Quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc cắt giảm nhập khẩu dầu Nga và có thể đưa ra kế hoạch cho các nước đầu tuần tới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu họ có định cắt đứt nguồn thu cốt lõi của Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.
Nguồn thu từ dầu mỏ được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, những nhà ngoại giao muốn giáng đòn mạnh vào Điện Kremlin bằng cách cấm vận dầu Nga lo ngại rằng EU có thể cân nhắc biện pháp nhẹ nhàng hơn, chịu tác động của các thành viên đang do dự như Đức và Hungary.
Một lệnh cấm dầu Nga toàn diện, ngay lập tức vẫn là điều không thể chấp nhận đối với cường quốc kinh tế Đức. Berlin nói với thành viên khác trong khối rằng họ vẫn sẵn sàng xem xét cắt giảm dầu Nga - ngay cả khi chưa thể từ bỏ nhập khẩu khí đốt - nhưng chỉ trong những điều kiện cụ thể, đang được thảo luận với Ủy ban châu Âu.
"Nhập khẩu dầu sẽ giảm một nửa vào mùa hè và sẽ về 0 vào cuối năm", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết hồi giữa tuần này.
Theo các quan chức và nhà ngoại giao, bất kỳ lệnh cấm vận dầu nào của EU cũng sẽ có phân biệt giữa các loại dầu của Nga và cách chúng được vận chuyển đến EU (bằng tàu chở dầu hay đường ống). Năm 2020, trong 2,8 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày từ Nga sang châu Âu, có 700.000 thùng đến bằng đường ống.
Cũng như lệnh trừng phạt gần đây đối với than đá của Nga, khối này đang thảo luận về các giai đoạn chuyển tiếp để các nước thành viên có thời gian chuẩn bị. Theo các nhà ngoại giao, chi tiết của lệnh cấm có thể được trình bày với các đại sứ EU vào đầu tuần tới.
Khi nói đến các loại dầu khác nhau có thể bị cấm, các nhà máy lọc dầu của EU chủ yếu được thiết lập để lọc loại dầu Urals của Nga. Đây là hỗn hợp dầu nặng khai thác từ các vùng Urals và Volga, trộn với dầu nhẹ hơn từ phía tây Siberia. Nhắm vào mục tiêu đó sẽ có tác động thật sự.
Các sản phẩm thay thế gần nhất cho dầu Urals sẽ là dầu thô nhẹ của Iran và Saudi Arabia. Trong mọi trường hợp, "tất cả nhà máy lọc dầu đều khá linh hoạt và một số thậm chí cực kỳ linh hoạt khi có thể nhận nhiều loại dầu thô khác nhau", ông Alain Mathuren - Giám đốc truyền thông tại FuelsEurope (Hiệp hội các nhà lọc dầu châu Âu) cho biết. Ông tiết lộ thêm rằng nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu có thể có 60 loại dầu thô khác nhau trong bể chứa.
Nhưng theo các chuyên gia, thách thức chính lại là hậu cần. Mua dầu Nga dễ hơn vì chúng đi trực tiếp qua đường ống đến nhiều nhà máy lọc dầu mà không cần tính đến các tuyến đường thủy và sự chậm trễ khi vận chuyển bằng tàu.
Nga cũng xuất khẩu nhiều dầu nhiên liệu nặng và dầu nhờn, chủ yếu được sử dụng để sản xuất dầu diesel. Nguồn cung này tạo ra 10% lượng dầu diesel thành phẩm của EU. Đây là sản phẩm nhạy cảm ít được cân nhắc cấm vận hơn, nhất là trong giai đoạn lái xe cao điểm mùa hè. Nhưng theo một nhà ngoại giao EU, lệnh cấm có quá nhiều ngoại lệ thì cũng không còn gì đáng sợ.
Về cơ bản, đòn trừng phạt dầu mỏ sẽ gây tổn thương cho cả EU và Nga, vì họ phụ thuộc lẫn nhau. Nhóm nghiên cứu Bruegel tính toán rằng Nga cung cấp 3,5 triệu thùng trong 15 triệu thùng nhập khẩu mỗi ngày của EU năm ngoái.
Họ cũng lưu ý rằng EU và Anh đã trả cho Nga tổng cộng 88 tỷ euro cho những mặt hàng nhập khẩu đó. Tuy nhiên, không chỉ EU chịu thiệt khi ngừng mua dầu Nga. Chính quyền ông Putin cũng phụ thuộc vào châu Âu để bán gần một nửa lượng dầu xuất khẩu và việc đa dạng hóa khách hàng sẽ không dễ dàng.
"Một lệnh cấm nhập khẩu dầu tất nhiên có ảnh hưởng đáng kể", David Mühlemann - Chuyên gia hàng hóa của Public Eye, một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ, đánh giá. "Đó là thị trường khổng lồ và không thể thay thế trong một sớm một chiều", ông nói thêm. Nguyên nhân là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng ở cả Nga và các nước khách hàng để giao dịch lượng dầu lớn hơn.
Các động thái quân sự mới nhất của Nga ở miền đông Ukraine đang làm tăng áp lực hành động. Dẫu vậy, Brussels vẫn muốn chưa bàn sâu về lệnh cấm vận dầu mỏ, một phần vì giá nhiên liệu đang là chủ đề nóng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đang dẫn trước Tổng thống Emmanuel Macron.
Ủy ban châu Âu đã trao đổi với các nước EU để đưa ra một đề xuất có thể chấp nhận được về mặt chính trị cho tất cả 27 thành viên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó hồi đầu tuần nhấn mạnh một lần nữa rằng Budapest sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với dầu khí của Nga. Ông cho hay, mối quan tâm của Hungary là kinh tế chứ không phải chính trị.
Trong khi Đức và Hungary lên tiếng mạnh mẽ nhất về việc phản đối việc cấm dầu khí của Nga, một nhóm quốc gia khác bao gồm Áo, Czech, Slovakia và Bulgaria cũng lo ngại khả năng suy thoái kinh tế nếu tăng trừng phạt Nga.
"Câu hỏi đặt ra là: Nếu chúng ta cấm dầu, nó sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến nền kinh tế Nga hay EU? Nga đang bán dầu cho các nước khác và sẽ kiếm được tiền theo cách đó", một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Âu cho biết.
Với những giằng co này, thời điểm EU thực sự ký vào một gói trừng phạt mới cũng đang bị bỏ ngỏ. "Điều này sẽ không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Đó là lý do bây giờ là thời điểm chín muồi để ngồi xuống và tìm hiểu chi tiết, đặc biệt là nếu bạn thấy tình hình Ukraine đang xấu đi", một nhà ngoại giao cấp cao của EU nhận định.
Phiên An (theo Politico)