vĐồng tin tức tài chính 365

Biển báo rõ ràng, phạt nguội phân minh

2022-04-21 15:57
Biển báo rõ ràng, phạt nguội phân minh - Ảnh 1.

Không như biển báo cắm ở bên phải đường dễ bị che khuất, biển báo treo ngang đường to rõ giúp tài xế dễ nhận thấy từ xa -Ảnh: TỰ TRUNG

Phóng viên Tuổi Trẻ đã "xuống đường" ghi nhận một số hạn chế cụ thể từ trên đường phố nội ô đến quốc lộ để thấy muốn xử phạt theo hình thức mới này được suôn sẻ, tâm phục khẩu phục còn nhiều việc phải khắc phục.

Biển báo "thách đố" tài xế

Theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến đường thuộc địa bàn TP.HCM, tại đa số các giao lộ đều có gắn camera quan sát phục vụ cho quá trình kiểm soát giao thông cũng như xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên, những biển báo giao thông lắp đặt ở vị trí chưa hợp lý, rào chắn đường theo kiểu "gài bẫy" và vạch kẻ đường bị mờ, thậm chí mất vạch khiến nhiều người đi đường "tá hỏa" khi biết mình vi phạm giao thông, bị xử phạt.

Chẳng hạn, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trên đường Trường Chinh đoạn giao với đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú), hướng về quận 12 có biển báo cấm ôtô rẽ trái từ 6h-22h nhưng biển báo này nằm sát bên trong, lại còn bị biển hiệu nhà dân che khuất. Nhiều người mới đi qua đoạn này không quan sát kỹ trong điều kiện căng mắt ra trong dòng xe cộ đông đúc nên rất dễ bị "dính chưởng". Anh Nguyễn Văn Tình (30 tuổi) cho biết người dân đã in tờ giấy hình biển báo đặt giữa dải phân cách cho tài xế dễ nhìn. "Biển báo cấm rẽ trái của cơ quan chức năng đặt bên phải trước giao lộ nhưng nằm sát nhà dân, bị che khuất, khó quan sát lắm, nhiều tài xế bị phạt hoài", anh Tình nói.

Tài xế Bùi Thanh Tâm (30 tuổi) cho biết từng bị CSGT phạt lỗi rẽ trái do anh đi lần đầu và không thấy được biển báo này. "Biển báo đặt khuất tầm nhìn như thách đố tài xế, đường thì đông xe nên tôi thiếu chú ý chút xíu, lỡ rẽ rồi bị xử phạt", anh Tâm phân trần. Sau khi người dân phản ảnh, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) đã kiểm tra và khắc phục bằng cách đặt thêm biển báo "cấm ôtô rẽ trái" (từ 6h-22h) ở giữa dải phân cách cho tài xế dễ nhìn thấy.

Một điểm khác ngay tại đoạn xa lộ Hà Nội giao với đường vành đai phía đông, cầu vượt trạm 2 (theo hướng TP.HCM đi Đồng Nai) không có biển cấm xe 2 và 3 bánh hoặc rào chắn xe cộ đi thẳng. Việc này khiến một số xe máy nhầm lẫn chạy hẳn vào làn đường chỉ dành cho ôtô đi thẳng khi biển báo cấm xe 2 và 3 bánh lại bố trí cách đó hơn 0,5km.

Anh Nguyễn Tất Thắng (ngụ TP Thủ Đức) cho biết: "Nếu đã cấm xe 2 và 3 bánh đi thẳng thì tại sao không đặt một biển báo ngay trước đoạn đường đó. Việc mở toang rào chắn như vậy chẳng khác nào gài bẫy người đi đường, đặc biệt với những người mới lần đầu đi qua đây, lúc bị phạt mới tá hỏa".

Trong khi đó, trên nhiều tuyến đường còn tồn tại tình trạng vạch kẻ đường bị mờ, thậm chí mất vạch khiến việc dừng, đỗ của xe gặp nhiều khó khăn, làn đường trở nên lộn xộn, mất mỹ quan đô thị.

Biển báo rõ ràng, phạt nguội phân minh - Ảnh 2.

