Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, vấn đề về sở hữu trí tuệ, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cùng với giá sản phẩm tăng cao do tác động của đại dịch COVID-19 đang khiến hàng loạt đại công ty tìm đường tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Công ty sản xuất đồ chơi Hasbro (Mỹ)
Công ty sản xuất đồ chơi Hasbro - Ảnh: Kris Tripplaar/SIPA USA/PA |
Hasbro là một công ty đa quốc gia của Mỹ chuyên sản xuất đồ chơi lớn nhất trên thế giới có doanh thu hàng năm xấp xỉ 5,1 tỷ USD/năm, riêng năm 2019 là 7,1 tỷ USD.
Mới đây, công ty này thông báo đã chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc để đưa đến các nhà máy ở Việt Nam và Ấn Độ. Trước năm 2020, lượng sản phẩm của hãng được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc được cho là cung cấp hơn 1/2 thị phần đồ chơi tại thị trường Mỹ, thế nhưng, sản lượng hiện đã giảm xuống ở mức chưa tới 2/3.
Công ty sản xuất dụng cụ cầm tay, dụng cụ điện Stanley Black & Decker (Mỹ)
Công ty Stanley Black & Decker - Ảnh: HBJ |
Nhằm tránh bị vạ lây bởi cuộc "so găng" thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, tập đoàn Stanley Black & Decker đã tìm cách để thoát thân với việc đóng cửa vĩnh viễn nhà máy của mình ở Thâm Quyến vào tháng 11/2021 sau 25 năm hoạt động ở đây.
Có nhiều đối thủ cạnh tranh, giá nhân công tăng phi mã cùng phí thuê đất ngày càng cao là những lý do chính để Stanley Black & Decker “dứt áo ra đi” khỏi Trung Quốc cùng việc hồi hương với kế hoạch xây mới nhà máy có diện tích 425.000m2 trị giá 90 tỷ USD đã khởi công vào cuối năm 2021.
Công ty công nghệ máy tính Dell và HP (Mỹ)
Dell, công ty đa quốc gia của Mỹ về phát triển và thương mại hóa công nghệ máy tính đã lặng lẽ chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng và sản phẩm của mình khỏi Trung Quốc để né tránh cuộc thương chiến Mỹ - Trung.
Năm 2019, hãng tin Nikkei Asian Review đã thông báo về việc Dell có kế hoạch chuyển ít nhất 30% sản phẩm máy tính xách tay của mình ra khỏi Trung Quốc. Đối thủ “truyền kiếp” của Dell là HP cũng có kế hoạch tương tự nhằm tránh các đòn trừng phạt áp đặt bằng hàng rào thuế quan lên các sản phẩm công nghệ sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Dell và HP là 2 công ty công nghệ máy tính hàng đầu của Mỹ - Ảnh: Latop251 |
Tập đoàn công nghệ Microsoft (Mỹ)
Sau khi chuyển dây chuyền sản xuất dòng sản phẩm notebook Surface và máy tính để bàn từ Mỹ sang Trung Quốc vào năm 2017, người ta lại thấy sự chuyển hướng khi “ông lớn” công nghệ Microsoft lại rục rịch lên kế hoạch chuyển nhà máy sang một địa phương thuộc miền Bắc của Việt Nam.
Mặc dù gã khổng lồ công nghệ Mỹ hết sức kín tiếng về tin tức này, nhưng những hành động của Microsoft cho thấy họ đã chuẩn bị một cách chu đáo cho kế hoạch "di tản" của mình.
Ngoài ra, mạng xã hội Linkedin do Microsoft sở hữu cũng đã ngưng hoạt động tại quốc gia tỷ dân này do những quy định kiểm duyệt khắt khe của chính phủ Trung Quốc.
Microsoft đã chuyển dây chuyền sảng xuất dòng sản phẩm notebook Surface ra khỏi Trung Quốc - Ảnh: Peter Summers/Getty |
Tập đoàn Nike (Mỹ)
Nike là một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, phát triển, sản xuất, quảng bá cũng như kinh doanh các mặt hàng giày dép, quần áo, phụ kiện, trang thiết bị và dịch vụ liên quan đến thể thao.
Sau nhiều năm đặt cơ sở sản xuất tại Tân Cương (Trung Quốc), giờ đây Nike đang tính đến việc chuyển dây chuyền sản xuất của mình sang một số quốc gia Đông Nam Á và châu Phi do kết quả kinh doanh ngày càng xấu đi: doanh số giảm đến 59% vào thời điểm tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm trước “vì khách hàng Trung Quốc đồng loạt chuyển sang mua và sử dụng sản phẩm cùng loại được sản xuất bởi các công ty nội địa”, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Morningstar.
