vĐồng tin tức tài chính 365

TP.HCM 'xoay trục', phát triển hướng ra sông Sài Gòn

2022-04-23 07:40
TP.HCM xoay trục, phát triển hướng ra sông Sài Gòn - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng việc hạn chế bêtông hóa, xây nhà cao tầng ở hai bên bờ sông Sài Gòn sẽ đánh thức tiềm năng của dòng sông - kho báu của cư dân TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

"Quá trình phát triển TP, chúng ta đối xử với sông Sài Gòn không như những gì mà chúng ta mong đợi. Cách đây 2 năm, lãnh đạo TP đã nhìn ra được và đã xoay trục, chuyển hướng phát triển TP về phía sông Sài Gòn", ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, phát biểu như vậy tại hội thảo "Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn" do Sở Quy hoạch kiến trúc và báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 22-4.

Sông Sài Gòn có 80km chảy qua TP.HCM với diện tích hành lang sông khoảng 800ha, bằng diện tích quận 1. Nếu dành 800ha này cho cộng đồng, người dân, TP.HCM sẽ tự hào có một công viên rộng lớn chạy từ thượng nguồn đến hạ lưu.

KTS Hồ Viết Vinh

Đô thị không "quay lưng" với dòng sông

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM, thiên nhiên ưu đãi cho TP.HCM khi sông Sài Gòn uốn lượn chảy qua TP.HCM tạo thành những vùng đất "cục u" rất đẹp như Thanh Đa, Thủ Thiêm. TP phát triển cần tìm ra giải pháp để thích nghi với dòng sông, biến nó thành di sản để không những đem lại thế mạnh cho hôm nay mà còn để lại cho con cháu mai sau.

KTS Hồ Viết Vinh (ĐH Kiến trúc TP.HCM) cảnh báo: nếu cứ đối xử với sông Sài Gòn như hôm nay thì đến 1/4 thế kỷ nữa không ai dám tiếp cận dòng sông. Sông Sài Gòn là trục bố cục chính của TP.HCM tạo ra một cấu trúc đô thị lý tưởng. Việc TP đã chuyển hướng phát triển về phía sông là một tín hiệu mừng. 

Nhưng nếu mọi người dân ý thức được dòng sông là linh hồn của đô thị, là di sản của tự nhiên ban tặng, ai cũng có ý thức bảo vệ thì dòng sông mới tránh khỏi nguy hiểm.

Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, tổng giám đốc Công ty enCity, cũng đề xuất TP.HCM nên dành không gian cho nước, cả ở khu vực sông Sài Gòn và cả những hồ cảnh quan trong nội địa, làm cho mặt nước trở thành bản sắc của TP. Về bố trí không gian, ông Dũng cho rằng cần tạo ra dải đô thị mật độ cao để dành ra nhiều không gian công cộng ven các dòng sông...

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, giám khảo cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn, cho rằng đã đến lúc TP phải đưa ra phương châm, hay có thể gọi là triết lý chúng ta là một thành phố cảng, thành phố sông biển, phát triển dựa trên thế mạnh sông nước, và vì vậy ông đề xuất logo của TP.HCM hiện tại nên có hình ảnh sông biển.

Để sông Sài Gòn "đẻ ra tiền"

Thảo luận vấn đề về quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cảnh báo muốn phát triển và giữ được bản sắc thiên nhiên, di sản sông Sài Gòn, phải quan tâm đến việc liên kết vùng. Bởi sông Sài Gòn không chỉ riêng của TP.HCM mà còn chảy qua nhiều địa phương khác. Thế nhưng đến nay chưa có hội đồng điều phối hay quản lý sông nên nó bị tổn thương.

Thượng nguồn sông Sài Gòn có 47 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, hay riêng trên đoạn 80km chảy trong địa phận TP.HCM có đến 56 điểm lấn chiếm ra sông Sài Gòn, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển đồng bộ toàn tuyến sông. 

Ông Hòa khẳng định: "Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông kinh tế, mang lại tiền cho TP.HCM như sông Chao Phraya (Bangkok, Thái Lan) nếu biết kết nối với các tỉnh bạn".

