Động đất liên tục khiến 117 hộ dân khu tái định cư thôn Đăk Tăng sống trong lo lắng vì nhà trên đỉnh đồi cao
Chị Nguyệt, chủ tiệm tạp hóa nhỏ, không dám quay vào nhà. "Mới sáng nay một trận động đất, giờ lại thêm trận nữa. Riết không biết bán buôn hay chỉ lo bỏ chạy", chị thảng thốt nói.
Vất hết, bỏ chạy
Chị Nguyệt kiểm lại đồ đạc, mấy chai mắm rớt xuống được đưa trở lại kệ. Chị nói rằng có lẽ đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay, hàng hóa bị xô lệch, ngã đổ. Ngoài ra, chị có cách theo dõi động đất rất "bình dân" là để chai nước suối ngay cửa sổ. Nếu chai nước ngã thì "động đất lớn", còn chỉ chao nước thì bình thường.
Còn chúng tôi, thời điểm động đất xảy ra, đang ngồi trên ghế gỗ và suýt ngã. Ly nước cũng tự ngã đổ tràn trên mặt bàn, mái tôn căn nhà kêu soàn soạt, mấy trụ gỗ rung cọt kẹt. Lúc đấy, chúng tôi chỉ cố lao ra khỏi nhà. Đôi chân như thể không có điểm tựa, bước đi chao đảo, mọi thứ trước mắt nhòa đi.
Trải qua cảm giác ấy, chúng tôi mới hiểu người dân đã trải qua những gì trong vòng chưa đầy 4 tháng gần đây, họ đã gặp hơn 40 trận động đất, dư chấn. Mỗi lần đất chuyển mình, họ lại lao ra khỏi nhà. Đó là cách bảo vệ mình, không còn cách nào khác.
Khi chị Nguyệt dọn lại quán, chúng tôi vào trang web của Viện Vật lý địa cầu để kiểm chứng mức độ động đất mà chị nói là lớn nhất. Trang web này đã ra thông báo đây là trận động đất 4,5 độ Richter, lớn nhất từ khi khu vực này xảy ra động đất!
Nỗi lo của làng ngay vùng động đất
Trận động đất trưa 18-4 khiến nhiều người dân xã Đăk Tăng hốt hoảng. Ông A Hương, trưởng thôn Đăk Tăng, đã chuyển nhà từ thung lũng lên quả đồi để nhường cho lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. A Hương lo lắng khi tiệm tạp hóa nhỏ bé của mình cũng vừa bị trận động đất quật cho tơi tả. Nhìn những túi đường rơi đổ tràn ra nền nhà vẫn chưa kịp dẹp, ông thảng thốt: "Đất nhún lần này mạnh quá, không biết lần sau sẽ tiếp tục thế nào...".
Đôi mắt A Hương nhìn về đại ngàn. Nếu như trước kia, gặp phải sạt lở, lũ lụt, làng dắt nhau đi tìm nơi bình yên trú ngụ. Còn giờ động đất họ chưa biết chạy đi đâu. 117 hộ dân ở thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng mà ông làm trưởng thôn mỗi lần họp làng lại bảo ông lên xã kiến nghị, nhưng ông chưa biết làm gì để ổn định tinh thần người làng.
A Hương vẫn nhớ lần đầu động đất, đó là tháng 3-2020, sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước không lâu. Lúc đó, ông đang đứng trên thang sửa lại chái bếp, lòng đất chao đảo, người làng hoảng sợ, la hét, lao ra khỏi nhà. A Hương không kịp leo xuống thang, chỉ biết bám lấy cây cột nhà xiêu vẹo. "Có cả mấy cụ già chạy không kịp, lấy mền phủ trên đầu nằm im trong nhà", A Hương kể.
Khu tái định cư dành cho người dân nhường đất làm lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum ở trên cao nên mỗi lần động đất, người dân lại cảm nhận rõ nhất. Nhà bà Y Thát dù mới làm mấy năm đã xuất hiện vết nứt lớn. Mỗi lần lòng đất rung chuyển, vết nứt lại to thêm. Vết nứt to nhất nằm dưới nền nhà kéo dài xuyên qua bức tường phía sau. Bà Y Thát bảo lâu rồi ngủ không khóa cửa, để có động đất thì chạy cho nhanh. Chính bà cũng chẳng biết ngôi nhà sẽ trụ được bao lâu.
"Ban đầu vết nứt rất nhỏ nhưng qua nhiều lần rung lắc, nền nhà ngày càng nứt rộng ra. Giờ cứ thấy rung lắc, tôn phát ra tiếng kêu lớn là phải ôm con chạy khỏi nhà, rủi động đất mạnh làm nhà sập là chết hết", bà Thát lo lắng.
