Bị can có 2 quốc tịch
Việc Công an Tp.HCM lập lý lịch tư pháp của bị can là một trong những hoạt động tố tụng trong điều tra vụ án hình sự, giúp làm rõ nhân thân người phạm tội.
Thông qua việc lập lý lịch tư pháp, cơ quan công an đã xác định bà Hằng trước đây mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đến năm 2010 thì bà này đổi tên như hiện tại.
Ngoài quốc tịch Việt Nam, bị can còn có quốc tịch Cộng hòa Cyprus. Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia pháp lý thì việc có 2 quốc tịch của bà Hằng không làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ án.
Bà Nguyễn Phương Hằng được biết đến với vai trò là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam. Người phụ nữ này từng nổi đình đám trên mạng xã hội nhờ những video “bóc phốt” nhiều người nổi tiếng trong showbiz Việt. Bà còn được biết đến là đại gia bất động sản tại Việt Nam, vợ của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng - tức Dũng "Lò Vôi".
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, bà Hằng liên tục dùng hàng chục tài khoản trên Youtube, Facebook, TikTok thực hiện hàng trăm buổi livestream đưa tin nhiều nội dung sai sự thật, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
Cơ quan điều tra đã nhiều lần mời bà Phương Hằng lên làm việc để răn đe, cảnh báo và yêu cầu chấm dứt hành vi livestream phát ngôn ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, bà này đều không chấp hành, vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động tụ tập đông người; tổ chức các đoàn đến nhà riêng của những người mâu thuẫn với mình để công kích, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Những việc làm này đều được bà Hằng livestream trên các nền tảng mạng xã hội.
Trước khi bị khởi tố để điều tra, tháng 4/2021, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị Sở Thông tin Truyền thông Tp.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính do thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Qua xác minh điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định bà Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội để xúc phạm, xuyên tạc, nhục mạ người khác.
Người Việt Nam phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, xử theo luật Việt Nam
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Quang Anh (Công ty Luật TNHH Sao Việt, đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Việc bà Phương Hằng có 2 quốc tịch không ảnh hưởng đến tiến trình xử lý vụ án bởi Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015: “Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam”.
Mặc dù bà Phương Hằng có 2 quốc tịch, tuy nhiên bà này vẫn có quốc tịch Việt Nam, về nguyên tắc vẫn là người Việt Nam phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nên vẫn sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự của nước ta với trình tự thủ tục thông thường.
Có khả năng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao không?
Khi có thông tin bà Phương Hằng có 2 quốc tịch, nhiều người thắc mắc liệu bà Hằng có thể lợi dụng quyền miễn trừ ngoại giao theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 để được giải quyết trách nhiệm hình sự bằng con đường ngoại giao hay không?
Tuy nhiên luật sư Quang Anh phân tích: “Bà Phương Hằng không thuộc nhóm đối tượng được hưởng miễn trừ ngoại giao theo Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cũng như Công ước Vienna mà Việt Nam đã ký kết”.
Quyền miễn trừ ngoại giao bao gồm quyền miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự cũng như xử phạt vi phạm hành chính, điều đó đồng nghĩa với việc các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao sẽ hưởng một cách tuyệt đối quyền miễn trừ xét xử về hình sự ở đất nước nhận đại diện. Chỉ có chính phủ nước cử đại diện mới có quyền từ chối quyền này đối với nhà ngoại giao và việc khước từ cần phải được thể hiện bằng văn bản.
Theo Công ước Vienna về Ngoại giao năm 1961, các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao chỉ bao gồm: Viên chức ngoại giao, các thành viên trong gia đình của viên chức ngoại giao cùng chung sống với người đó trong trường hợp không phải là công dân nước tiếp nhận, những nhân viên hành chính và kỹ thuật trong cơ quan đại diện và các thành viên sống chung với họ trong trường hợp không phải là công dân nước tiếp nhận hay không có nơi cư trú thường xuyên tại nước này, những nhân viên phục vụ trong cơ quan đại diện không phải là công dân nước tiếp nhận hay không có nơi cư trú thường xuyên tại nước này được hưởng các quyền miễn trừ với các hành vi trong khi thi hành chức năng của họ. Đối với viên chức ngoại giao có quốc tịch nước tiếp nhận hay có nơi cư trú thường xuyên ở nước này chỉ được hưởng quyền miễn trừ về hình sự với các hành vi chính thức trong khi thi hành các chức năng của họ (theo khoản 1 Điều 38).
Như vậy, trường hợp của bà Phương Hằng chắc chắn sẽ không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Ánh Dương