Sản phẩm của hãng giày thể thao Nike - Ảnh: Sorbis/Shutterstock |
Tập đoàn công nghệ Google/Alphabet (Mỹ)
Mặc dù “ông lớn” trong lĩnh vực tìm kiếm Google đang bị chặn ở thị trường Trung Quốc, thế nhưng công ty mẹ Alphabet vẫn đang duy trì sản xuất các sản phẩm phần cứng tại nước này dù có thể không còn lâu nữa.
Ngay khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do tác động của đại dịch COVID-19, gã khổng lồ công nghệ này đã chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh chủ lực mang thương hiệu Pixel của mình sang Việt Nam. Bên cạnh đó, các sản phẩm nhà thông minh của Google cũng đang được lên kế hoạch sản xuất ở Thái Lan thay vì Trung Quốc như trước đây.
Tập đoàn Google/Alphabet của Mỹ - Ảnh: Omar Marques/SOPA Images/LightRocket via Getty Images |
Công ty thời trang thể thao Under Armour (Mỹ)
Under Armour là một công ty của Mỹ chuyên sản xuất giày dép, quần áo, đồ dùng may mặc.
Ngay khi cuộc quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gặp trục trặc, hãng thời trang thể thao của Mỹ này đã lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào quá trình sản xuất của mình tại Trung Quốc bằng cách tìm các điểm đến khác phù hợp hơn như Việt Nam, Jordan, Philippines và Indonesia.
Chiến lược của Under Armour là chỉ duy trì 7% sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2023.
Công ty thời trang thể thao Under Armour - Ảnh: August_0802/Shutterstock |
Tập đoàn Intel (Mỹ)
Mặc dù vẫn đang duy trì sự hiện diện của mình ở Trung Quốc, thế nhưng tập đoàn sản xuất các sản phẩm như chip vi xử lý cho máy tính, bo mạch chủ, ổ nhớ flash, card mạng và các thiết bị máy tính của Mỹ lớn nhất thế giới đang theo chân nhiều công ty đồng hương để chuyển công việc làm ăn của mình từ Trung Quốc sang các điểm đến mới, trong đó có Việt Nam và châu Âu.
Công ty thời trang xa xỉ Steve Madden (Mỹ)
Steve Madden là một trong những nhà thiết kế giày thành công nhất của nước Mỹ, và được xem như là một người dẫn dắt các xu hướng trong ngành thời trang giày dép của thế kỷ XXI.
Sau nhiều thập niên làm mưa làm gió tại thị trường Trung Quốc, giờ đây, Steve Madden đã không còn hiện diện tại quốc gia tỷ dân nữa mà đang “chuyển nhà” đến một loạt các quốc gia mới đầy tiềm năng như Campuchia, Brazil, Mexico và Việt Nam.
Công ty thời trang xa xỉ Steve Madden - Ảnh: Arnold O. A. Pinto/Shutterstock |
Công ty điện tử Samsung và LG (Hàn Quốc)
Không chỉ các doanh nghiệp Mỹ mà nhiều công ty của các quốc gia phát triển khác cũng đang tìm đường rời khỏi Trung Quốc, trong đó có công ty điện tử Samsung (Hàn Quốc).
Hãng công nghệ số 1 của Hàn Quốc đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của mình tại Trung Quốc năm 2019. Gần cuối năm 2020, nhà máy sản xuất máy tính, TV của Samsung ở Trung Quốc cũng ngừng hoạt động để chuyển sang một số quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á.
Tương tự, công ty điện tử LG cũng đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất tủ lạnh được sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ về “quê mẹ” là Hàn Quốc để né đòn thuế quan do cuộc thương chiến Mỹ - Trung gây nên.
Một nhà máy của hãng Samsung ở Trung Quốc - Ảnh: Chintung Lee/Shutterstock |
Hãng thời trang Superdry (Anh)
Superdry là một thương hiệu thời trang hiện đại của Anh tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao theo xu hướng Americana vintage và lấy cảm hứng đồ họa Nhật Bản pha trộn một chút phong cách Anh.
Đến nay, Superdry đã đóng cửa tổng cộng 25 chi nhánh do công ty sở hữu và 41 cửa hàng nhượng quyền khác trên khắp Trung Quốc.
Công ty thời trang Superdry - Ảnh: Sorbis/Shutterstock |
Nguyễn Thuận (theo Love Money)
Xem thêm: lmth.8512641a-man-teiv-gnas-couq-gnurt-ut-taux-nas-neyuhc-nol-naod-pat-ueihn/nv.moc.enilnounuhp.www