Trận động đất trưa 18-4, cả khu tái định cư bỏ chạy. Chị Y Thẻ sau động đất đến giờ vẫn chưa dám ôm con gái vào lại nhà. Chị vẫn ám ảnh rung lắc làm ngói rơi xuống khiến con chị khóc ré. "Con gái mới 2 tuổi, nhà rung mạnh là nó lại khóc. Mình cũng không dám ngủ, vì động đất liên tục mà đêm khuya ngủ quên, sợ mái ngói lại rớt xuống đầu", chị Thẻ lo lắng kể.
Gia đình chị Y Thẻ hạn chế vào nhà vì sợ gạch ngói rớt vào đầu
Người dân nơi khác cũng hoang mang
Không chỉ dân ở xã Đăk Tăng, mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Kon Plông đều lo lắng vì động đất xảy ra liên tục. Ông Đinh Văn Non (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) cho biết gần 2 năm nay đều cảm nhận được sự rung lắc động đất, đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay động đất xảy ra thường xuyên và cường độ mạnh hơn so với năm 2021.
"Chẳng biết có phải do thủy điện không. Nhưng từ hồi tích nước hồ thủy điện Thượng Kon Tum mới có động đất, trước kia vùng này không hề có rung lắc", ông Non cho biết.
Cuộc sống đảo lộn, việc dạy và học ở vùng động đất cũng lắm gian nan. Thầy Hà Minh Tuệ - hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học xã Đăk Nên - bảo rằng lâu nay học sinh và giáo viên vừa học vừa run. Có những ngày động đất đến 4-5 lần. Học sinh đang học hay ngủ cũng giật mình ồ lên, bỏ chạy ra ngoài.
Lãnh đạo xã cũng không biết trấn an người dân thế nào, chỉ còn cách báo cáo lên trên. Ông Trần Văn Nết, chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho biết xã đã báo lên huyện tình hình động đất, dư chấn thời gian qua. "Từ năm trước đã có tình trạng này nhưng nhẹ, 6 tuần gần đây thì động đất, dư chấn liên tục và mạnh hơn trước", ông Nết nói.
Tại huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, người dân cũng liên tục đón nhận những ảnh hưởng động đất, dư chấn. Ông Nguyễn Ngọc Trân, chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, khẳng định: "Hễ động bên Kon Tum là rung bên Sơn Tây". Nhiều đến mức ông Trân phải báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Ngãi và vừa rồi ngành chức năng đã lắp một trạm quan trắc động đất để theo dõi tình hình.
"Cổng thông tin huyện cũng thêm tin động đất để bà con theo dõi. Từ lúc có mục này, cổng thông tin của huyện có lượt xem nhiều thứ ba toàn tỉnh", ông Trân cho biết thêm không rõ lý do nhưng từ khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước tình trạng động đất mới xảy ra.
Nền nhà của bà Y Thát ở thôn Đăk Tăng nứt rộng hơn do động đất - Ảnh: TR.VẤN
Thủy điện Thượng Kon Tum, lòng hồ trên sông Đăk Snghé thuộc khu vực các xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Nhà máy nằm trên sông Đăk Lô giáp ranh xã Đăk Tăng và Ngok Tem, huyện Kon Plông, Kon Tum.
Tổng mức đầu tư 9.400 tỉ đồng, công suất 220 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hằng năm 1.094 triệu KWh, khởi công tháng 9-2009, tích nước phát điện từ cuối tháng 2-2020.
Họp khẩn vì động đất 4,5 độ Richter trưa 18-4
Sáng 19-4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, chuyên gia để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ông Trần Quang Hoài, phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp.
Thông tin tại cuộc họp cho biết từ ngày 15 đến 18-4, tại Kon Tum đã xảy ra 20 trận động đất với cường độ khác nhau. Ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, nói: "Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi, đây là động đất kích thích xảy ra sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước".
Năm 2020, trên địa bàn huyện Kon Plong, Kon Tum xảy ra hơn 30 trận động đất. Nhưng từ tháng 4-2021 đến nay, số vụ động đất có sự gia tăng đặc biệt, mà cụ thể là Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận đến 169 vụ động đất (có độ lớn từ 2,5 độ Richter trở lên).
Riêng 4 ngày qua, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận hơn 20 trận, trong đó có 2 trận lớn với cường độ là 4,1 độ Richter và 4,5 độ Richter. Cường độ này lớn hơn lịch sử động đất ở khu vực này từ trước đến nay. Như vậy, tần suất và độ lớn các trận động đất đã gia tăng. Việc này phải tiếp tục quan sát, theo dõi các hệ thống đứt gãy.
TTO - Ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, dự báo tại khu vực tỉnh Kon Tum có thể xảy ra động đất với cường độ 5 - 5,5 độ Richter, tuy nhiên để có kết luận đầy đủ cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá chi tiết.
Xem thêm: mth.41262423291402202-yahc-ob-ol-ihc-tad-gnod-gnuv-o-gnal-ol/nv.ertiout