KTS Hồ Viết Vinh chỉ ra diện tích đất mặt tiền bờ sông là một tài sản rất lớn. Ông cảnh báo thực trạng bêtông hóa, xây nhà cao tầng ở hai bên sông hiện tại: Nếu TP tiếp tục cho phát triển tự do hạ tầng bên ngoài, nửa thế kỷ nữa sẽ không còn gì phát triển và bên trong trở thành vùng lõm. 

Quá trình đô thị hóa, nhà cao tầng sẽ làm mất hoàn toàn dòng sông. Ngược lại, việc hạn chế bêtông hóa, xây nhà cao tầng ở bờ sông sẽ đánh thức phía bên trong phát triển.

KTS Huỳnh Xuân Thụ, Sở Quy hoạch - kiến trúc, nhận định sông Sài Gòn hiện nay đang chịu nhiều sức ép từ biến đổi khí hậu, đô thị hóa, sức ép của cơ chế thị trường và cả nguồn lực hạn chế của cả khối tư nhân và Nhà nước trong việc đầu tư và phát triển hai bên sông. 

Tuy nhiên, dòng sông Sài Gòn và con người TP.HCM hiện còn rất nhiều tiềm năng, cụ thể là các dải đất dọc sông còn hoang sơ, các kho tàng bến bãi vẫn còn cơ hội cải tạo, xây dựng lại, con người và doanh nghiệp TP.HCM thì nhiều ý tưởng, dám làm, dám dấn thân... 

Vì vậy, TP làm sao để khai thác những tiềm năng này để phát triển bền vững ở ba hướng là khai thác giá trị di sản, văn hóa và xã hội, khai thác tiềm năng, lợi ích kinh tế, tham gia bảo vệ môi trường.

Ông Huỳnh Xuân Thụ đưa ra những kiến nghị cụ thể như TP xây dựng chương trình hành động bảo vệ và phát triển dòng sông Sài Gòn bền vững. "Nhà nước cần sớm có những dự án cụ thể, nhỏ thôi, có tính chất thí điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng những điểm thành công và thúc đẩy các thành phần xã hội cùng tham gia phát triển".

TS Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - kiến trúc) - cũng khẳng định xem doanh nghiệp và người dân là một đối tác rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế dịch vụ ven sông.

Phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn

Ông Nguyễn Thanh Nhã (giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc):

Đề xuất lập quy hoạch mới, thêm nhiều không gian cho cộng đồng

Xuất phát từ quy hoạch, Sở Quy hoạch - kiến trúc đề xuất TP tổng rà soát quy hoạch sông Sài Gòn từ Củ Chi đến Mũi Đèn Đỏ. Trong đó, chúng tôi tập trung rà soát những khu vực đã có quy hoạch, phát hiện khu vực nào phát triển chưa phù hợp với những chính sách, chiến lược hiện nay để đề ra những giải pháp cụ thể. Những khu đã phát triển rồi sẽ có những quy chế, quy định để tránh tình trạng xâm lấn sông trầm trọng thêm và bảo tồn, bảo quản được giá trị của sông. Bên cạnh đó, sở cũng đề xuất lập quy hoạch mới phát huy thế mạnh tiềm năng sông.

hoi thao song SG image0 1(Read-Only)

Nhà báo Lê Xuân Trung (phải) - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - trao tặng kỷ yếu gồm hơn 40 bài dự thi cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn do báo Tuổi Trẻ tổ chức cho tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Về cảnh quan, chúng tôi chuyển hướng xem sông Sài Gòn như mặt tiền của TP. Những chức năng, những khu vực quan trọng sẽ được định hướng sử dụng không gian cho cộng đồng nhiều hơn, hạn chế những dự án không mang nhiều ý nghĩa cho cộng đồng. Bên cạnh đó, sở cũng đề xuất TP những cơ chế chính sách để tạo nguồn vốn phát triển sông Sài Gòn cũng như mở ra những điều kiện tham gia đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Về nguồn lực để phát triển hai bên sông, cần những cơ chế đặc thù, dành riêng cho phát triển không gian dọc bờ sông. Ví dụ như áp dụng cơ chế quản lý tuyến hành lang ven sông để có những điều chỉnh thích hợp, có thể tạo thêm được những không gian, quỹ đất để phát triển thêm.

