Trung tâm Vận động Thanh niên và Môi trường (YEAC), một tổ chức phi chính phủ ở Nigeria , cho biết địa điểm phát nổ là một cơ sở lọc dầu bất hợp pháp trong đêm 22-4. Theo ông Opiah, chính quyền bang Imo tuyên bố truy nã Okenze Onyewoke - chủ sở hữu nhà máy lọc dầu này - và điều tra nguyên nhân vụ nổ.
Tờ Daily Post (Nigeria) dẫn lời ông Goodluck Opiah, quan chức bang Imo phụ trách tài nguyên dầu mỏ, ngày 23-4 cho biết: "Đám cháy bùng phát tại một cơ sở tích trữ dầu trái phép khiến hơn 100 nạn nhân thiệt mạng, trong đó một số trường hợp không thể nhận diện được nữa".
Ông Opiah nói với tờ Daily Post: "Hiện tại, tôi không thể thực sự xác nhận số người đã chết vì ngoài người thân của mình, nhiều thành viên trong gia đình đã đem thi thể của rất nhiều nạn nhân khác đi".
Hiện trường vụ cháy trạm lọc dầu chui sáng 23-4. Ảnh: Daily Post
Ông Michael Abattam, người phát ngôn của cảnh sát bang Imo, cho biết những người thiệt mạng đều là những người khai thác dầu bất hợp pháp và còn rất trẻ. Khoảng 150 người bị thương với nhiều mức độ bỏng khác nhau.
Theo báo Punch có trụ sở tại Lagos, đám cháy được ghi nhận đã lan sang các tài sản lân cận. Nhiều video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một cảnh tượng khủng khiếp nhưng hãng AP chưa thể chứng thực.
Trung tâm Vận động thanh niên và môi trường (YEAC) Nigeria tiết lộ một số xe xếp hàng chờ mua nhiên liệu trái phép cũng đã bị cháy trong vụ nổ.
Theo kênh RT, lọc dầu bất hợp pháp là một vấn đề dai dẳng tại Nigeria, một đất nước bị ảnh hưởng nặng nề trước nạn nghèo đói và thất nghiệp. Tình trạng này Nigeria khiến việc lọc dầu thô trái phép trở thành ngành kinh doanh hấp dẫn nhưng để lại hậu quả chết người.
Nigeria mất trung bình 200.000 thùng dầu mỗi ngày vì tình trạng ăn cắp dầu thô hoặc các đường ống bị hư hại Ảnh: Reuters
Các quan chức chính phủ nước này ước tính Nigeria, quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi, mất trung bình 200.000 thùng dầu mỗi ngày (chiếm hơn 10% sản lượng) vì tình trạng ăn cắp dầu thô hoặc các đường ống bị hư hại.
Các cơ sở lọc dầu chui thường rút dầu thô từ đường ống của các công ty lớn và dùng bồn chứa tự chế để sản xuất nhiên liệu trái phép. Quá trình này sử dụng nhiều hóa chất độc hại, dễ dẫn đến tai nạn chết người và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bang Imo cùng một số bang lận cận như Rivers và Bayesla là một trong những nơi các nhà máy lọc dầu trái phép phát triển mạnh.
Hoạt động kinh doanh dầu thô từ những khu vực này chiếm từ 7% đến 10% GDP của cả nước, song lại gây ra nhiều thiệt hại thảm khốc cho hệ sinh thái của vùng đồng bằng Nigeria và người dân địa phương, có thể phải đợi thêm hàng chục năm mới có thể phục hồi lại được.
Xem thêm: nhc.17171648042402202-tehc-iougn-001-noh-pehp-iart-uad-ohk-o-cohk-maht-on-airegin/nv.fefac