Nhiều lối đi cho học sinh sau lớp 9. Trong ảnh: sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành - Ảnh: T.NHÂN
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và đào tạo - cho rằng phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng. Tùy địa phương sẽ có tỉ lệ nhất định học sinh sau khi hoàn thành lớp 9, có thể từ 20 - 30% không vào các trường THPT công lập.
Tư vấn hay ép buộc?
Trong quá trình học THCS, nhiều trường đã tiến hành tư vấn cho học sinh mà họ cảm thấy phù hợp để các em cân nhắc những hướng đi khác ngoài vào lớp 10 công lập.
Theo ông Vinh, nói là tư vấn nhưng ở một số trường trong quá trình truyền đạt đến phụ huynh và học sinh lại mang tính chất ép buộc. Có thể là vì hoàn thành chỉ tiêu phân luồng đã được đề ra hoặc cũng có thể giữ xếp hạng cho trường trong các bảng xếp hạng điểm thi lớp 10.
Ông Vinh cho rằng gốc rễ của sự biến tướng này là do bệnh thành tích, không phải thật sự hướng đến học sinh. "Hướng nghiệp cho học sinh sau cấp THCS không phải là bắt em phải đi đường này, em phải đi hướng kia hay chỉ vì xếp hạng của trường" - ông Vinh nói.
Tại TP.HCM, đa số các trường THCS đều có hoạt động tư vấn cho học sinh, phụ huynh những con đường sau lớp 9.
Cô Bùi Thị Minh Tâm, hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết thông thường dựa trên kết quả thi học kỳ của học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi thêm với thầy cô chuyên môn các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh để thảo luận thêm về những trường hợp học sinh có điểm số tương đối thấp.
Trên cơ sở đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi lại với phụ huynh, đề cập khả năng trúng tuyển vào lớp 10 công lập của con họ, đồng thời vạch ra những hướng khác như học trường nghề có thể xem xét.
Cô Tâm cũng cho rằng những buổi định hướng như thế nếu không được giáo viên tổ chức khéo léo, phụ huynh rất dễ hiểu lầm rằng giáo viên không cho con họ thi lớp 10 hoặc ép buộc các em phải học trường nghề.
"Ở trường tôi không có sự ép buộc, học sinh hoàn toàn có thể dự thi tuyển sinh lớp 10 theo nguyện vọng. Tuy nhiên nếu có định hướng từ trước, học sinh sẽ hạn chế rơi vào trường hợp rớt tất cả nguyện vọng lớp 10 công lập, khi đấy các em vừa sốc vừa mặc cảm lại vừa bị động chọn nơi học tiếp theo" - cô Tâm nói.
Phải chuyên nghiệp, bài bản
TS Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, chia sẻ không nên có quan điểm rằng cứ học sinh kém thì cho vào học trường nghề, giáo dục thường xuyên thay vì học tiếp THPT. Ngược lại, trên hết việc định hướng các em chọn theo con đường nào còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác, không chỉ dựa vào mỗi chuyện điểm số cao hay thấp mà vạch ra cho các em hướng đi chính xác cho mình.
Chẳng hạn, với trường nghề (trung cấp, cao đẳng), nhiều người thường mặc định học yếu thì các em sau lớp 9 sẽ vào các trường này. Tuy nhiên, muốn chọn trường nghề, các em trước hết phải yêu thích các công việc đòi hỏi thực hành nhiều hoặc có nguyện vọng đi làm sớm hay để giảm gánh nặng tài chính.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng hiện tại ở nhiều trường trung học cơ sở phía Bắc, vai trò định hướng cho học sinh sau lớp 9 được giao cho giáo viên chủ nhiệm. Trong khi đó, không ít thầy cô chỉ mạnh chuyên môn nhưng có thể không nắm được rõ về hướng nghiệp hoặc chưa sâu sát được học sinh nên không tư vấn phù hợp nhất. Vì vậy, chuyện hướng nghiệp cho học sinh THCS cần được thực hiện bài bản giữa nhiều đơn vị, giữa trường trung học, trường nghề, thậm chí cả cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương.
Theo ông Hồ Phi Tiến - hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (quận Tân Phú, TP.HCM), hằng năm trường có tổ chức nhiều chương trình để các trường THPT tư thục, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên đến định hướng, tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 9. Học sinh sẽ có cơ hội tìm hiểu về các hướng đi, biết cách chọn ngành, chọn nghề, đối chiếu với điều kiện gia đình, năng lực và nguyện vọng của bản thân.
Ông Ngô Văn Tuyên, trưởng Phòng giáo dục quận Bình Tân (TP.HCM), cho rằng trước hết để định hướng, phân luồng học sinh cần phải giúp học sinh yêu thích, đam mê. "Do đó, một số trường cao đẳng trên địa bàn có tổ chức những chuyến trải nghiệm cho các bạn đến tận trường để tìm hiểu về ngành, nghề, gặp gỡ các sinh viên đang học, thầy cô đang giảng dạy, qua đó có thể tìm được đam mê cho mình ngoài hướng đi vào THPT công lập" - ông Tuyên nói.
Tư vấn cho phụ huynh
Bà Phạm Quang Trang Thủy, hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật Hùng Vương (quận 5, TP.HCM), cho biết trong chuyện định hướng cho các học sinh lớp 9, phải tư vấn luôn cho cả phụ huynh thật kỹ. Nhiều lúc giáo viên tư vấn không khéo, khiến một số trường hợp phụ huynh cảm thấy bị tự ái hoặc nghĩ rằng con họ đang bị đẩy ra khỏi cuộc thi lớp 10.
Theo bà Thủy, cần cho phụ huynh hiểu rõ về việc định hướng, phân luồng, về những ưu điểm, lợi thế khi các em chọn những hướng đi khác sau THCS. Nếu không hiểu, phụ huynh sẽ có những nhầm lẫn đáng tiếc mà người chịu ảnh hưởng trực tiếp không phải là cha mẹ, mà là học sinh.
Thay vào đó nếu suy nghĩ thoáng hơn, phụ huynh có thể tìm được cho con một môi trường thật sự phù hợp với bản thân của con, nơi con có thể phát triển tốt nhất.
Các hướng đi sau lớp 9
Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, năm học 2022 - 2023 các trường THPT công lập sẽ tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10. Số học sinh lớp 9 hiện tại ở TP.HCM là gần 100.000 em. Thông thường, những học sinh không vào lớp 10 công lập có một số hướng đi cơ bản như học tiếp THPT ở các trường tư thục, theo học các trường nghề hoặc theo học giáo dục thường xuyên. Số khác chọn du học hoặc bắt đầu đi làm kiếm sống.
TTO - Không chỉ ở Hà Nội, một số trường THCS ở nhiều địa phương bị phản ánh đã mời các phụ huynh đến họp, yêu cầu các con phải chuyển sang trường THCS dân lập hoặc cam kết không thi vào lớp 10 công lập…
Xem thêm: mth.83774100212402202-gnoul-nahp-auc-gnout-neib-01-pol-iht-coud-gnohk-hnis-coh-pe-uv/nv.ertiout