vĐồng tin tức tài chính 365

Bí mật cai trị của nhà tù khắc nghiệt nhất hành tinh

2022-04-22 19:08

Năm 1775, lần đầu đặt chân lên đảo, một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã đặt tên cho hòn đảo gồ ghề này là "La Isla de los Alcatraces", nghĩa là Đảo Bồ Nông. Ba phần tư thế kỷ sau, Tổng thống thứ 13 của Mỹ, Millard Fillmore, chuyển giao hòn đảo cho quân đội và nó trở thành nơi có ngọn hải đăng đầu tiên ở Bờ Tây.

Do địa hình biệt lập, cao giống như pháo đài, Alcatraz nhanh chóng được coi là địa điểm an toàn để cất giữ đại bác, đạn dược quân sự và những tên tội phạm nguy hiểm. Ngay từ năm 1861, quân đội sử dụng nơi đây để giam giữ các tù nhân chiến tranh từ Nội chiến. Đến năm 1906, San Francisco và bang California đã sử dụng hòn đảo để giam giữ các tù nhân dân sự.

Năm 1933, Bộ Tư pháp Mỹ mua lại hòn đảo 9 hecta này và chính thức biến nó thành Nhà tù liên bang. Alcatraz dành riêng cho những tù nhân "khó trị" nhất tại các nhà tù liên bang khác. Nó được mệnh danh là "nhà tù cuối cùng" cho những người tồi tệ nhất trong số những người tồi tệ nhất, "không có hy vọng cải tạo" hay "nhà tù khắc nghiệt nhất hành tinh"

Đảo Alcatraz cách vịnh San Francisco chỉ 2km. Ảnh: Britanica

Đảo Alcatraz cách vịnh San Francisco chỉ 2km. Ảnh: Britanica

Alcatraz còn có biệt danh là "The Rock" (khối đá), nằm cách San Francisco chỉ 2 km. Vùng nước bao quanh nó khá băng giá, dao động trong khoảng 4-10 độ C, với các gợn sóng mạnh. Điều này, cùng với song sắt, luật lệ nghiêm ngặt và các tháp canh được bố trí lính vũ trang dày đặc khiến nhà tù trở thành nỗi ám ảnh chết chóc cho tù nhân nào muốn đào tẩu.

Khu giam giữ chính của Alcatraz là tòa nhà bê tông dài 150 m. Năm 1910, khi được xây dựng với kinh phí tương đương 7 triệu USD ngày nay, nó được coi là tòa nhà bê tông dài nhất thế giới vào thời điểm đó.

Alcatraz có 336 phòng giam dài 2,7 m, rộng 1,5 m và cao 2,1 m , mỗi phòng có cũi, chậu và nhà vệ sinh. Vào thời điểm đông nhất, nơi này cũng chỉ có 302 tù nhân, đảm bảo mỗi người một phòng riêng biệt, hạn chế tối đa ẩu đả và móc ngoặc trốn tù.

Bốn quyền dành cho mỗi tù nhân là: quần áo, thực phẩm ba bữa một ngày, chỗ ở và chăm sóc y tế, nha khoa, tâm thần. Các quyền bổ sung dành cho tù nhân có hành vi tốt, bao gồm đi đến thư viện, chơi bóng mềm hoặc bóng chày, đi nhà thờ, nghe đài, xem phim trong khán phòng và chơi cờ vua, cờ caro hoặc cờ domino.

Một lý do khiến các tù nhân muốn được chuyển đến Alcatraz là thức ăn ngon và ăn bao nhiêu tùy ý. Thực đơn từ năm 1946 có trái cây hầm, ngũ cốc, sữa, bánh mì và cà phê cho bữa sáng. Bữa trưa, bữa ăn lớn nhất trong ngày, bao gồm súp và thịt bò, lợn với rau, bánh mì và trà, ngô luộc và bánh táo. Bữa tối cũng có thịt, súp, rau và bánh mì với trái cây, bánh ngọt hoặc thạch hoa quả tráng miệng.

Nhà bếp của nhà tù Alcatraz với thực đơn hàng ngày được thông báo trên bảng. Ảnh: The vintage news

Nhà bếp của nhà tù Alcatraz với thực đơn hàng ngày được thông báo trên bảng. Ảnh: The vintage news

Đây là ý tưởng của người quản giáo đầu tiên, James Aloysius Johnston. Ông cho rằng đồ ăn tồi dẫn đến các tù nhân cáu kỉnh và bạo loạn. Nhưng thứ xa xỉ nhất ở nhà tù khét tiếng nhất này lại là vòi nước nóng. Không một nhà tù nào trên đất Mỹ khi đó cho phạm nhân đặc quyền này, khiến nhiều người ở các nhà tù khác đôi khi còn làm đơn để được giam tại Alcatraz.

