Nhờ quản lý xe công tập trung, mỗi năm Cà Mau tiết kiệm được khoảng 17 tỉ đồng - Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Bộ Tài chính đã cho ý kiến ban đầu về việc này.
Có tỉnh thừa hàng trăm xe công, cho mượn sai quy định
Kết quả kiểm toán việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản năm 2020, được Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội vào tháng 7-2021 cho thấy một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn sử dụng xe vượt định mức quy định.
Số xe sử dụng vượt định mức của các bộ, cơ quan ngang bộ như sau: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 167 xe (gồm 69 xe đủ điều kiện thanh lý), Ủy ban Dân tộc 10 xe, Bộ Nội vụ 15 xe, Tòa án nhân dân tối cao 14 xe, Bộ Xây dựng 26 xe, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn 77 xe, Bộ Y tế 22 xe, Bộ Giáo dục và đào tạo thừa 22 xe phục vụ công tác chung nhưng thiếu 22 xe theo tiêu chuẩn, định mức quy định, Tổng cục Thể dục thể thao 9 xe, Tổng cục Hải quan dôi dư 43 xe, Tổng cục Thuế 10 xe.
Không chỉ tại các bộ, ngành, một loạt địa phương sau kiểm toán cũng thừa ra hàng trăm xe công, trong đó tỉnh Bắc Ninh thừa 10 xe, tỉnh Quảng Bình thừa 174 xe dùng chung và 58 xe chuyên dùng, tỉnh Thanh Hóa thừa 8 xe, tỉnh Phú Yên thừa 4 xe, trong khi thành phố Đà Nẵng hầu hết các đơn vị cấp 1 đều dôi dư xe công, số lượng xe thừa là 152 xe.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều đơn vị chưa hoàn thành việc xử lý, sắp xếp lại xe công theo quy định như các bộ Giao thông vận tải, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Tòa án nhân dân tối cao, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Một số địa phương có số lượng xe công dôi dư nhiều nhưng chưa ban hành phương án sắp xếp, xử lý như: Bà Rịa - Vũng Tàu 71 xe, Tiền Giang 74 xe, Quảng Ngãi 90 xe... Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình đã báo cáo Bộ Tài chính về hình thức xử lý 232 xe dư thừa, tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa có văn bản trả lời địa phương về phương án xử lý.
Nghị định 04 năm 2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe, quy định 4 loại xe công, gồm: xe phục vụ công tác các chức danh; xe phục vụ công tác chung; xe chuyên dùng và xe phục vụ lễ tân nhà nước.
Việc sử dụng xe công hiện nay theo Kiểm toán Nhà nước còn nhiều bất cập, nhiều nơi, cơ quan, đơn vị trang bị xe không phù hợp với quy định. Trong đó, tỉnh Tiền Giang mua xe chuyên dùng giao cho các đoạn quản lý giao thông quản lý là chưa đúng quy định vì đây là các đơn vị sự nghiệp đã được tỉnh giao thực hiện cơ chế tự chủ, tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư từ năm 2017.
Hay tại tỉnh Phú Yên, Văn phòng Tỉnh ủy cho mượn 1 ôtô và tạm mượn 1 ôtô, Văn phòng UBND tỉnh tạm mượn 3 xe và cho mượn 1 xe không đúng quy định về quản lý, sử dụng xe công.
Xe công chở lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.HCM tham dự một cuộc họp do HĐND TP.HCM tổ chức - Ảnh: TỰ TRUNG
23 địa phương đề xuất mua thêm 620 xe công
Trong khi đó, mới đây 23 địa phương đã đề xuất Thủ tướng cho mua thêm tới 620 xe công. Theo đề xuất của các địa phương thì đây là loạt xe công chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, xe có kết cấu đặc biệt, xe tải, bán tải, xe trên 16 chỗ ngồi và xe chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù.
Trong 23 địa phương đang đề xuất mua thêm xe công, nhóm 5 địa phương đề xuất mua nhiều xe nhất là thành phố Hà Nội 97 xe, Bình Thuận 83 xe, Nghệ An 65 xe, Hải Dương 57 xe, Bình Định 52 xe. Tính trung bình mỗi địa phương đề xuất mua thêm 27 xe công chuyên dùng.
