Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp - Ảnh: D.T.
Chiều 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Đề xuất phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cho tỉnh
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo nghị quyết quy định thí điểm 10 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành, hoặc chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Với chính sách dành riêng phát triển Khu kinh tế Vân Phong, ông Dũng cho hay để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo nghị quyết quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế; ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách cho hay thực tế, hạ tầng Khu kinh tế Vân Phong còn rất hạn chế, cần huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng, triển khai các dự án lớn bằng các chính sách ưu đãi thiết thực và cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ phù hợp với các ngành nghề thu hút đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị ban soạn thảo cân nhắc khả năng bổ sung một số chính sách như áp dụng thí điểm cơ chế cho phép các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vân Phong được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển (R&D) khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời, phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Ưu đãi vào Vân Phong còn "hẹp quá"
Nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng phát triển Khu kinh tế Vân Phong được xác định là 1 trong 3 vùng trọng điểm của Khánh Hòa, nhưng hiện thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.
Do đó, theo ông Mẫn, cần quy định chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong. Song ông đề nghị rà soát bổ sung quy định chặt chẽ, đủ mạnh, cam kết nghĩa vụ nhà đầu tư, ưu đãi với nhà đầu tư và xử lý nhà đầu tư khi không thực hiện cam kết.
Ông Mẫn cũng lo ngại nhà đầu tư vào đăng ký "xí phần đất", để đó không đầu tư hoặc đầu tư không đồng bộ, không đúng quy hoạch sẽ phá vỡ khu. Vì vậy, cần chi tiết hơn các nghĩa vụ của nhà đầu tư, để minh bạch và đủ căn cứ thực tế xử lý, thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng ưu đãi nhà đầu tư chiến lược vào Vân Phong còn "hẹp quá", chưa có chính sách mới, đột phá.
Vì vậy, theo ông Huệ, nên chăng cho thí điểm khấu trừ chi phí liên quan tới đầu tư phát triển, đổi mới sáng tạo trong khi tính thuế thu nhập và đây là phương pháp phổ biến trên thế giới, ít nhất cho các nhà đầu tư chiến lược hoặc cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế.
Ông nói thêm nhà đầu tư ngoài chính sách cơ chế muốn nhanh, do đó nên đồng tình ý kiến phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược trong Vân Phong trước đó thuộc thẩm quyền Thủ tướng, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành.
"Nếu ủy quyền cho tỉnh trách nhiệm lớn hơn cũng tăng trách nhiệm, nên dự thảo nghị quyết quy định làm sao để việc ủy quyền chặt chẽ, tức là có quy trình, cơ chế lấy ý kiến các bộ", ông Huệ nói.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận những ưu đãi cho Vân Phong đang "hẻo quá", chưa chạm tới mong muốn của nhà đầu tư với 4 vấn đề sở hữu đất đai, miễn thị thực, giảm thuế, thủ tục hành chính.
Với các đề nghị bổ sung ưu đãi cho nhà đầu tư, ông Dũng nói sẽ tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh nói Khu kinh tế Vân Phong kỳ vọng rất lớn, nhưng thiết kế chính sách rất khó nên chưa có chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Ông khẳng định nếu được phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cũng chỉ áp dụng giới hạn với nhà đầu tư chiến lược.
TTO - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc xử lý các "đại gia", thậm chí các quan chức cấp thứ trưởng có tác động rất lớn trong dư luận xã hội, đồng thời, thể hiện sự kiên quyết trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.