Nhưng họ không biết rằng, sự nhân đạo này là một chiến thuật. Ai cũng biết nước biển bao quanh đảo Alcatraz quanh năm lạnh như băng. Việc quen với nước ấm sẽ khiến các ý tưởng đào tẩu giảm bớt. Hoặc kể cả có cố, họ cũng sẽ sớm bị chết cóng vì sốc nhiệt.

Quản giáo James Aloysius cũng nhận ra nhiều người vào tù vì họ không có kỹ năng làm việc lương thiện, vì vậy đề xuất Bộ Tư pháp cho các tù nhân có thể tham gia các khóa học về thư tín do Đại học California cung cấp. Các tù nhân có thể chọn từ 19 khóa học khác nhau, từ Văn học Anh ngữ sơ cấp và Đại số sơ cấp đến Chăn nuôi gia cầm.

Ban quản lý nhà tù cho rằng các tù nhân luôn cần lao động, nếu không, họ sẽ cảm thấy buồn chán và sẽ trở nên hung hãn. Họ có thể giúp nấu ăn và dọn dẹp, bảo trì bến tàu. Nhưng đại đa số làm việc trong một nhà máy lớn trên đảo, sản xuất những thứ như giày, găng tay, thảm cao su, chổi, bàn chải, áo mưa và đồ nội thất, tương tự như các nhà tù ngày nay. Họ cũng giúp sửa chữa các phao được sử dụng trong vịnh, và trong Thế chiến thứ hai, họ đã thực hiện nghĩa vụ yêu nước của mình là làm lưới chở hàng cho Hải quân.

Nhiều lính canh Alcatraz đã chọn sống trên chính hòn đảo này. Giá thuê rẻ, thời gian đi lại ngắn và họ được phép mang theo gia đình. Điều này có nghĩa là trẻ em sống gần gũi với một số tội phạm tồi tệ nhất của đất nước. 100 đứa trẻ lớn lên ở Alcatraz, một số thậm chí còn được sinh ra ở đó. Chúng đã có tuổi thơ chơi bóng chày, thả diều, trượt patin.

Sự khác biệt duy nhất là nếu họ đang ở trên sân chơi và có tiếng chuông báo động, tụi trẻ phải chạy thẳng về nhà và bị cấm sở hữu súng đồ chơi. Chúng thậm chí còn giao lưu với các tù nhân, vẫy tay hoặc nói chuyện với họ khi họ nhặt rác hoặc sửa đường ống nước trong nhà của lính canh. Một người kể rằng cô còn được một vài tên tội phạm két tiếng sửa giày hộ và ký tên lên đó.

Ngoài tất cả những sự dễ chịu này, Alcatraz có một bộ quy tắc đặc biệt nghiêm khắc. Lính canh sẽ điểm danh 13 lần mỗi ngày để ngăn chặn nỗ lực đào tẩu. Tù nhân ban đầu không được nói chuyện, thậm chí lẩm bẩm nói một mình, song đến năm 1950, quy định bị bãi bỏ.

Khi không tuân theo luật lệ, các tù nhân sẽ bị phạt biệt giam tại dãy D, 7-19 ngày. Nhưng tồi tệ nhất là nhốt trong căn phòng nhỏ, được bao bọc bằng thép, không có ánh sáng và không có nhà vệ sinh, không đệm, không có gì ngoài một lỗ nhỏ trên sàn để chứa rác thải. Các tù nhân bị đưa vào đó phải cởi bỏ hết áo quần và chỉ được một bữa mỗi ngày với thức ăn rất nghèo nàn.

Một biện pháp khác là vào ban đêm, khi toàn bộ tù nhân chuẩn bị đi ngủ, các lính canh sẽ dàn hàng trên sân hoặc nóc nhà, bắn liên tiếp vào các hình nộm được bố trí khắp nơi. Họ gọi đây là bài tập bắn cơ bản, nhưng thực chất là để răn đe những ai muốn trốn thoát.

Sau những tràng đạn chói tai ban đêm, sáng dậy, các tù nhân sẽ thấy ngổn ngang hàng trăm hình nộm thủng lỗ chỗ ở đầu, mắt, ngực, nằm chất đống ở sân, thứ họ gọi là "một sự ám ảnh tinh thần". Trong văn hóa đại chúng, Alcatraz đã được liệt kê vào danh sách 5 địa điểm bị cho là "ma ám" hàng đầu ở California. Ngoài ra, nơi đây cũng nổi tiếng vơi các vụ tù nhân tự sát, giết lính canh và giết nhau.

Trong số các tù nhân nổi tiếng nhất Alcatraz phải kể đến ông trùm xã hội đen khét tiếng nhất mọi thời đại, Al Capone, "kẻ thù công khai số một của Mỹ". Lý do khiến anh ông bị đưa đến Alcatraz không phải vì "không thể cải tạo", mà là vì ông ta đã dùng tiền thao túng toàn bộ hệ thống nhà tù bị giam giữ trước đó, Atlanta. Khi đó, Al Capone đã mua chuộc tất cả các lính canh và đổi lại được nhiều đặc quyền, bao gồm cả lượng khách đến thăm liên tục.

Phòng giam sang trọng của Al Capone tại nhà tù Atlanta, nơi ông ta vung tiền để thao túng lính canh. Ảnh: Fine Art America

Phòng giam sang trọng của Al Capone tại nhà tù Atlanta, nơi ông ta vung tiền để thao túng lính canh. Ảnh: Fine Art America

Đến Alcatraz, ông ta chứng nào tật nấy, nhưng đã không thành công mà trái lại, bị phân công nhiều phần việc nặng nhọc. Nhưng khi nghỉ ngơi, ông ta vẫn đủ sức gây hấn và ẩu đả với bạn tù.

Trong thời gian hơn 4 năm thụ án ở Alcatraz, Al Capone van vỉ quản giáo cho phép thành lập một ban nhạc nhỏ, gồm 12 người tên là "The Rock Islanders". Họ luyện tập trong tuần ở tiệm hớt tóc, và đôi khi họ tổ chức các buổi hòa nhạc vào các buổi chiều Chủ nhật.

Al Capone chơi đàn banjo, guitar tenor, mandolin, sau đó đã viết thư tay cho con trai của mình, thích thú khoe đã biết chơi 500 bài hát. Ông ta thậm chí còn sáng tác nhạc của riêng mình, với một bản tình ca mang tên "Madonna Mia," được đăng sau di cảo vào năm 2009. Al Capone ra tù vào tháng 11/1939, sống ở Miami cho đến khi qua đời vào năm 1947 ở tuổi 48 vì bệnh giang mai. Một trong số các bức thư Al Capone viết cho con, sau này được bán đấu giá tới 62.500 USD, năm 2016.

Ai cũng biết Alcatraz là nhà tù an ninh bậc nhất nước Mỹ, nên hầu như tù nhân đều muốn ngoan ngoãn chấp hành án và đi ra ngoài. Trong 29 năm nhà tù vận hành, chỉ có 36 người đàn ông đã tham gia vào 14 lần vượt ngục. Không ai trong số họ thành công. Tuy nhiên, 23 người đã bị bắt quả tang, 6 người đã bị bắn chết trong tại chỗ, và ít nhất 2 người chết đuối và đóng băng ngoài vịnh. Những thi thể khác không bao giờ được tìm thấy.

Nỗ lực trốn thoát khét tiếng nhất, được dựng thành phim Escape from Alcatraz với sự tham gia của Clint Eastwood. Ba tù nhân dùng những dụng cụ đơn giản như thìa, đồng xu, máy khoan điện được chế tạo từ động cơ máy hút bụi bị đánh cắp, đục bỏ lớp bê tông quanh lỗ thông hơi.

Lối thoát hiểm dẫn lên thông qua một quạt thông gió; các tù nhân đã tháo quạt và động cơ, thay thế chúng bằng một cái vỉ thép và để lại một cái trục đủ lớn để tù nhân có thể bước vào. Trên giường của họ, họ đặt những hình nộm bằng giấy, dính tóc được đánh cắp từ tiệm hớt tóc.

Trong nhiều tuần, những kẻ trốn thoát cũng đã chôm 50 chiếc áo mưa, làm một chiếc bè bơm hơi. Tối 11/6/1962, họ trốn thoát qua một lỗ thông hơi trên mái nhà và rời khỏi Alcatraz. Không ai biết họ có sống sót vào bờ hay không.

"Trong 17 năm chúng tôi điều tra vụ việc, không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy ba phạm nhân vẫn sống dù ở Mỹ hay tại nước ngoài", FBI cho hay. Tuy nhiên, Cảnh sát Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra đến bao giờ xác định được các phạm nhân đã chết hoặc đến khi chúng 99 tuổi.

Alcatraz cuối cùng rơi vào tình trạng hư hỏng và xói mòn do nước mặn. Điều này, cùng với chi phí hoạt động, khiến Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy ra lệnh đóng cửa vào tháng 3/1963.

Sau này, Alcatraz đã được mở cửa trở lại như một bảo tàng công cộng, điểm du lịch chính của San Francisco, thu hút khoảng 1,5 triệu du khách hàng năm với giá vé 25-41 USD tuỳ độ tuổi.

Lịch sử ly kỳ của hòn đảo trở thành đề tài cho hàng trăm bộ phim, sách, bài hát và các chương trình truyền hình. Danh tiếng của nó thậm chí vượt ra ngoài nước Mỹ khi vị trí hòn đảo của Tháp Duel trong bộ anime Nhật Bản, Yu-Gi-Oh!, được lấy cảm hứng từ Đảo Alcatraz, và được gọi là "Alcatraz" trong phiên bản tiếng Nhật.

Hải Thư (Theo The Vintage, History, LATimes)

Xem thêm: lmth.1714544-hnit-hnah-tahn-teihgn-cahk-ut-ahn-auc-irt-iac-tam-ib/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bí mật cai trị của nhà tù khắc nghiệt nhất hành tinh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools