Hồi năm ngoái, Apple đã sa thải bà Ashley Gjøvik, một quản lý kỹ sư phần mềm cấp cao do vi phạm các điều khoản liên quan đến "thông tin mật". Được biết trước đó, trong suốt nhiều tháng trời, bà Gjøvik đã đăng lên mạng xã hội Twitter rất nhiều các cáo buộc liên quan đến tình trạng quấy rối nhân viên tại tập đoàn.
"Khi tôi đề cập đến các vấn đề an toàn nơi công sở, Apple lập tức đe dọa và ăn miếng trả miếng với tôi. Thật thất vọng khi một công ty có tiếng trong ngành lại đối xử với nhân viên như vậy", Gjøvik chia sẻ.
Đáp lại, đại diện phía Apple khi đó chia sẻ với tờ The Verge rằng: "Chúng tôi luôn đề cao và cố gắng duy trì một đội ngũ nhân viên khoẻ mạnh và tận tụy. Chính vì vậy, mọi vấn đề hay mâu thuẫn nội bộ đều sẽ được cân nhắc để xử lý triệt để’’.
Một năm sau, tờ Telegraph có dịp phỏng vấn bà Ashley Gjøvik. Người phụ nữ này đã trở thành một trong những khởi xướng phong trào #AppleToo, website được chính các cựu nhân viên Apple lập ra để chia sẻ về những câu chuyện bị ngược đãi.
Khác với sự quyết liệt vào cái ngày viết đơn tố cáo công ty, bà Gjøvik giờ “nền nã’’ hơn nhiều. Bà thậm chí còn cảm thấy cuộc sống trở nên khó khăn hơn sau khi trở thành "kẻ thù khắc cốt ghi tâm’’ của Apple.
"Tôi nghĩ về hành động trước đây của mình mọi lúc, mọi nơi. Cuộc sống của tôi bây giờ chẳng khác gì một cơn ác mộng’’, bà nói.
Bà Gjøvik tố cáo Apple
Chia sẻ với Telegraph, bà Gjøvik nhớ lại cái ngày mình phải giao nộp ảnh cá nhân cho các luật sư Apple sau khi vướng phải một tranh chấp pháp lý vào năm 2018.
"Tôi thường tự hỏi liệu những việc tôi đã làm có sai hay không. Sau tất cả, câu trả lời vẫn luôn là không, bởi nó giúp cho mọi người an toàn", Gjøvik chia sẻ.
Dẫu vậy, dù khẳng định không hề hối hận với quyết định của mình, Gjøvik vẫn phải thừa nhận việc trở thành kẻ thù của Apple đã khiến cuộc sống của bà đảo lộn.
Trước đây, với vị trí quản lý, Gjøvik kiếm được hơn 400.000 USD mỗi năm. Những chuyến nghỉ mát dài ngày hay tiệc xa hoa do công ty tổ chức khi đó là những điều quá đỗi quen thuộc.
Ngược lại, sau khi tố cáo Apple, bà thường xuyên phải đối mặt với các hành vi quấy rối, cả ngoài đời thật lẫn trên mạng xã hội. Bà tâm sự đôi lần lại thấy một chiếc xe lạ màu đen chạy quanh khu nhà theo kiểu rất dò xét và nhận được cả những tin nhắn nặc danh với nội dung ghê sợ: “Nếu Steve Jobs còn sống, ông ấy chắc hẳn sẽ túm tóc bà và bắt khai ra các thủ đoạn, bởi đó là tài năng duy nhất mà mày có".
Bất chấp việc tinh thần bị tổn thương nghiêm trọng, Gjøvik vẫn giữ thái độ lạc quan. Bà nói bà thích giúp đỡ mọi người, nên việc tố cáo Apple và mang lại sự an toàn cho người dùng là niềm an ủi duy nhất bà có được sau khi mất một công việc có thu nhập ổn.
"Chúng ta cần đánh giá lại cách các công ty đối xử với mình. Mỗi ngày trôi qua, chúng ta ngày càng phụ thuộc nhiều vào họ. Chúng ta cần những người đủ dũng cảm để đứng lên và ra mặt", Gjøvik nói. "Rất khó cho những người ở vị trí cấp cao như tôi. Sau khi mất việc, tôi đã khóc rất nhiều’’.
Bà Gjøvik
Tờ Telegraph đánh giá Gjøvik là một trong những người dũng cảm và thẳng thắn nhất trong phong trào #AppleToo. Bà dám đứng lên và chia sẻ câu chuyện của mình nhưng không hề theo hình thức ẩn danh - điều mà đa số các nhân viên khác vẫn thường nương vào để tránh mất công mất việc.
Dù chính mình đã tự kêu gọi mọi người cần tố giác Apple, song bà Gjøvik cũng thừa nhận việc làm này chưa hẳn là ý tưởng hay bởi những hệ lụy về sau rất lớn.
"Bạn không nên là người “thổi còi”, trừ khi bạn chịu được áp lực và sẵn sàng mất đi nhiều mối quan hệ xã hội. Khi tố cáo, bạn không thể chỉ nghĩ đến hôm nay, ngày mai. Bạn phải lường trước cả một chặng đường rất dài sau đó nữa".
Theo: Telegraph
http://tintuc.vdong.vn/04/1320295.htmVũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế