Loạn quảng cáo trên mạng xã hội các loại thực phẩm chức năng "chữa bách bệnh" - Ảnh: D.PHAN
Tâm lý "có bệnh vái tứ phương" của nhiều người dân là một trong những nguyên nhân khiến họ tìm đến sản phẩm vốn chưa biết thực hư, chẳng qua thấy người của công chúng giới thiệu nên tin và sử dụng.
Vàng thau lẫn lộn
Những loại TPCN có công hiệu về sức khỏe, thường gặp ở sản phẩm của các công ty dược trung ương và một số đơn vị uy tín, đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu cũng như chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hàng khác lợi dụng "ăn theo" với nghệ thuật quảng cáo bắt mắt, hấp dẫn, không tiếc tiền thuê người nổi tiếng, hoặc sử dụng trái phép hình ảnh của người có nhiều "fan", tự ý lồng tiếng, cắt ghép nhằm mục đích giới thiệu TPCN.
Khách hàng cũng không đến nỗi "nhẹ dạ cả tin" cũng khó tránh khỏi bị "mê hoặc" bởi các ngôn từ quảng cáo "nổ" vang trời về công dụng, hiệu quả. Mới đây nhiều loại hàng giả bị phanh phui.
Một công ty bán sản phẩm gian lận "mác" sâm Ngọc Linh, với phần tự giới thiệu có trong tay 10 hecta chuyên trồng sâm thường xuyên cho thu hoạch. Một cơ sở tự làm yến sào bằng cách pha chế từ nước và đường mà không có một phần trăm nào của tổ yến. Mặt hàng trị giá tiền triệu song chi phí "sản xuất" chỉ vài chục ngàn.
Công nghệ PR ngày càng tinh vi, livestream qua mạng xã hội vẫn chưa hiệu quả bằng đăng quảng cáo vài chục giây trên sóng truyền hình. Một vài cơ sở đã tìm mọi cách chứng minh tính pháp nhân nhằm qua mặt cả cơ quan truyền thông, miễn sao món hàng TPCN được "lên sóng".
"Phòng tuyến" nào bảo vệ người dùng?
Bảo vệ người dùng khỏi bẫy lừa từ những quảng cáo sai hoặc phóng đại quá mức tác dụng của TPCN, không ai khác ngoài các cơ quan có thẩm quyền giúp khách hàng "gạn đục khơi trong", chọn hàng thật, tẩy chay hàng giả.
Trình độ công nghệ hiện nay, việc "tuần tra" trên không gian mạng, phát hiện sớm những "sản phẩm mới" để truy xuất nguồn gốc trở nên khá đơn giản. Thông báo kịp thời các mặt hàng quảng bá không đúng với công dụng thật là cách thiết thực nhất giúp người dùng được an toàn. Cần xử lý nghiêm minh và công khai danh tính các trường hợp vi phạm sẽ hạn chế được tình trạng quảng cáo quá lời.
Người dân càng bị "bao vây" bởi vô số màn kịch quảng cáo dàn dựng tinh vi, lại càng cần đến vị "trọng tài" công minh. Vạch trần kẻ "đội lốt", mượn danh nghĩa TPCN làm ảnh hưởng uy tín của những doanh nghiệp chân chính, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.
Trước "mê hồn trận" quảng cáo thực phẩm chức năng, người tiêu dùng rất cần tấm "lá chắn" từ các cơ quan chức năng, giúp phân biệt thật - giả và loại bỏ những "hạt sạn" trên thị trường này.
Mỗi khách hàng hãy luôn là "người tiêu dùng thông thái", biết chọn mặt gửi vàng. Tuyệt đối không dễ dãi khi đặt mua những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Cũng đừng vội đồn thổi, "rỉ tai" nhau về thông tin của sản phẩm mới mua trên mạng.
TPCN nào phải thần dược! Cuối cùng, những ai được mời làm "diễn viên" cho quảng cáo TPCN, cũng đừng vì khoản thù lao hậu hĩnh mà bỏ qua quyền lợi của cộng đồng.
TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-4 về tình trạng nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo như thần dược, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay có điểm khó là nhiều quảng cáo trong số này đăng/phát trên mạng xã hội.
Xem thêm: mth.25470321202402202-ped-nod-yat-ar-gnan-cuhc-nauq-oc-coud-nac-gnan-cuhc-mahp-cuht/nv.ertiout