Bà Phương Hằng bị nhiều người tố cáo - Ảnh: T.M.
2 cơ quan xử lý nhiều đơn khác nhau
Theo luật sư Đặng Thị Hoài Giang (Đoàn luật sư TP.HCM), khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự ban đầu mà cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự để xác định có hay không các dấu hiệu của tội phạm.
Như vậy khi tiếp nhận nguồn tin tố giác về tội phạm, Công an điều tra tỉnh Bình Dương có trách nhiệm xác định đơn tố giác đó có hay không có dấu hiệu tội phạm. Khi xác định có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án. Nếu xác định không có dấu hiệu tội phạm hoặc có các căn cứ khác theo quy định của pháp luật thì ra quyết định không khởi tố vụ án.
Đây là thủ tục bắt buộc nên việc khởi tố của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương được hiểu là xét đơn tố giác tội phạm của những người tố giác bà Hằng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan, Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương nhận thấy có dấu hiệu tội phạm nên đã khởi tố vụ án.
Một vấn đề đặt ra là việc Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án trong khi Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phương Hằng thì có trùng thẩm quyền hay không?
Cũng theo luật sư Giang, một sự việc không thể có nhiều nơi cùng tiếp nhận. Ở đây, có nhiều người tố giác bà Hằng. Cơ quan nào thụ lý đơn tố giác thì cơ quan đó sẽ ra các quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Hiện nay có 2 cơ quan đang giải quyết các đơn tố giác tội phạm liên quan đến bà Phương Hằng là Công an TP.HCM và Công an tỉnh Bình Dương. Công an TP.HCM thụ lý và khởi tố vụ án, khởi tố bị can dựa trên căn cứ đơn tố giác của ca sĩ Vy Oanh và một số cá nhân.
Còn Công an tỉnh Bình Dương thụ lý đơn tố giác bà Hằng của 6 người là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển và bà Đinh Thị Lan. Nên việc Công an tỉnh Bình Dương ban hành quyết định khởi tố vụ án không gọi là trùng với Công an TP.HCM.
Có thể nhập vụ án ở nhiều giai đoạn
Về khả năng có phối hợp với Công an TP.HCM nhập vụ án để điều tra hay không, trả lời Tuổi Trẻ Online, đại tá Trần Văn Chính - phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương - cho biết hiện việc điều tra của Công an Bình Dương và Công an TP.HCM độc lập nhau.
Tuy nhiên, sau này có thể gộp vụ án để một nơi xử lý hay không thì cơ quan điều tra sẽ xem xét trong quá trình làm rõ vụ án.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về việc nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra quy định cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: bị can phạm nhiều tội; bị can phạm tội nhiều lần; nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
Để giúp hoạt động điều tra được kịp thời, nhanh chóng, cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án hình sự. Việc nhập vụ án có thể tiến hành trong giai đoạn điều tra lẫn giai đoạn truy tố.
TTO - Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố vụ án với cùng tội danh để làm rõ đơn tố cáo của một số cá nhân đối với bà Hằng.
Xem thêm: mth.6030610132402202-gnohk-no-oc-ot-iohk-gnuc-nauq-oc-iah-gnah-gnouhp-ab-uv/nv.ertiout