lý vi phạm.
Điển hình là vi phạm san lấp đồi núi tại khu vực cạnh quốc lộ 14, tại thôn 8, xã Nhân Cơ, gần lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih, xã đã nhiều lần lập biên bản xử lý nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Ông Quân nhận định có sự lách luật, biến tướng trong hoạt động san lấp mặt bằng và kinh doanh bất động sản khiến chính quyền địa phương gặp khó trong khâu xử lý và ngăn chặn vi phạm.
"Phòng tư pháp, Phòng Tài nguyên - môi trường cũng xuống đây phối hợp rồi. Người làm tại đất thì lại không phải là chủ đất. Xử lý thì phải xử lý người chính chủ đất, nhưng liên hệ ông chính chủ đất thì không được, ông ấy ở Sài Gòn không chịu lên. Mà người ta cứ biến tướng theo kiểu vậy, khi xử lý rất khó tại vì theo kiểu họ cũng có người tư vấn, họ lách luật mà mình cũng loay hoay. Mà đình chỉ thì mình cũng lập biên bản đình chỉ rồi, chứ không thể ngày nào cũng có anh em ở dưới đó được", ông Quân nói.
Ông Lê Văn Hoàng, phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, cho biết có một số khó khăn và bất cập trong khâu xử lý vi phạm đối với hoạt động san đồi, bạt núi trái phép. Một mặt do mức phạt hiện nay rất thấp, hành vi hủy hoại đất có mức phạt tối đa ở cấp xã là 5 triệu đồng và ở cấp huyện chỉ là 50 triệu đồng.
Trong khi đó, giá trị các thửa đất sau khi san lấp có thể đến hàng tỉ đồng. Đồng thời, quy định về khắc phục hậu quả là "khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm" đối với vi phạm san đồi, bạt núi là gần như không thể. Vấn đề này cần được nghiên cứu, sửa đổi để luật pháp áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả, có tính răn đe.
"Đồi núi bây giờ san lấp rồi mà khôi phục tình trạng ban đầu thì rất khó. Hiện nay Chính phủ đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật đất đai, về phía địa phương thì cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền để có giải pháp sửa đổi như thế nào đó cho phù hợp và đi vào thực tiễn", ông Hoàng phân tích.
Tháo dỡ nhà xây trên đất nông nghiệp
Ông Huỳnh Tấn Lộc - phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) - cho biết thời điểm năm 2020 địa bàn TP Biên Hòa xảy ra tình trạng phân lô, xây nhà không phép trên đất nông nghiệp khoảng 300 - 400 căn ở các khu vực có đông công nhân và dân di cư như phường Trảng Dài, Long Bình, An Hòa. Đa số các trường hợp vi phạm là người ở trọ, muốn có nhà giá rẻ nên đã mua những lô đất nông nghiệp rồi xây nhà không phép.
TP Biên Hòa đã chấn chỉnh bằng việc cách chức, điều chuyển công tác một số chủ tịch UBND phường/xã, quy trách nhiệm cụ thể và cưỡng chế những căn nhà xây dựng không phép nên tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp có lắng xuống. Bên cạnh đó, TP Biên Hòa cũng đề xuất UBND tỉnh xây dựng các khu nhà ở xã hội ở các phường Tân Hòa, Long Bình Tân... với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người có thu nhập thấp.
Có giải pháp nào chấn chỉnh tốt hơn? Ông Lộc cho hay cái chính vẫn là con người làm công tác quản lý nhà nước mà trực tiếp là chủ tịch UBND các phường, xã trên địa bàn. Nếu nắm chắc địa bàn, giám sát tốt sẽ ngăn chặn kịp thời các vụ phân lô, xây nhà không phép trên đất nông nghiệp. "Để xảy ra phân lô, xây dựng không phép thì người đứng đầu ở nơi đó phải có đề xuất biện pháp xử lý và phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND TP Biên Hòa", ông Lộc nói.
SƠN ĐỊNH
QUANG THẾ - TIẾN LONG - TRUNG TÂN
Xem thêm: mth.19535057002402202-ol-nahp-tad-iv-tan-nat-3-yk-nen-nab-ol-nahp-aoh/nv.ertiout