Vạch kẻ đường lâu ngày bị mờ gây khó khăn cho tài xế lái xe trên quốc lộ 1 (TP.HCM ), chiều 20-4 - Ảnh: TỰ TRUNG

Vạch kẻ đường mờ, biển báo cũ giăng đầy

Tại Đồng Nai, đoạn ngã tư Vũng Tàu về đến cổng 11 (quốc lộ 51) có những đoạn vẫn chưa kẻ vạch sơn phân làn. Đây cũng là khu dân cư đông người qua lại nhưng không có biển báo vào khu dân cư và biển báo tốc độ. Ở nhiều nơi như khu vực vòng xoay cổng 11, ngã tư bồn nước - quốc lộ 1 (TP Biên Hòa) có nhiều biển báo chui rúc trong các lùm cây hoặc biển báo mờ, chưa thay đổi.

Anh Nguyễn Tùng - một tài xế đi lại trên quốc lộ 51 - cho biết: "Khu vực Đồng Nai có những biển báo giống như gài bẫy tài xế. Đó là đường vào hầm chui ngã tư Vũng Tàu lên cầu Đồng Nai chỉ giới hạn tốc độ 40km/h và không cho đi làn xe hỗn hợp. Khi các xe container nối đuôi nhau, tài xế cho sang làn thì bị xử phạt. Đây là điều bất hợp lý mà giới tài xế bức xúc nhiều năm qua".

Cũng theo anh Tùng, đoạn quốc lộ 51 qua huyện Long Thành trên cùng một dải đường nhưng có làn cho tốc độ 60km/h, có làn 70km/h. "Có nơi đặt biển báo chỉ dẫn to đùng lấn chiếm không gian trên vỉa hè. Có nơi đặt biển kiểu "núp lùm" ở các bụi cây khiến tài xế lạ đường rất lúng túng vì bị che mất tầm nhìn. Tôi đề nghị phải rà lại biển báo, đặt đúng chỗ, đúng nơi và rõ ràng để đảm bảo an toàn giao thông và người bị xử phạt mới tâm phục khẩu phục", anh Tùng nói.

Biển báo rõ ràng, phạt nguội phân minh - Ảnh 3.

Biển báo "núp lùm" ở địa bàn Đồng Nai - Ảnh: HÀ MI

Phải tâm phục khẩu phục

Đại diện Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư 2 hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đó là hệ thống camera giám sát trên địa bàn TP Biên Hòa (do Công an tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư) và hệ thống camera giám sát trên tuyến quốc lộ 1 (do Cục Cảnh sát giao thông làm chủ đầu tư) bàn giao cho Phòng cảnh sát giao thông khai thác, phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đến nay, hệ thống giám sát ghi nhận 4.808 trường hợp vi phạm trên quốc lộ 1 và gửi thông báo đến chủ phương tiện để phối hợp xử lý theo quy định. Thông qua việc thông báo đã có 804 trường hợp người vi phạm lên phối hợp xử lý vi phạm, thu phạt hơn 1,5 tỉ đồng.

Biển báo rõ ràng, phạt nguội phân minh - Ảnh 4.

Một đoạn đường khoảng 200m trên tuyến đường tránh Buôn Ma Thuột có tới hàng chục biển báo loại nhỏ, tài xế phải căng mắt mà nhìn - Ảnh: TRUNG TÂN

Tuy nhiên, theo Phòng cảnh sát giao thông tỉnh, thực tiễn về hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh Đồng Nai hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là hệ thống biển báo hiệu đường bộ chưa được thay thế, bổ sung đầy đủ theo quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT của Bộ GTVT. Cụ thể, còn nhiều biển báo hiệu được lắp đặt theo quy chuẩn cũ vẫn chưa được thay thế như trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp và tuyến quốc lộ 1. Tại quốc lộ 1, quốc lộ 20, hệ thống vạch kẻ đường ở nhiều đoạn đã bị mờ chưa sơn kẻ lại kịp thời. Mặt khác, mật độ phương tiện trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là quốc lộ 1 và quốc lộ 51 hiện nay đã quá tải nhiều lần so với thiết kế mặt đường ban đầu…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người điều khiển phương tiện cũng như việc xử lý vi phạm, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý các tuyến quốc lộ, cao tốc khẩn trương rà soát thực tế trên tuyến, bổ sung và thay thế hệ thống biển báo hiệu giao thông theo quy chuẩn hiện hành.

