Chiều 20/4, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn quốc tế thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa”. Đây là sự kiện nằm trong chương trình Tuần lễ thương hiệu quốc gia 2022 diễn ra từ ngày 18 đến 24/4/2022.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, qua gần 20 năm hình thành và phát triển, chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Điển hình, trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance - tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới.
Theo đó, tổ chức này đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu.
Năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2018 là 235 tỷ USD và xếp hạng thứ 42 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Năm 2020, Brand Finance đánh giá cao công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm tốt để các nước như Việt Nam tăng cường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD, tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
“Năm 2021, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục tăng 21,6% so với năm 2020, từ 319 tỷ lên 388 tỷ USD. Kết quả này đi ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, với sự hỗ trợ của chương trình thương hiệu quốc gia, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.
Thời gian qua, nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỉ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021.
Đặc biệt, trong top 10 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam tỉ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng mạnh mẽ từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.
Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỉ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam trong top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức, xây dựng thương hiệu là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế và mang lại nhiều giá trị cạnh tranh thiết thực.
Ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance Khu vực châu Á Thái Bình Dương đánh giá, những năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên Bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
Theo vị này, kết quả trên nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.
Bà Lindsey M.Bier Marshall - Giáo sư Khoa kinh doanh, Đại học Nam California, Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, thương hiệu quốc gia và thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp trong sự phát triển và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệpcó mối quan hệ mật thiết với nhau.
“Khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao. Và khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh thì sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ”, bà nhấn mạnh.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253 ngày 25/11/2003.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ba tiêu chí cốt lõi của Chương trình là Chất lượng – Đổi mới, Sáng tạo – Năng lực tiên phong.