Về mức giá đề xuất mua xe công của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính cho biết giá đề xuất mua xe công tùy theo loại, trung bình từ 371 triệu đến 4,5 tỉ đồng/xe. Chủng loại của 620 xe công đang được các địa phương đề xuất mua chủ yếu là xe 5 chỗ ngồi, từ 7 - 8 chỗ ngồi hoặc 10 - 16 chỗ ngồi.
Mục đích của các xe công chuyên dùng, theo Bộ Tài chính, hầu hết các xe chuyên dùng mua mới được sử dụng cho các mục đích như: phục vụ an ninh, chính trị khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa; phục vụ đối ngoại, đón khách quốc tế đến địa phương làm việc; phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, kiểm soát dịch bệnh; chống buôn lậu, gian lận thương mại; phục vụ đoàn giám sát, tiếp xúc cử tri.
Để đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, Bộ Tài chính đề xuất: với khối văn phòng cấp tỉnh (gồm văn phòng tỉnh ủy, văn phòng HĐND tỉnh, văn phòng UBND tỉnh, các ban thuộc tỉnh ủy, HĐND) chỉ được xem xét mua tối đa 6 xe; riêng các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM được mua tối đa 8 xe. Hơn nữa, các địa phương chỉ được xem xét mua xe mới khi tỉnh không còn xe cũ dôi dư để bố trí cho các đơn vị.
Bà Rịa - Vũng Tàu: đã có phương án xử lý xe dôi dư
Được đề cập trong báo cáo kiểm toán, ngày 24-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Ngọc Khánh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trong những năm qua, tỉnh và các ngành chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn và giải quyết việc sử dụng, sắp xếp xe công theo nghị định số 04/2019 của Chính phủ. Số xe công của tỉnh dôi dư đã được xử lý và giảm dần. Đến nay, tỉnh đã ban hành phương án xử lý của tất cả số xe công dôi dư.
Ông Trương Kim Tân, phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng khẳng định tỉnh làm rất nghiêm quy định về sử dụng xe công và đến nay số xe dôi dư chỉ còn vài chiếc. Hơn 100 xe công dôi dư của tỉnh, ông Tân cho hay hầu hết đã bán đấu giá hay thanh lý. Đến nay chỉ còn một vài đơn vị chưa bán được vì đang tìm đơn vị tư vấn, và có trường hợp xe quá cũ nát không bán được.
ĐÔNG HÀ ghi
- Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông): Cần tính toán giảm số lượng xe công
Chủ trương khoán xe công đã có nhiều năm nay nhưng không dễ thực hiện được phổ biến và rộng khắp. Trong khi xu hướng sử dụng xe cá nhân trong công việc ngày càng phổ biến nên cũng cần tính toán lại có cần thiết phải duy trì số lượng xe công lớn, tách riêng chi phí quản lý xe công như hiện nay không?
Cần đơn giản theo hướng chuyển chi phí khoán xe công cho các bộ, ngành, địa phương thành một loại phụ cấp đi lại của công chức, viên chức, trừ những trường hợp cán bộ cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan tới công tác lễ tân nhà nước, công tác ngoại giao.
Bối cảnh hiện nay đã khác, cần tính toán lại để giảm được cả số lượng xe công và người lái xe trong các cơ quan nhà nước. Như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền ngân sách chi cho xe công hằng năm.
Cà Mau: tiết kiệm 17 tỉ đồng/năm nhờ quản lý xe công tập trung
Xe công được điều về Trung tâm dịch vụ tài chính công, đơn vị nào có nhu cầu thì đăng ký. Điều này giúp giảm số xe, lái xe và cả việc sử dụng không đúng mục đích.
Từ tháng 3-2018, UBND tỉnh Cà Mau ban hành đề án thí điểm quản lý xe công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh. Theo đó, tất cả xe công từ 4 chỗ trở lên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh có trụ sở trên địa bàn thành phố Cà Mau được điều về Trung tâm dịch vụ tài chính công (Sở Tài chính Cà Mau) quản lý tập trung.