Ông Não Thiên Anh Minh

Nói thêm về hiện trạng biển báo, ông Não Thiên Anh Minh - phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Đồng Nai - cho biết hiện nay trên các tuyến quốc lộ 1, 1K, 20, 56, đường Võ Nguyên Giáp, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đa số hệ thống biển báo hiệu giao thông chỉ được thay thế cục bộ từng vị trí hoặc đoạn tuyến theo quy chuẩn báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT. Còn lại đa số trên tuyến, hệ thống biển báo hiệu giao thông vẫn chưa được thay thế theo quy chuẩn mới. Việc này gây không ít khó khăn cho người tham gia giao thông cũng như việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Riêng tuyến quốc lộ 51 hiện đang thay thế, bổ sung hệ thống biển báo hiệu theo quy chuẩn hiện hành, dự kiến ngày 30-4-2022 hoàn thành.

Biển báo rõ ràng, phạt nguội phân minh - Ảnh 6.

Camera giám sát "phạt nguội" tại Phòng PC08 - Ảnh: M.HÒA

Cân nhắc các tình huống khách quan

Anh Thắng, một tài xế lái xe đầu kéo container chạy tuyến Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận, nói rất đồng tình với việc lắp đặt camera giám sát, phạt nguội. Bởi từ khi hệ thống này đi vào hoạt động thì tình trạng chạy nhanh vượt ẩu, nhất là xe giường nằm dịp lễ, Tết giảm rõ rệt. "Bị dính nhiều lần ai cũng phải nhẹ lại chân ga, chứ tiền công không đủ đóng phạt. Tôi ủng hộ lắp camera phạt nguội. Việc này còn giảm đi nhũng nhiễu, tiêu cực giữa giới tài xế và CSGT đang thi hành công vụ" - anh Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên, anh Thắng cũng mong việc xử phạt như vậy bớt cứng nhắc hơn với một số tình huống cụ thể. Điển hình như ở khu vực ngã tư, nhiều lúc tài xế bị khuất tầm nhìn, chói nắng, tránh xe ưu tiên… mà chạy lố qua vạch nên bị ghi hình. Phần lớn đây là lý do khách quan nhưng đều bị xử phạt nên giới tài xế cũng tâm tư.

Sao không treo biển báo phía trên làn đường?

Đó là một trong nhiều thắc mắc liên quan đến phạt nguội được bạn đọc nêu ra với cơ quan chức năng.

* Làm sao để xác định lỗi vi phạm?

Thiếu tá Lê Hồng Phương, phó đội trưởng đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông thuộc Phòng cảnh sát giao thông (Công an TP.HCM), cho biết sau khi có dữ liệu từ camera, CSGT lập hồ sơ lỗi rồi chuyển về cho đội chỉ huy giao thông (quận 5) để gửi thông báo về chủ xe và chủ xe sẽ lên đội để xác minh lỗi.

Nếu chủ xe chấp nhận lỗi sẽ ký vào biên bản ghi nhận lỗi và CSGT lập biên bản, ra quyết định xử phạt. Trong trường hợp chủ xe khẳng định "không phải là người điều khiển" thì chủ xe có trách nhiệm "truy tìm" người đã điều khiển xe vi phạm theo hình ảnh biển số, biển báo, địa điểm, thời gian vi phạm... ghi lại. Nếu chủ xe không tìm được thì theo điều 80 nghị định 100, chủ xe phải đóng phạt.

Khi giấy thông báo được gửi về, nếu chủ xe không lên làm việc, CSGT gửi thông tin qua đăng kiểm để ngăn chặn. Thời gian qua, số người tự giác nộp phạt chỉ chiếm khoảng 1/4 các trường hợp bị ghi hình.

DucTrong-CameraGiamsat

Trung tâm điều khiển, quan sát và vận hành hệ thống camera giám sát trên quốc lộ 1 đặt tại Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

* Khi nào TP.HCM có thể lắp camera tự động phát hiện vi phạm?

Ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay trong thời gian qua việc giám sát, phát hiện hành vi vi phạm giao thông qua camera còn sử dụng các camera giám sát sẵn có, chưa áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, do đó chỉ mới dừng ở phạt các lỗi dừng đậu, đón trả khách không đúng quy định và vượt tốc độ cho phép.

"Sở đã đề xuất các dự án đầu tư công hệ thống camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể phát hiện phương tiện vi phạm tự động", ông Hưng cho hay.

* Chạy đường nhiều làn xe, khó nhìn biển báo bên phải thì sao? Sao ít thấy biển báo treo ngay phía trên làn đường?

Trước thông tin phản ảnh của người dân về việc chỉ lắp đặt các biển báo giao thông ở lề bên phải, đặc biệt tại các đường lớn, nhiều làn, khuất tầm nhìn không phù hợp với tình hình thực tế, Bộ GTVT cho biết trên thực tế một số tuyến đường hiện nay, do lịch sử và điều kiện kinh tế hoặc một số lý do khác vẫn còn chưa lắp đặt được các giá đỡ, treo biển báo hoặc chưa có biển bên trái đối với các tuyến đường rộng.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục quản lý đường bộ và các sở GTVT rà soát, điều chỉnh để bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin nhất cho người dân tham gia giao thông.

Che biển số để né camera

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, từ khi đưa vào vận hành hơn một năm qua, hệ thống camera giám sát trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Bình Thuận khiến phần lớn giới tài xế và nhà xe tâm phục khẩu phục vì chứng cứ rõ ràng khi vi phạm. Tuy nhiên cũng có trường hợp camera quét không rõ biển số, dẫn đến phạt nguội nhầm xe khác, chủ yếu là do tài xế "chơi chiêu" bằng cách che mờ biển số.

Để rõ hơn hành vi trên, PV Tuổi Trẻ quan sát trên quốc lộ 1 và phát hiện một ôtô màu trắng, loại 7 chỗ mang biển số tỉnh Đồng Nai di chuyển hướng Nam - Bắc, đoạn thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam đã dùng một miếng bìa cứng che mất 3 số cuối. Xe di chuyển suốt đoạn đường dài, khi đến gần địa phận TP Phan Thiết thì bị tổ tuần tra CSGT phát hiện, yêu cầu dừng kiểm tra. Tài xế giải thích sợ bị camera ghi hình quá tốc độ nên dán bớt biển số và là "chiêu thức" mà một số tài xế truyền tai nhau.

Nộp phạt nguội, không thể chây ì

Tất nhiên khi không có việc cưỡng chế trực tiếp để nộp phạt, các hành vi chây ì thường phải chịu mức chế tài cao hơn.

Có thể mất bằng lái

Các vi phạm luật giao thông có thể được phát hiện trực tiếp hoặc qua camera. Hệ thống cảnh sát và luật ở mỗi tiểu bang của Mỹ mỗi khác nhưng điều đó không đồng nghĩa vi phạm giao thông ở bang này sẽ không bị phạt khi trốn sang bang khác, do phần lớn các bang có sự thỏa thuận theo nguyên tắc có đi có lại, sử dụng một cơ sở dữ liệu về hồ sơ của người lái xe. Luật tại một số tiểu bang nghiêm đến nỗi việc lái xe ẩu hoặc vi phạm quy định giới hạn tốc độ có thể bị khởi tố hình sự.

Những người phớt lờ việc nộp phạt chỉ có thể đối mặt với hình phạt nặng hơn, trong đó có các hình phạt bổ sung ngoài vi phạm ban đầu. Tại bang California, tòa án có thể phát lệnh bắt nếu người vi phạm không xuất hiện tại tòa. Việc không trình diện tại tòa cũng có thể dẫn tới khoản phạt thêm 300 USD.

