Mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với hàng trăm sản phẩm làm bằng nhựa. Nhựa không chỉ tồn tại ở dạng vật thể lớn mà còn ở dạng các hạt cực nhỏ được giải phóng từ các sản phẩm lớn, nên chúng ta nuốt phải chúng mà không hề nhận ra - Ảnh: Shutterstock
Có nhiều loại vật liệu nhựa khác nhau dùng để sản xuất ra các vật dụng sinh hoạt, lao động, nhưng chúng đều được tạo thành từ các polyme, là một chất tự nhiên hoặc nhân tạo gồm các phân tử lớn liên kết với nhau.
Cách thức giải phóng vi nhựa và tác hại của chúng với cơ thể là vấn đề được giới khoa học quan tâm trong nhiều năm gần đây. Trong các nghiên cứu mới, giới khoa học đã tìm thấy các hạt cực nhỏ từ những loại nhựa lớn hơn trong đại dương và nhiều môi trường khác. Họ phân loại chúng thành hai nhóm: nhựa vi mô và nhựa nano.
Vi nhựa bao gồm các hạt nhựa có chiều dài dưới 5mm và có thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Nhựa nano nhỏ hơn rất nhiều và hầu hết không thể nhìn thấy bằng kính hiển vi tiêu chuẩn.
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) công bố trên tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, đã nghiên cứu các sản phẩm nhựa quen thuộc với chúng ta như ly/cốc dùng một lần trong các quán cà phê, tiệm đồ ăn nhanh, bình sữa trẻ em, túi trà, tấm lót chống dính khi chiên nướng.
Đặc biệt là ly dùng một lần, thường được phủ bằng một loại màng nhựa mềm dẻo gọi là polyethylene mật độ thấp (LDPE) làm lớp lót phía bên trong. Các loại ly giấy mặc dù có lớp bên ngoài là giấy nhưng bên trong vẫn có lớp lót này để ngăn thấm nước.
Thông qua các phương pháp kỹ thuật phân tách và quét trên kính hiển vi điện tử, nhóm nghiên cứu phát hiện khi lớp lót LDPE khi tiếp xúc với nước ở 100 độ C trong 20 phút sẽ có hàng nghìn tỉ hạt nhựa nano vào nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa chỉ ra được tác hại của việc nuốt các hạt nhựa nano vào cơ thể. "Điều rút ra ở đây là hạt nhựa có mặt ở khắp nơi. Xung quanh chúng ta chứa đầy vi nhựa và nhựa nano. Nhựa nano cực kỳ nhỏ nên có thể xâm nhập vào bên trong tế bào, có thể phá vỡ chức năng của cơ thể người", nhà hóa học Christopher Zangmeister của NIST nói.
Những phát hiện từ nghiên cứu này, kết hợp với những phát hiện từ các loại vật liệu khác đã được phân tích trước đây, sẽ mở ra những hướng nghiên cứu, tìm hiểu về tác hại của vi nhựa và nhựa nano đối với cơ thể trong tương lai.
TTO - Một nghiên cứu vừa công bố cho biết người ta đã lần đầu tiên tìm thấy các hạt vi nhựa trong máu người, và điều này hé lộ khả năng vi nhựa cũng có thể sẽ còn thâm nhập vào các cơ quan nội tạng khác.