Xe công quản lý tập trung ở Cà Mau - Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Tỉnh này quy định đối tượng được sử dụng xe là giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên. Những người được cử đi công tác sẽ theo nhóm từ 3 người trở lên, đi họp hoặc giải quyết các công việc chung, đi công tác khẩn cấp, được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định.
Về cơ chế điều hành, một lãnh đạo Trung tâm dịch vụ tài chính công Cà Mau cho biết tiếp nhận thông tin đăng ký sử dụng xe qua điện thoại, email... Trong thời gian tối đa 20 phút (đối với ngày làm việc) và 40 phút (đối với ngày nghỉ), sau khi tiếp nhận thông tin đăng ký sử dụng xe thì tổ điều hành xe công nhanh chóng điều động xe để đáp ứng nhu cầu đi công tác của cơ quan, đơn vị.
Việc điều động xe theo nguyên tắc xoay vòng, đảm bảo tận dụng tối đa công suất của các xe.
Ông Nguyễn Quốc Nhã - giám đốc Trung tâm dịch vụ tài chính công - cho biết qua thời gian thực hiện đề án, hiệu quả mang lại rõ rệt. Ban đầu thực hiện đề án, trung tâm tiếp nhận 138 xe và 109 lái xe nay giảm còn 62 lái xe, số xe cũng giảm xuống dưới 70 xe.
Theo ông Nhã, sự quản lý tập trung, chuyên nghiệp đã góp phần giảm số lượng người làm việc, giảm khâu quản lý, vận hành. "Bên cạnh đó, khắc phục được tình trạng sử dụng xe công vào việc riêng, sử dụng không đúng mục đích; khắc phục được tình trạng mua và sử dụng xe công kém hiệu quả, lãng phí. Đặc biệt, chỉ riêng phần sửa chữa và mua xe mới, hằng năm tiết kiệm cho ngân sách trên 17 tỉ đồng", ông Nhã thông tin.
Cần Thơ: không đơn vị nào nhận khoán
Ông Nguyễn Quang Nghị - giám đốc Sở Tài chính thành phố Cần Thơ - cho biết khi nghị định 04/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô có hiệu lực, thành phố đã thực hiệc sắp xếp lại xe công vụ.
Về tiêu chuẩn, mỗi cơ quan quản lý nhà nước có 1 ôtô, cơ quan nào có 2 xe thì thu hồi 1 xe, còn cơ quan nào không đủ tiêu chuẩn cũng thu hồi. Đơn cử, các đơn vị sự nghiệp thuộc sở không được trang bị ôtô đi công tác nhưng được trang bị xe chuyên dùng.
Theo ông Nghị, thành phố cũng thực hiện khoán xe công nhưng không đơn vị nào nhận khoán, chỉ có Sở Nội vụ ban đầu đồng ý nhưng do yêu cầu đi công tác của đoàn cải cách thủ tục hành chính nên sở đề nghị lại không khoán xe công.
"Đa số cơ quan có nhu cầu đi công tác chung, nếu khoán thì hầu như chỉ có lãnh đạo, như vậy khi cơ quan đi công tác phải thuê xe, tốn thêm chi phí. Mặt khác, do tình cảm với anh em tài xế, nếu khoán thì giải quyết cho anh này nghỉ việc, cũng khó xử lý cho anh em", ông Nghị nêu lý do các đơn vị từ chối nhận khoán xe công vụ.
Về định mức xe, theo ông Nghị, hiện thành phố toàn là xe cũ, các năm gần đây chưa trang bị mới nên dù xe hết tiêu chuẩn nhưng cố gắng đăng kiểm hằng năm để sử dụng, một số cơ quan xin đổi xe tốt hơn nhưng cũng khó.
N.HÙNG - LÊ DÂN - K.TÂM
Bộ Tài chính đang tổng hợp tình hình quản lý và sử dụng xe công của các bộ, cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh để báo cáo Chính phủ - Ảnh: NAM TRẦN
Sắp trình Quốc hội số ôtô công của cả nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tân Thịnh, cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính đang tổng hợp tình hình quản lý và sử dụng ôtô công của các bộ, cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh để báo cáo Chính phủ. Báo cáo đầy đủ cả nước có bao nhiêu ôtô công, trong đó xe phục vụ công tác các chức danh, xe phục vụ công tác chung... là bao nhiêu sẽ được trình Quốc hội để phục vụ kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5.
Đối với chi mua sắm ôtô phục vụ công tác các chức danh và ôtô phục vụ công tác chung, Bộ Tài chính cho rằng đã quản lý khá chặt chẽ. Theo đó, tại thông tư 62 năm 2020 đã giao Kho bạc Nhà nước phải kiểm soát, đảm bảo không vượt dự toán chi tiết và giá mua ôtô theo quy định. Trường hợp giá xe tăng không quá 5% so với quy định thì bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh... được quyền quyết định.
Còn trường hợp cần thiết trang bị ôtô có giá cao hơn từ trên 5% đến không quá 20% so với mức giá cho phép thì các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính. Riêng đối với chi mua sắm ôtô chuyên dùng, ngoài kiểm soát mức giá, Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước giám sát chặt đối tượng sử dụng, chủng loại.
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về tiêu chuẩn ôtô chuyên dùng phục vụ công tác đặc thù, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương.
Cụ thể, căn cứ nhu cầu sử dụng, trường hợp cần thiết phải trang bị ôtô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù theo quy định, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, thường trực HĐND cấp tỉnh) có văn bản kèm hồ sơ liên quan về đối tượng sử dụng, chủng loại, số lượng, mức giá tối đa báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt theo quy định.
Đồng thời, gửi Bộ Tài chính một bộ hồ sơ để thẩm định, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh: Chưa quen nhưng phải quyết tâm khoán
Khoán xe công là bình thường, ở ta chưa quen thôi, những nước phát triển như Bắc Âu thì thủ tướng của họ vẫn dùng xe công cộng. Việc khoán xe công hiện nay theo tôi nằm ở quyết tâm của hệ thống, chứ hình thức khoán thì quá đơn giản. Chúng ta nghèo thì khoán thấp đi, không thể so với những nước phát triển được. Quan trọng là lo cho đời sống của nhân dân tốt hơn, và muốn vậy cán bộ phải hy sinh lợi ích cá nhân.
L.THANH
Khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã thực hiện khoán xe công
Đã có nhiều quy định nối tiếp nhau quy định về sử dụng xe công, thúc đẩy khoán xe công. Trong đó phải kể đến:
- Quy định khoán kinh phí sử dụng xe công theo quyết định số 59 năm 2007 của Thủ tướng được áp dụng từ năm 2007. Tuy nhiên, cơ chế lúc đó mới chỉ khuyến khích khoán nên cả nước chỉ có một vài trường hợp đăng ký thực hiện.
- Quyết định số 32 năm 2015 của Thủ tướng tiếp tục hướng dẫn việc khoán kinh phí sử dụng xe theo phương thức tự nguyện. Song, quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí theo khoảng cách thực tế đi công tác, đơn giá bình quân của các hãng taxi phổ biến trên thị trường.
Sau 3 năm thực hiện nghị quyết 32, có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã thực hiện khoán xe công như Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ. Đơn cử tại Bộ Tài chính, cuối năm 2016 đã bắt đầu áp dụng khoán kinh phí xe công đối với các chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng.
- Nghị định 04 năm 2019 về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe quy định khoán xe công quy định:
Các chức danh như phó trưởng ban của Đảng ở trung ương, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, tổng cục trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên... tự nguyện nhận khoán xe thì sẽ căn cứ theo quãng đường thực tế đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, đi công tác; đơn giá khoán phù hợp với giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường.
Kinh phí khoán được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hằng tháng.
L.THANH
TTO - Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy giai đoạn 2016 - 2021 có 6.976 xe công (ôtô, môtô, xe gắn máy) sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn; 147.911m2 diện tích nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ.
Xem thêm: mth.99664818052402202-meht-aum-noum-ohc-teh-gnohk-gnud-ion-gnoc-ex/nv.ertiout