Bây giờ mọi người hay nhắc đến văn hóa đọc. Và người ta cũng cho rằng văn hóa đọc của người Việt mình đang nhạt nhòa. Cứ dạo quanh phố phường sẽ rõ. Nhà hàng, quán nhậu mọc lên thấy chóng mặt, người vào người ra tấp nập. Trong khi đó, có những thành phố chỉ vài ba hiệu sách. Một thư viện hoành tráng song lặng lẽ người.
Có người nói bây giờ có sách điện tử rồi, muốn thông tin gì trên mạng cũng có cả thì mua sách để làm gì, vô thư viện để làm gì nữa! Có phải như vậy không?
Nếu để ý chúng ta thấy mấy anh "Tây balô" đi vào xứ mình trên tay luôn có quyển sách. Họ đọc bất kể ở đâu, trong lúc chờ xe chờ tàu, trong nhà ga sân bay, trong quán nước hàng ăn. Chắc họ cũng có máy tính, có điện thoại thông minh mang theo chứ! Họ cần gì thì cũng có thể lên mạng, lướt web để tìm chứ! Nhưng họ vẫn đọc và đọc. Tại sao như vậy?
Mỗi quyển sách là một kho tàng kiến thức, chúng ta không chỉ đọc mà còn học trong đó. Từng trang giấy, từng dòng chữ đều có những giá trị riêng. Chuyện xứ người, chuyện xứ mình. Chuyện xưa tích cũ có ý khuyên răn người đời. Chuyện dự báo tương lai nhân loại sẽ tiến tới đâu. Chuyện chính trị, khoa học, kỹ thuật, văn chương, nghệ thuật. Chuyện kỹ năng làm việc, dạy cách sống, cách làm người. Chuyện trên thiên văn, dưới địa lý đều có trong sách cả.
Ở xứ sở mặt trời mọc có ông Fukuzawa Yukichi suốt đời viết sách để mong góp phần khai hóa cho người dân Nhật. Anh chàng khuyết tật Nick Vujivic còn viết sách để truyền động lực không chỉ cho người không may mắn trong cuộc đời mà cho ngay cả những người lành lặn về thân thể nhưng hình như bị khuyết tật về nghị lực. Sinh thời Bác Hồ là một người ham đọc sách báo và luôn coi trọng sách báo. Nói về tầm quan trọng của việc đọc sách, Bác nhiều lần căn dặn chúng ta: "Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân!".
Chúng ta càng đọc, càng nghiền ngẫm sẽ phát hiện nhiều điều hay, nhiều tri thức bổ ích, nhiều điều mới mẻ, thú vị làm tâm hồn mình thư thái hơn, bớt tẻ nhạt hơn.
Đọc để thấy mình còn quá nhỏ bé trong thiên hạ lắm, để đừng tự biến mình thành "ốc đảo". Đọc để thấy mình còn nhiều điều chưa biết, còn nhiều điều phải học thêm, học mãi. Đọc để suy ngẫm coi vì lý do gì mà người ta phát triển vù vù, còn mình cứ "đủng đa đủng đỉnh". Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng: "Thế giới thay đổi không ngừng, ai không học là lùi". Và đọc sách cũng là một cách học đó thôi.
Có người nói tại không có thời gian! Ô hay, mỗi người đều có 24 tiếng đồng hồ trong một ngày như nhau cả. Chẳng qua là một thói quen. Bớt đi một ít thời gian "tám chuyện", thời gian bù khú, chắc chắn không thiếu thời gian để đọc (và để học).
Một quyển sách để trên bàn làm việc, lúc rảnh rỗi lướt qua vài trang. Một quyển sách để trên đầu giường lại lướt tiếp vài trang nữa trước khi chìm vào giấc ngủ sâu. Đi đâu xa, ngoài quần áo vật dụng cá nhân cũng cho vào túi vài ba quyển sách để trong lúc chờ xe chờ tàu, lúc đợi cơm đợi nước...
Đọc sách giúp ta trang bị đầy đủ cho trí óc, dạy ta suy nghĩ, nghiền ngẫm nhiều vấn đề. Sách sẽ làm cho tâm hồn chúng ta rộng mở hơn, làm cho trí tuệ chúng ta phát triển hơn. Đọc sách còn là cách giải trí, làm cho cuộc sống thêm phong phú và làm giảm nỗi đau của những người bất hạnh. Chắc chắn không ai lại "cằn nhằn" vì sao ai đó cứ đam mê nghiên cứu sách vở trong khi nhiều người khác lại say đắm vào các lễ lạt, hội hè, tiệc tùng hay các trò chơi bài bạc?
Nào hãy cầm quyển sách lên đọc và có điều gì tâm đắc thì chia sẻ với người khác để cùng bình luận, cùng nâng mình lên nhé!
TTO - Làm sao để mỗi nhà, mỗi người đều mong muốn "có tủ sách to hơn tủ lạnh" chứ không chỉ là ước muốn riêng của một người.
Xem thêm: mth.16374757022402202-cod-nel-hcas-mac-yah-oan-naoh-hnim-el-gnourt-ob/nv.ertiout