Bằng lái xe chắc chắn sẽ bị đình chỉ và không thể gia hạn đăng ký ôtô nếu không nộp phạt trong thời gian tòa đưa ra. "Việc xuất hiện tại tòa là cơ hội để các vị trình bày trước thẩm phán những khó khăn tài chính hoặc các vấn đề liên quan đến việc nộp phạt hay bất kỳ vấn đề nào khác", trang web của hệ thống các tòa án California lưu ý. Nếu người vi phạm có thể thuyết phục được quan tòa việc đóng phạt sẽ khiến họ hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính, tòa có thể xem xét giảm hoặc sắp xếp một khung thời gian đóng phạt thích hợp.

bien bao giao thong

Biển thông báo phía trước có camera bắn tốc độ tại thủ đô Washington của Mỹ - Ảnh: Washington Post

Sử dụng camera chuyên dụng cho từng lỗi

"Tất cả những ai có việc đi lại ở thủ đô Washington đều xứng đáng có những con đường an toàn", nữ thị trưởng Muriel

E. Bowser của Washington D.C (Mỹ) giải thích sau khi đề xuất ngân sách 19 tỉ USD cho năm 2023, trong đó có 9,4 triệu USD dành cho camera giao thông.

Theo đó, mỗi loại camera chỉ chuyên phát hiện các lỗi khác nhau để bảo đảm tính chính xác nhất và hoạt động ổn định. Ngoài camera bắn tốc độ, kế hoạch của bà Bowser sẽ bổ sung 25 camera nhắm vào các hành vi vi phạm quy định cấm vượt đối với xe buýt đưa đón học sinh, 17 camera tìm kiếm các lỗi vi phạm đèn đỏ, biển báo dừng và xe tải quá tải cùng 20 camera chuyên bắt các ôtô sử dụng làn đường dành cho xe buýt và xe đạp.

Theo báo Washington Post, kế hoạch của thị trưởng Bowser chỉ là một phần trong chương trình thực thi luật giao thông nổi tiếng của thủ đô Washington. Tuy nhiên, điều tạo ra sự nổi tiếng này không phải là tính nghiêm minh mà là số tiền đóng góp cho ngân sách giúp chương trình được xem như một công cụ tạo ra doanh thu cho chính quyền. Theo tính toán của Washington Post, dự kiến các camera giao thông sẽ giúp thủ đô thu về khoảng 100 triệu USD trong năm 2022, trong đó hơn 87 triệu là từ camera bắt lỗi tốc độ.

Về phía người bị phạt tất nhiên là có những lo ngại khi trên thực tế vẫn xảy ra một số sự việc hy hữu về mức độ chính xác của camera giao thông. Vào tháng 10 năm ngoái tại Vương quốc Anh, vợ chồng anh David và chị Paula Knight đã bất ngờ khi nhận được một giấy phạt vi phạm luật giao thông được gửi đến nhà. Trong giấy phạt, chiếc xe mang biển số do anh David đứng tên được camera xác định đã đi vào làn đường dành cho xe buýt. Địa điểm vi phạm cách nhà của hai vợ chồng tới 120km. Khoản tiền ban đầu chỉ có 83 USD nhưng sau đó tăng lên 124 USD với lý do người vi phạm không phản hồi thông báo từ cơ quan thực thi pháp luật.

Thực tế David và Paula không hề lái xe vào làn đường cho xe buýt. Hình ảnh vi phạm mà camera chụp lại cho thấy thiết bị này đã nhầm. Một người phụ nữ mặc áo có dòng chữ KNITTER và đeo túi xách chéo trước ngực đã khiến camera nhầm thành biển số xe của nhà Knight. Khoản phạt sau đó được hủy khi nhân viên giám sát camera nhận ra lỗi tai hại.

Sử dụng hệ thống camera để xử phạt vi phạm giao thông đang là cách làm ở nhiều nước, vừa đảm bảo sự minh bạch và giảm bớt áp lực cho lực lượng thực thi pháp luật.

BẢO DUY

TP.HCM: Tra cứu lỗi phạt nguội, đặt lịch hẹn, gửi phản ảnh tới CSGT bằng ZaloTP.HCM: Tra cứu lỗi phạt nguội, đặt lịch hẹn, gửi phản ảnh tới CSGT bằng Zalo

TTO - Người dân có thể tra cứu thông tin vi phạm hình ảnh, nộp phạt, đăng ký xe trực tuyến, đặt lịch hẹn làm việc với cảnh sát giao thông (CSGT) TP.HCM thông qua mạng xã hội Zalo.

Xem thêm: mth.93033909012402202-hnim-nahp-iougn-tahp-gnar-or-oab-neib/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Biển báo rõ ràng, phạt nguội phân minh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools