Tại buổi gặp gỡ báo chí trực tuyến vừa qua, nhánh dược phẩm của Bayer tại châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ quá trình chuyển đổi của công ty nhằm tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai với những sáng tạo đột phá, đáp ứng các nhu cầu y tế còn bỏ ngỏ trong khu vực.
Đóng góp nhiều cho tăng trưởng
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục là động lực phát triển chính trên thị trường dược phẩm toàn cầu của Bayer.
Theo bác sĩ Ying Chen - giám đốc thương mại nhánh dược phẩm của Bayer APAC, mặc dù khu vực APAC chỉ chiếm một phần tư thị trường dược phẩm toàn cầu của tập đoàn, và ngay cả khi gặp phải khó khăn lớn từ đại dịch COVID-19, khu vực này vẫn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 4,8% trong năm 2021.
Nhánh dược phẩm hiện chiếm 41% hoạt động kinh doanh của Bayer và đạt tăng trưởng 7% trên toàn cầu trong năm 2021.
Tiềm năng phát triển của thị trường dược phẩm trong khu vực APAC đã được Tổ chức IQVIA dự báo tăng trưởng trung bình đạt mức 4-5% trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025. APAC cũng là một khu vực có tiềm năng tăng trưởng rất mạnh vì còn nhiều nhu cầu y tế chưa được đáp ứng và Bayer đang hướng đến việc giải quyết các nhu cầu này bằng danh mục đầu tư đa dạng của tập đoàn.
Trong suốt 10 năm liên tục, Bayer vẫn nằm trong top 10 công ty dược phẩm đa quốc gia hàng đầu tại APAC.
Theo bác sĩ Ying Chen, trong suốt thập kỷ qua, doanh số nhánh dược phẩm của Bayer tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng gần gấp đôi nhờ vào sự đóng góp đáng kể của các dòng sản phẩm thuốc kháng đông đường uống không kháng vitamin K (NOAC), liệu pháp kháng VEGF và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Phụ nữ.
Chỉ riêng với thuốc kháng đông đường uống không kháng vitamin K (NOAC) mà Bayer đã giới thiệu cách đây hơn 10 năm, công ty có hơn 100 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới được bảo vệ từ giải pháp này. Doanh số của sản phẩm này tiếp tục tăng trưởng đến 12%, tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Vẫn theo đại diện Bayer, thực tế trong thời gian qua đại dịch đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và nhiều đổi mới sáng tạo. Bayer chuyển đổi các hoạt động, mô hình kinh doanh để đảm bảo tận dụng sức mạnh ưu việt của kỹ thuật số giải quyết các nhu cầu của bệnh nhân.
Bayer sẽ tiếp tục tập trung, cam kết đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của nhánh dược phẩm với nhiều loại thuốc cải tiến sẽ ra mắt vào năm 2022 và trong tương lai.
Giúp bệnh nhân vượt qua bệnh mạn tính, ung thư
Thống kê cho thấy mỗi năm trên toàn cầu có 15 triệu người chết sớm vì các bệnh lý mạn tính, bao gồm bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và béo phì. Trong đó, bệnh tim mạch hiện là lý do lớn nhất dẫn đến tử vong sớm, chiếm gần 1 trong 3 trường hợp tử vong sớm.
Trong số các nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới là do bệnh tim mạch và ung thư, trong đó khu vực châu Á chiếm đến 50% số ca bệnh.
Mặc dù việc giám sát, điều trị và tăng tỉ lệ sống sót sau ung thư đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng con số được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dự kiến sẽ tiếp tục tăng 47%, lên gần 30 triệu trường hợp vào năm 2040.
Bên cạnh đó, sự gia tăng của bệnh mạn tính còn được thúc đẩy bởi thực tế tốc độ già nhanh của dân số. Đến năm 2050, 25% dân số của khu vực APAC sẽ trên 60 tuổi, riêng ở Bắc Á số người trên 60 tuổi chiếm hơn 35%.
Dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, Bayer vẫn tiếp tục đầu tư vào R&D và sự tham gia của bệnh nhân vào các thử nghiệm trên toàn cầu vẫn không đổi trong suốt thời gian qua. Công ty đã không ngừng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề về dân số già và các bệnh mạn tính đang gia tăng.
Hiện có khoảng 50 dự án phát triển trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đến giai đoạn III. Trong số các dự án này, nhiều dự án có tiềm năng điều trị các loại ung thư, bệnh thận do đái tháo đường và suy tim mãn tính, các nguy cơ sức khỏe thường gặp tại các khu vực có độ tuổi trung bình cao và cần nhiều chú ý về y tế.
Bayer cũng nghiên cứu các phương pháp điều trị mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ và một số các bệnh khác cần được chú trọng nhiều hơn, với một số phương thức điều trị bao gồm phục hồi và các liệu pháp tái tạo như liệu pháp tế bào và gene trong giai đoạn 1.
Thời gian qua Bayer vẫn duy trì hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển với 46 thử nghiệm toàn cầu đang thực hiện tại khu vực APAC vào năm 2020 và 2021, trong đó các nghiên cứu về ung thư chiếm tỉ lệ lớn nhất.
Các thử nghiệm lâm sàng được Bayer triển khai ở APAC, với tỉ lệ chiếm khoảng một phần tư số bệnh nhân trong các chương trình thử nghiệm lâm sàng của cả tập đoàn, đã có những kết quả rất tốt trong các nghiên cứu về các liệu pháp mới.
Điều này giúp các bệnh nhân sớm được tiếp cận với các liệu pháp mới. Các bác sĩ của Bayer có được kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng với các loại thuốc cải tiến, dữ liệu cụ thể về bệnh nhân từ khu vực để cung cấp thông tin điều trị tốt hơn và nâng cao kết quả.
Với các phương pháp điều trị cải tiến, năm 2022 Bayer tin rằng sẽ mang đến những giải pháp chữa trị mới cho những bệnh nhân suy tim cấp, bệnh thận mạn tính do bệnh đái tháo đường type 2, bệnh nhân ung thư do NTRK và ung thư tuyến tiền liệt.