Phan Duy Anh (trái) trong một tiết học nhóm tại Trường THPT Lê Quý Đôn - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PHAN DUY ANH bày tỏ: "Học sinh bây giờ không chỉ thu nạp kiến thức từ một kênh duy nhất là lời giảng của giáo viên và sách giáo khoa, mà còn có nhiều kênh để xem, nghe, đọc".
* Có phải vì bạn là học sinh giỏi môn sử nên bạn lập luận rất hùng hồn về việc cần phải đưa môn sử thành môn bắt buộc trong chương trình học lớp 10? (Duy Anh vừa đoạt giải ba môn sử tại kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố 2022 - PV)?
- Không hẳn. Mình nhận ra trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, người trẻ cần phải hiểu biết về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, chứ bản thân mình cũng không thích môn lịch sử trong nhà trường phổ thông. Giai đoạn từ lớp 4 đến lớp 6, mình còn rất sợ môn học này. Các bài học đa số đều khô khan, dài lê thê.
Ngán nhất là mỗi đợt kiểm tra, có bữa mình thức đến 23h chỉ để gạo bài môn sử. Rồi hôm sau khi vào lớp thì cố gắng viết thật nhiều chữ nhất có thể. Nhưng sau khi nộp bài kiểm tra xong là quên hết, trong đầu không đọng lại được tí gì.
Đến lớp 7, điểm môn sử của mình cao gần như tuyệt đối. Và mình nhận ra: à, nó có thể "gánh" điểm cho những môn khác. Vì thế, thay vì ghét môn sử như trước đây, mình có thiện cảm hơn với nó. Nhưng chỉ là thiện cảm thôi, trong thâm tâm mình vẫn rất ngán học thuộc lòng.
Tình trạng này kéo dài đến năm lớp 9, mình tiếp xúc với một game có liên quan đến Chiến tranh thế giới thứ hai. Những nhân vật trong game kích thích mình phải tìm hiểu thêm, phải đọc thêm.
Rồi không chỉ Thế chiến thứ hai mà Thế chiến thứ nhất, rồi không chỉ một mặt trận mà nhiều mặt trận... Mình tự tìm tòi, nghiên cứu một cách mê say đến mức chỉ cần nhìn hình ảnh một tàu chiến là mình có thể biết được nó của nước nào, có vũ khí ra sao, ai sản xuất...
Rồi không chỉ dừng lại ở lịch sử thế giới, khi thấy trên kệ sách trong nhà có cuốn Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim, mình đọc ngấu nghiến rồi tìm hiểu thêm trên mạng. Ồ, lịch sử rất hấp dẫn chứ không nhàm chán như trong sách giáo khoa.
Mình không những tự học, tự đọc thêm sách, truyện mà còn tìm các clip, phim tài liệu, phim truyện có liên quan đến lịch sử để xem.
* Bạn không thích môn sử nhưng tại sao lại đi thi học sinh giỏi môn sử?
- Mình nghĩ mình có chút hiểu biết về lịch sử, đi thi là cơ hội để thể hiện bản thân. Xin bật mí một điều: trường mình cho đội tuyển sử 6 ngày để ôn thi tập trung thì đến ngày thứ 6 mình định bỏ cuộc. Nguyên nhân là vì cứ phải học thuộc lòng, "nhai" đi "nhai" lại các bài, thật đáng sợ.
Nhưng cũng cần nói thêm năm lớp 12 này mình đã rất may mắn khi gặp cô Tăng Thị Như Hoa. Cô có cách giảng bài tươi mới, thu hút học sinh, cách cô cho học sinh làm bài trên Google form cũng rất ấn tượng và không nhàm chán. Thế nên, nhìn nhận của mình đối với môn sử trong trường phổ thông đã cải thiện rất nhiều.
* Bạn sắp tốt nghiệp THPT, hướng tương lai của bạn là...
- Mình sẽ dự tuyển vào ngành ngôn ngữ Nhật, vì hiện tại mình đang học lớp tiếng Nhật (ngoại ngữ 1 là tiếng Nhật - PV). Thật ra, ước mơ số 1 của mình là trở thành thầy giáo dạy lịch sử. Nhưng với đồng lương giáo viên như hiện tại, mình sợ sau này sẽ trở thành một ông thầy suốt ngày cau có, nhăn nhó, quên mất lý tưởng nghề nghiệp vì áp lực cơm, áo, gạo, tiền.
Suy đi nghĩ lại, mình chọn thực hiện ước mơ thứ hai trước. Mình kỳ vọng sẽ xây dựng được một cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình vững vàng. Khi ấy, thực hiện ước mơ thứ nhất cũng chưa muộn.
Đam mê, tìm tòi
Ở lớp 12D5, Duy Anh không chỉ là một học sinh giỏi, mà riêng với những vấn đề về lịch sử, em đam mê tìm tòi, đọc rất nhiều sách, xem rất nhiều phim tư liệu trên mạng... Tuy nhiên, điểm số của em trong các bài ôn thi trắc nghiệm không cao. Có lẽ do những vấn đề mà em quan tâm có sự "lệch pha" với nội dung chương trình môn lịch sử lớp 12.
Riêng về chuyện học sinh thích sử nhưng không chọn sử để học tiếp ở bậc đại học thì tôi đã gặp khá nhiều chứ không chỉ trường hợp em Duy Anh. Đại học là sự lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai nên không phải ai cũng có đủ can đảm để hy sinh cho sự đam mê. Nhiều em không chọn sử vì các em biết rằng nếu theo ngành này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn...
Cô TĂNG THỊ NHƯ HOA
(giáo viên môn sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM)
Mình ước...
Mình ước ngày càng có nhiều học sinh nhận ra lịch sử là môn học thú vị và bổ ích.
Muốn như vậy mình phải ước thêm nữa. Mình ước học sinh không phải học thuộc lòng để đi thi, để làm bài kiểm tra môn sử.
Mình ước đề thi môn sử sẽ là đề tự luận với những câu hỏi mở, tạo "đất" cho học sinh bày tỏ quan điểm, sự sáng tạo, sự hiểu biết của bản thân về một vấn đề nào đó chứ không phải học như con vẹt theo quan điểm của người lớn.
Mình ước chương trình môn sử ở bậc phổ thông cần tiết chế lại, chỉ cung cấp những vấn đề phù hợp với lứa tuổi học sinh chứ đừng quá ôm đồm, bắt học sinh phải biết thật nhiều.
Học sinh PHAN DUY ANH
TTO - Cách dạy hiện nay đã khiến nhiều học sinh học môn lịch sử với tâm thế đối phó. Tình trạng học sinh không ham học môn lịch sử đã được nhắc tới nhiều, song đến nay thực tế này vẫn chưa có nhiều thay đổi.