vĐồng tin tức tài chính 365

“Chốn lưu đày” nở hoa (kỳ 1)

2022-04-25 15:05

Đây là giai đoạn rất khó khăn của đất nước (1975 - 1990) với thù trong, giặc ngoài và chịu hậu quả chiến tranh nặng nề. Ngày nay, qua các hồi ký “vượt biên, cải tạo” nhan nhản trên mạng, các vùng KTM thường được các cựu sĩ quan, công chức, văn nghệ sĩ chế độ cũ... đang sống ở nước ngoài coi như “chốn lưu đày”... mà không thể ngờ rằng các “chốn lưu đày” hôm nay đã thành các thôn làng trù phú hay đô thị nhộn nhịp...

*

* *

Kỳ 1: TỪ PHỐ VỀ RỪNG

... “Xây dựng các vùng KTM là một chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm tổ chức, phân bố lại lao động và dân cư trong cả nước, chuyển một lượng lớn dân cư từ vùng đồng bằng và đô thị đến các vùng trung du miền núi, biên giới, hải đảo. Chính sách này được triển khai ở miền Bắc từ năm 1961 và trên toàn quốc sau khi đất nước thống nhất, cho đến tận năm 1998. Trong 37 năm, Việt Nam đã di chuyển có tổ chức 1.368.691 hộ với 3.342.253 nhân khẩu, trong đó từ tỉnh này đến tỉnh khác là 665.930 hộ với 2.809.373 người...”. (theo Wikipedia.org)

Riêng tại tỉnh Lâm Đồng đã có hàng chục khu KTM hình thành nên các huyện trù phú như: Lâm Hà, Cát Tiên, Bảo Lâm, Đạ Hoai, Đạ Tẻh... với dân số khoảng 500 ngàn người, chưa kể các xã KTM với dân số mỗi xã từ vài ngàn đến hơn vạn người ở các huyện: Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đam Rông... Như vậy khoảng 50% dân số tỉnh Lâm Đồng hiện tại (1,34 triệu người) được hình thành qua các đợt di dân từ các tỉnh thành miền Bắc, miền tRung và các đô thị nội tỉnh về các vùng KTM từ mấy mươi năm trước.

Chính sách KTM gắn liền với lịch sử đất nước, dân tộc, nhất là từ sau 30-4-1975 đến 1990 (thời kỳ hình thành các khu KTM) và từ 2008 (theo NQ7 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) đến 2022 (giai đoạn xây dựng, phát triển các khu KTM thành xã, huyện nông thôn mới và đô thị mới). Ngày nay đời sống của người dân các khu KTM năm xưa đã thay đổi như mơ, với thu nhập đầu người tăng hơn 30 lần! (2.600USD năm 2020 do Chi cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng công bố ngày 29-12-2020 so với 86USD bình quân cả nước của năm 1986).

Mỗt góc huyện Đức Trọng hiện nay. Ảnh: ST

Chính sách KTM do Đảng, Nhà nước chủ trương từ năm 1961 có tầm nhìn rất sâu sắc, chiến lược đi trước thời đại. Ngoài thành công về kinh tế, các khu KTM còn mở rộng không gian sống, giải tỏa áp lực dân cư ở các đô thị. Một số khu KTM còn mang cả giá trị lớn lao về chính trị, an ninh, quốc phòng ở vùng hải đảo, biên giới. Khi hạ tầng giao thông được đầu tư tốt, các khu KTM tạo ra liên kết vùng về sản xuất, tiêu thụ, cung cấp nguyên liệu, nhân lực cho các ngành công nghiệp quan trọng, hòa chung vào nhiệp điệu tăng trưởng bền vững của cả nước.

Để có được sự thay đổi lớn lao như vậy, hàng triệu người dân ở các khu KTM đã phải vượt qua biết bao khó khăn, nỗ lực thấm đẫm máu và nước mắt trong hàng chục năm, từ thế hệ ông cha, đến thế hệ con cháu. Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển của khu KTM núi R’Chai (nay là xã nông thôn mới Tân Hội - Đức Trọng - Lâm Đồng) là minh chứng điển hình cho vấn đề có tính lịch sử này!

*

* *

Ngay sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), chính quyền cách mạng đã có chủ trương di dân từ các đô thị miền Nam về các vùng KTM để thực hiện mục tiêu kép - chính trị và kinh tế.

Tại Đà Lạt, ngày 13-6-1976, Tỉnh đoàn Lâm Đồng đã chỉ đạo thành lập Tiểu đoàn thanh niên xung kích (sau này đổi thành Thanh niên xung phong) gồm 300 thanh niên để đi khai hoang lập khu KTM núi R’Chai (huyện Đức Trọng - Lâm Đồng). Hơn 1 tháng sau, 49 hộ đầu tiên của TP.Đà Lạt được di dân xuống nơi vừa được khai hoang này. Đã 46 năm trôi qua, nhưng cậu bé 12 tuổi là thành viên của đoàn di dân như tôi lúc đó vẫn nhớ như mới xảy ra!