Các bài dự thi và tham luận tại hội thảo hôm nay rất tâm huyết, chúng tôi sẽ chắt lọc để giới thiệu đưa vào bàn thảo trong phương án điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới. Khi lập đồ án, chúng tôi có thể mời từng tác giả, từng nhóm để khai thác thêm, triển khai thêm từ những ý tưởng sơ khởi này, sẽ gợi mở để họ phát triển thêm...

Ông Nguyễn Xuân Anh (giám đốc Công ty Thuyền Sài Gòn):

Quy hoạch bến bãi để khai thác lợi thế dòng sông

Ai nói rằng dòng sông Sài Gòn không phải dòng sông kinh tế, tôi cho rằng không đúng. Chí ít, hiện nay dân TP vẫn đang uống nước sông Sài Gòn và TP thu gom tiền mỗi tháng. Như vậy, vấn đề là bàn cách thu thêm từ lợi thế và tiềm năng sông Sài Gòn. Phải tìm cách hiểu biết nó, yêu nó và khai thác đúng giá trị dòng sông. Trong làm du lịch có câu "đừng làm gì cả, đó là đầu tư lớn nhất". Trên sông Sài Gòn, có những đoạn đừng làm gì cả, giữ nguyên vẻ hoang sơ thiên nhiên, đó chính là đầu tư lớn nhất. Còn những đoạn đầu tư phải quy hoạch, tính toán cơ chế, chính sách nhằm huy động doanh nghiệp cùng vào tổ chức, khai thác dịch vụ, thương mại... của dòng sông. Trong đó điều tiên quyết, muốn khai thác giá trị sông phải có quy hoạch bến bãi hợp lý.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ (trưởng khoa văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Tăng cường liên kết vùng

Có thể nói hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn là những dòng sông mang giá trị văn hóa, cái nôi của cả vùng văn hóa Nam Bộ. Tuy nhiên, vừa qua, cùng sinh viên khảo sát hai hệ thống này, có nhiều thứ khiến chúng tôi rất buồn. Từ chuyện ô nhiễm rác, bờ sông bị lấn chiếm, cho đến việc không có cách nào để chúng tôi tiếp cận những di sản ven theo dòng sông do dọc sông không có bến để lên bờ.

Nói vậy để thấy muốn khai thác giá trị, tiềm năng dòng sông cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng như bến bãi, bến tàu, các mô hình phục vụ dịch vụ truyền thống và hiện đại để đáp ứng nhu cầu rất đa dạng của người dân và du khách. Mặt khác, phải tăng liên kết vùng trong việc phát triển lợi thế các dòng sông. Không thể để việc phát triển giá trị sông Sài Gòn đơn độc, mà phải gắn liền với sông Đồng Nai, thậm chí sông Vàm Cỏ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (tổng giám đốc Đại Phúc Land):

Chờ đợi một diện mạo khác

Là doanh nghiệp đang phát triển một dự án đô thị ven sông Sài Gòn, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến chuyên gia cho rằng quy hoạch phải phát triển hai bờ sông Sài Gòn phải làm sao phát huy được toàn bộ giá trị từ bờ sông, tới lõi phía trong và đảm bảo hài hòa về mặt tiện ích. Chúng tôi mong hội thảo sẽ là sự khởi điểm tốt đẹp và mong chờ những kế hoạch cụ thể để hy vọng tầm 5 năm, 10 năm nữa sẽ được ngắm diện mạo sông Sài Gòn khác hẳn so với ngày hôm nay.

Công bố giải Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Truyền cảm hứng và tình yêu với dòng sôngCông bố giải Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Truyền cảm hứng và tình yêu với dòng sông

TTO - Giải nhất cá nhân thuộc về Trần Minh Thi với bài 'Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ'. Giải nhì tập thể thuộc về nhóm Librazzi với bài viết 'Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị'.


Xem thêm: mth.94284242222402202-nog-ias-gnos-ar-gnouh-neirt-tahp-curt-yaox-mchpt/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“TP.HCM 'xoay trục', phát triển hướng ra sông Sài Gòn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools