Sinh viên học nghề tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Xét từ góc độ của phụ huynh rơi vào hoàn cảnh này, tôi thật sự cũng cảm thấy bất bình và phẫn nộ vì sau 9 năm học đằng đẵng, con mình "không được" tham dự một cuộc thi "nóng bỏng và gay cấn" không kém gì thi tốt nghiệp trung học phổ thông - cuộc thi vào lớp 10 công lập.
Tuy nhiên, từ câu chuyện này có thể thấy một vấn đề khác: Phân luồng giáo dục - vấn đề được truyền thông đề cập đến nhiều trong hơn chục năm gần đây.
Chủ trương phân luồng mạnh sau THCS đã được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và các văn bản pháp quy.
Quyết định số 1981 (năm 2016) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã xác định: Học sinh tốt nghiệp THCS có thể học tiếp theo một trong 4 luồng sau: học tiếp lên trung học phổ thông; học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống.
Tiếp đó, đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có "ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%".
Đến năm 2025, con số này được xác định là ít nhất 40%; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Triển khai đề án này, trong chương trình khối lớp 9, học sinh cũng được tham gia khóa Giáo dục hướng nghiệp THCS.
Trong quá trình học, học sinh được tư vấn giúp định hướng các bước đi sau khi tốt nghiệp THCS. Từ đó, học sinh có thể chọn đăng ký thi tuyển để học tiếp lên trung học phổ thông hay chuyển sang đi học nghề.
Ở phần học nghề, học sinh có thể chọn học hệ sơ cấp hay trung cấp nghề, điều này phụ thuộc vào nhu cầu, vào khả năng kinh tế của từng cá nhân và gia đình.
Sinh viên học nghề tại Trường cao đẳng Viễn Đông - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Hướng phân luồng và đối tượng phân luồng rất rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế tại các trường THCS, người trực tiếp làm công tác tư vấn và giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh lại là giáo viên chủ nhiệm, những người kinh nghiệm về tư vấn và kiến thức về phân luồng chưa thực sự thành thạo.
Điều này có thể đã gây nên một số hiểu lầm về việc trọng thành tích khi giáo viên tư vấn cho học sinh có năng lực học tập trung bình không tham dự kỳ thi vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập.
Nếu việc tư vấn, giáo dục định hướng nghề nghiệp THCS được thực hiện bài bản, khéo léo và chuyên nghiệp sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Học sinh sẽ nhận thức rõ được năng lực của bản thân, từ đó lựa chọn được hướng đi phù hợp, tránh được những căng thẳng, áp lực về tinh thần khi đối mặt với một kỳ thi vào lớp 10 công lập đầy cam go.
Chẳng hạn, để tiếp tục học chương trình trung học phổ thông, các gia đình cũng có thể lựa chọn các trường ngoài công lập - những cơ sở đào tạo hầu như không tổ chức thi tuyển, mà chỉ xét tuyển qua hồ sơ học bạ.
Điều này khá phù hợp với các gia đình trung lưu, con được học tập tại môi trường có cơ sở vật chất tốt, tránh được áp lực thi cử mà vẫn có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, thỏa mãn tâm lý truyền thống "có tấm bằng tốt nghiệp dắt lưng".
Đối với các gia đình điều kiện kinh tế không được khá, thêm vào đó năng lực học tập của con có hạn thì có thể lựa chọn cho con theo hướng học trung cấp nghề. Sau khoảng thời gian 1-2 năm, học sinh sẽ có bằng trung cấp nghề, tiếp tục liên thông khoảng 1,5-2,5 năm, học sinh sẽ có bằng cao đẳng.
Như vậy tầm 18 tuổi, học sinh đã có bằng cao đẳng và đã có thể tham gia thị trường lao động. Việc học liên thông lên cao đẳng, đại học được thực hiện khi học sinh học đủ số giờ các môn văn hóa (toán, lý, hóa, văn) theo quy định.
Lộ trình này rất hiệu quả và hữu ích vì vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm kinh phí, góp phần lớn vào sự thành công của đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" của Chính phủ.
TTO - Lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định hoàn toàn không có việc Trường THCS Dịch Vọng "ép” học sinh có học lực trung bình không thi vào lớp 10 gây xôn xao mạng xã hội, tại họp báo chiều 20-4.
Xem thêm: mth.11333112402202-9-pol-uas-gnoul-nahp-neyuhc-uac-av-01-pol-iht-gnohk-pe/nv.ertiout