Lực lượng thanh niên xung phong khai phá KTM núi R’Chai

Bố tôi gốc Huế, mẹ người Bình Định, vào Đà Lạt lập nghiệp từ sau năm 1954. Gia đình tôi thường thuê trọ trên đường Hai Bà Trưng, Ngồ Quyền... Đến đầu tháng 4-1975, Đà Lạt được giải phóng, bố mẹ tôi cùng một số gia đình nghèo khác liều dọn vào các căn hộ đang bỏ trống của khu gia binh trường “Chiến tranH chính trị” trên đường Nguyễn Công Trứ (vì chủ nhân là các sĩ quan, binh lính đã mang theo vợ con “di tản” về Sài Gòn)

. Chúng tôi ở khu gia binh hơn một năm mà không phải trả tiền thuê nhà, điện nước cũng xài “chùa” luôn nên rất hoan hỉ, thích thú với chính quyền cách mạng. Khoảng đầu tháng 5-1976, đơn vị bộ đội tiếp quản trường Chiến tranh chính trị thu hồi khu gia binh nên các hộ ngụ cư (kể cả số hộ là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính chế độ cũ hay dân “vô sản” vào ở lậu như gia đình tôi) được lên danh sách gần chục hộ đi KTM đợt đầu xuống núi R’Chai.

5 giờ sáng một ngày cuối tháng 7-1976, con đường Nguyễn Công Trứ (ngày nay là cung đường du lịch nhộn nhịp của Đà Lạt với toàn nhà hàng, khách sạn) vốn nhỏ bé, quạnh quẽ như thôn quê bỗng nhộn nhịp khách thường. Cả khu gia binh sáng đèn, chộn rộn tiếng gọi nhau khiêng, bốc đồ đạc lên các xe tải đang đậu lù lù dưới sương lạnh, đèn đường hiu hắt. Bước lên những chiếc xe tải đó, là bước đổi đời của từng số phận!

*

* *

Đoàn xe 3 chiếc chất đầy người lớn, trẻ con ngồi trên đống vật dụng lỉnh kỉnh, chầm chậm đi hết con đường Nguyễn Công Trứ chật chội, lởm chởm ổ gà, băng qua trung tâm Đà Lạt rồi lần ra đèo Prenn để nhập vào một đoàn xe tải hơn chục chiếc khác chở di dân các ấp Ánh Sáng, Đa Thuận, Đa Thành... Đây là 49 hộ với hơn 200 nhân khẩu được đưa đi đợt đầu về vùng KTM núi R’Chai. Các đợt tiếp theo trong các năm 1977, 1978... sẽ về khu vực Tà In (Đức Trọng), Hòa Lạc (Lâm Hà) hoặc xa hơn là vế Cát Tiên, Đạ Hoai, Đạ Tẻh... (cũng thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay)

Đường Nguyễn Công Trứ - Đà Lạt bây giờ

Sáng hôm đó, tôi - cậu bé 12 tuổi ngồi lắc lư trên thùng xe tải đang xuôi đường đèo vi vu tiếng rừng thông gọi gió, lòng bồi hồi, âm u đến lạ.

Tôi nhớ từng khuôn mặt héo hắt, lo âu của cha mẹ tôi, của những người hàng xóm là lính VNCH trong khu gia binh; của những người vợ có chồng sĩ quan “chiến tranh chính trị” đang còn trong trại cải tạo; của những đứa trẻ có cha và vắng cha đang ngồi cạnh mình. Ngày đó tôi còn non nớt quá, dù mơ mộng cũng không thể hình dung đoàn xe tải chở hơn 200 di dân lớn nhỏ này, sẽ đưa chúng tôi đến những bờ bến khổ đau và hạnh phúc trong hành trình hàng chục năm sau đó!

Sau khi ra khỏi Đà Lạt, xuống hết đèo Prenn, đoàn xe xuôi nam theo Quốc lộ 20 rồi rẽ phải vào con đường đất được hình thành theo vết bánh xe Be chở gỗ. Con đường xuyên qua những khu rừng và nương rẫy của đồng bào sắc tộc. Đoàn xe tải lầm lì bươn chải trên cung đường lầy lội, chật chội, cố sức vượt qua những hố nước sâu làm xe nghiêng như sắp lật. Mỗi lần xe nghiêng như thế, những hành khách trên xe, nhất là lũ nhỏ lại thích thú reo lên hay cười sặc sụa, trong lúc các phụ nữ thì nôn ói, xanh mặt...

Một buổi họp mặt các cựu TNXP khai phá núi R’Chai - Tân Hội - Đức Trọng

Quang cảnh hoang sơ, mới mẻ và không khí trong lành của vùng đất mới dần hiện ra theo hành trình. Mọi người bắt đầu vui hơn khi nhìn thấy núi R’Chai hai ngọn tròn trịa, xanh tốt rất đúng với nghĩa “bầu sữa mẹ” theo tiếng của dân tộc K’Ho ở vùng này. Những khuôn mặt đang căng thẳng giãn ra, bắt đầu từ đám con nít lao xao hỏi nhau, đố nhau “con gì, cây chi” rồi lan đến cả những người lớn. Những ngôi nhà sàn có người phụ nữ mặc váy thổ cẩm và đàn ông cởi trần đóng khố mang gùi với xà gạc trên vai; cối chày giã gạo ngã nghiêng dưới bụi chuối; đàn heo đen bụng xệ ủi đất và mấy con chó săn chạy lon ton theo bầy trâu mập ú băng qua đường làm đoàn xe phải dừng chờ.

Tất cả gợi nét hoang dã thích thú làm đám nhóc tưởng tượng về những bộ lạc thổ dân ở rừng châu Phi trong phim hoạt hình, truyện tranh... Tôi quên phắt những ưu tư, nhớ nhung về Đà Lạt - nơi vừa chia tay để hào hứng đón nhận cuộc sống mới như trong truyện, trong phim...

(Còn tiếp...)

Văn Long

Xem thêm: lmth.012031_aoh-on-yad-uul-nohc/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

““Chốn lưu đày” nở hoa (kỳ 1)”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools