Thủ tướng Solomon Islands Manasseh Sogavare (ngoài cùng bên trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (không có trong hình) tại Trung Quốc năm 2019 - Ảnh: REUTERS
Phái đoàn Mỹ cũng bày tỏ lo ngại với Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare về thỏa thuận an ninh vừa được ký kết giữa Solomon với Trung Quốc, theo báo South China Morning Post.
Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới thủ đô Honiara, Solomon sau khi Trung Quốc xác nhận đã ký thỏa thuận an ninh với Solomon trong tuần này.
"Phái đoàn lưu ý rằng nếu có các bước được triển khai nhằm thiết lập hiện diện quân sự thường trực, khả năng phô diễn sức mạnh, hoặc bố trí quân sự trên thực tế, Mỹ sẽ bày tỏ quan ngại nghiêm túc và đáp trả tương xứng", phái đoàn Mỹ cho biết.
"Mỹ nhấn mạnh rằng nước này sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến với sự tham vấn cùng các đối tác trong khu vực", phái đoàn Mỹ nói thêm.
Trong tuyên bố ngày 22-4, theo Hãng tin Reuters, phái đoàn cho biết họ đã vạch ra các bước cụ thể mà Mỹ sẽ thực hiện để thúc đẩy phúc lợi cho người dân Solomon, bao gồm việc mở đại sứ quán tại quốc đảo, tăng cường hợp tác và hỗ trợ y tế.
Washington cũng cam kết sẽ gửi thêm vắc xin COVID-19, cũng như thúc đẩy các sáng kiến về sức khỏe và khí hậu.
Phái đoàn Mỹ cho biết họ và Solomon đã có "cuộc thảo luận đáng kể" về thỏa thuận an ninh mà quốc đảo này ký kết với Trung Quốc. Phía Mỹ lưu ý thỏa thuận nói trên có tác động tiềm ẩn đối với an ninh khu vực, bao gồm đối với Mỹ và các đối tác.
Trong khi đó, Thủ tướng Sogavare trấn an phái đoàn Mỹ rằng thỏa thuận an ninh giữa Solomon và Trung Quốc không bao gồm thiết lập căn cứ quân sự hay hiện diện quân sự dài hạn.
Trước đó, ngày 19-4, Trung Quốc xác nhận nước này và Solomon đã chính thức ký thỏa thuận khung về hợp tác an ninh. Bắc Kinh khẳng định thỏa thuận giữa hai nước là minh bạch và không nhằm vào bất cứ bên thứ ba nào.
TTO - Thủ tướng Solomon xác nhận nước này đã ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, nhưng từ chối nói khi nào thỏa thuận sẽ được công bố. Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand cùng lo ngại về thỏa thuận này.