Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam do Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp cùng Quỹ Do Ventures thực hiện, năm 2021 là năm kỷ lục của Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với 1,4 tỷ USD.
Mặt khác, đây cũng là năm đánh dấu sự xuất hiện trở lại của các vòng gọi vốn lớn trong lĩnh vực này. Tổng số giao dịch của các thương vụ trên 10 triệu USD vượt mức 1 tỷ USD, tăng 255% so với năm 2020.
Trong khi nguồn vốn chảy vào vòng Seed tăng lên mức cao kỷ lục cả về số lượng và giá trị thương vụ, thì nguồn vốn chảy vào các vòng sau series A đã phục hồi về mức trước Covid.
“Kỳ lân" mất ngủ
Đặc biệt, năm 2021 chứng kiến sự xuất hiện của 5 giao dịch trị giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử (TMĐT) và gaming.
Nổi bật trong lĩnh vực thanh toán, một trong 4 kỳ lân công nghệ của Việt Nam - Momo đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) vào tháng 12/2021. Công ty đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management.
Từ câu chuyện của Momo, đây như một “điều kỳ diệu" cho các công ty khởi nghiệp, bởi đã có sự bứt phá ngoạn mục ngay tại thời điểm Covid hoành hành nhất.
Tuy nhiên, con đường dẫn tới thành công chưa bao giờ là dễ dàng. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Momo cho biết: “Covid năm 2020 và 2021 là một điều khủng khiếp đối với doanh nghiệp nói chung. Khi Covid mới bùng phát, chúng tôi cảm giác như trời sắp sập”.
Bởi tất cả hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của toàn xã hội đều dừng lại, đối với doanh nghiệp đó là một nỗi sợ tới mức đêm không thể ngon giấc. Tuy nhiên, khi bình tĩnh nhìn nhận lại, đối với những công ty công nghệ số như Momo lại là “trong nguy có cơ".
Ông giải thích thêm, hoạt động thanh toán trong các lĩnh vực nhà hàng, vui chơi, giải trí bị đóng băng thì lại chứng kiến sự tăng “đột biến" ở những mảng thanh toán khác, cũng như số lượng khách hàng sử dụng ứng dụng. Khi khách hàng không còn sự lựa chọn nào khác, họ bắt buộc phải dùng những biện pháp thanh toán điện tử để phục vụ cho nhu cầu hằng ngày.
Nhìn nhận ra vấn đề đó, Momo đã nắm bắt cơ hội, thừa thắng xông lên và đạt mức tăng trưởng 1000% mỗi năm. “Tức là, tốc độ tăng trưởng của hai năm 2020, 2021 bằng đúng 20 năm chúng tôi cố gắng nếu không có Covid", ông nhấn mạnh.
Qua đó, cũng có thể thấy, bên cạnh những mặt tiêu cực Covid đem lại cho tất cả, thì đây cũng là chất xúc tác để thúc đẩy không chỉ quá trình chuyển đổi số quốc gia từ chính những người dân, mà còn tăng cường ĐMST trong mỗi doanh nghiệp, để hướng tới năm 2030, nền kinh tế số đóng góp 30% cho tổng GDP.
Startup trẻ cũng “tiến thoái lưỡng nan"
Vậy còn với những startup ở giai đoạn đầu, câu chuyện của họ có thể là gì?
Trên thực tế, với số lượng lớn các công ty giai đoạn đầu đầy tiềm năng và môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện hơn nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Quỹ đầu tư, hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn trưởng thành hơn.
Đã có những trường hợp startup trẻ rất thành công nhờ vào kết nối với Quỹ đầu tư, tuy vậy, thách thức đối với các startup Việt ở giai đoạn đầu vẫn là rất nhiều.
Theo ông Trần Hữu Đức, Giám đốc điều hành Quỹ VIISA, không chỉ bị tác động bởi Covid, các doanh nghiệp này còn gặp rào cản từ chính những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau.
Về mặt chủ quan, một trong những vấn đề lớn nhất của những nhà sáng lập trẻ đó là sự mất tập trung. Bởi các bạn vốn nhanh nhạy, do đó, nhìn thấy có quá nhiều xu hướng khác nhau, các bạn sẽ khó có thể kiên định với con đường đã chọn từ đầu.
Vậy nên, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp rất dễ dàng thay đổi và chệch hướng. Ông lấy ví dụ như “sóng" về metaverse hay blockchain trong năm vừa qua, đã có rất nhiều nhà sáng lập trẻ bỏ dở dự án startup cũ để chạy theo những xu hướng này. Tốc độ phát triển có thể rất nhanh, nhưng sau đó khoảng 1 tới hơn 1 năm, đã có rất nhiều dự án kiểu đó thất bại.
Song, startup là một câu chuyện dài, phải mất tới hơn 8 năm để doanh nghiệp có thẻ trở thành kỳ lân ở thị trường Đông Nam Á. Với Momo, chặng đường này còn là 15 năm. Do vậy, đòi hỏi tính kiên định rất cao từ những nhà sáng lập.
Về mặt khách quan, môi trường hỗ trợ cho cộng đồng startup cần thân thiện hơn. Có thể nói, các startup bây giờ rất vất vả, đi sang trái thì gặp vấn đề về pháp lý, đi sang phải thì gặp thách thức về cạnh tranh, nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài, nhìn trước thì thiếu sự hỗ trợ về nguồn vốn.
Ông đưa ra ví von: “Startup như những đứa trẻ mới sinh, nên rất cần sự chăm bẵm và chiều chuộng, đặc biệt là từ cơ quan quản lý Nhà nước”. Bởi, cơ quan quản lý như chính những người nuôi nấng và định hướng cho doanh nghiệp.
Từ đó, dành những điều tinh túy, đẹp đẽ cho cộng đồng startup. Cụ thể là với startup nội địa, để họ có thể yên tâm thực hiện những ý tưởng của mình và đóng góp cho sự phát triển chung của nền KT-XH.
Với vai trò là cơ quan hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái ĐMST, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia cho biết, NIC sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm khuyến khích ĐMST trên phạm vi cả nước, đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Qua đó, ông tin rằng, với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong năm 2021, chúng ta có thể tin rằng năm 2022 sẽ là năm bản lề để hệ sinh thái ĐMST Việt Nam có những bước phát triển đột phá và mở ra nhiều cơ hội trong tương lai hơn nữa.