Báo cáo tại hội thảo cho biết hiện đang "tồn đọng" tình trạng một dược chất có hàng trăm thuốc lưu hành, đây đều là thuốc thông thường, giá rẻ, sản xuất trong nước và cạnh tranh lẫn nhau.
Cụ thể riêng hoạt chất Paracetamol có 740 thuốc trong nước, 92 thuốc nước ngoài, đa phần các nhà máy dược phẩm Việt Nam đều sản xuất Paracetamol. Cefalexin có 326 thuốc trong nước và 40 thuốc nước ngoài.
Amoxicillin có 188 thuốc trong nước, 42 thuốc nước ngoài, 17 nhà máy đạt GMP sản xuất Penicillin uống có hơn 10 số đăng ký/hoạt chất/nhà máy...
Theo ông Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia dược cao cấp, số thuốc được đăng ký tại Việt Nam đang gấp 2,5 lần so với Thái Lan.
"Đang có tình trạng quá nhiều thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường, quá nhiều thành phẩm/hoạt chất, trong khi nguồn nguyên liệu khác nhau, cạnh tranh về giá không cạnh tranh về chất lượng, phối hợp hoạt chất không dựa trên bằng chứng khoa học dẫn đến hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng" - ông Truyền cho biết.
Ông Truyền cũng cho rằng việc thị trường quá nhiều loại thuốc, bác sĩ và bệnh nhân không nhớ nổi tên thuốc, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, áp lực cho cơ quan cấp phép, kiểm tra, kiểm nghiệm, quản lý chất lượng hậu mại, đấu thầu, cơ sở điều trị.
Ông Truyền cảnh báo có tình trạng hồ sơ đăng ký thuốc không trung thực về dữ liệu, thiếu dữ liệu. Từ tháng 9-2020 đến tháng 4-2022 chỉ 50% hồ sơ Cục Quản lý dược trình Hội đồng cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc được cấp phép. Nếu so với số lượng hồ sơ nộp lần đầu, tỉ lệ được cấp phép chỉ đạt 10%.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã đề xuất giảm số lượng giấy phép cấp cho mỗi hoạt chất, từ đó giảm số lượng sản phẩm đang bị trùng lắp.
Chiều ngày 15-4, tại TP.HCM, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022.