Phiên họp thường niên sáng 25/4 của Ngân hàng Quân Đội (MB) thu hút sự tham gia của gần 1.000 cổ đông khiến nhà băng này phải tổ chức thêm phòng họp. "Sức nóng" tăng cao không chỉ bởi ngành ngân hàng đang được chú ý, mà còn do MB có phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Vì quy mô tham gia lớn, ban chủ tọa đề nghị mỗi cổ đông chỉ hỏi 1-2 câu, nhưng nhiều người vẫn hỏi tới 5-6 câu chỉ xoay quanh chủ đề này. "Tại sao MB lại nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém? Không phải ngân hàng hiện tại đang quá tốt rồi sao?", một cổ đông tuổi trung niên nêu ý kiến. Ông cho rằng, việc "ôm" thêm một ngân hàng trong diện tái cơ cấu chỉ làm MB chậm lại, trong khi ngân hàng đang duy trì đà tăng trưởng tốt.
Trả lời vấn đề này, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho biết, việc nhận chuyển giao có một phần là nhiệm vụ chính trị, do MB là ngân hàng lớn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ý nghĩa kinh tế của kế hoạch này còn quan trọng hơn, giúp ngân hàng có không gian tăng trưởng tốt hơn.
Theo CEO MB, nhà băng này hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn dư địa được Ngân hàng Nhà nước cho phép, có thể 30-35% mỗi năm mà vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro.
Với lộ trình chuyển giao, theo ông Thái, MB không phải bỏ tiền bởi ngân hàng nhận chuyển giao là những đơn vị yếu kém trong diện tái cơ cấu, đã bị mua lại 0 đồng. Danh tính của ngân hàng này hiện vẫn chưa được tiết lộ, nhưng một số thông tin cơ bản về chất lượng tài sản đã được CEO MB nhắc tới, như lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%.
4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đầu tháng 2 năm nay, Thủ tướng cũng thúc giục triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại cho hai ngân hàng yếu kém còn lại.
Việc xử lý ngân hàng nhận chuyển giao sau khi tái cơ cấu có thể thực hiện với nhiều phương án như sáp nhập vào MB hoặc MB sẽ IPO, bán cổ phần tại ngân hàng này như một khoản đầu tư. "Sau khi nhận chuyển giao, ngân hàng này thuộc sở hữu của MB nên chúng tôi có quyền bán vốn, IPO để chuyển thành ngân hàng cổ phần hoặc có thể bán đi hoàn toàn", ông Thái cho biết.
Vấn đề còn lại được các cổ đông MB quan tâm là cách nào để xử lý khoản lỗ lũy kế 20.000 tỷ đồng. CEO MB cho biết, biện pháp quan trọng nhất là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khi MB nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu. Ngoài ra, MB cũng được phép tăng trưởng quy mô cao hơn, hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao bằng việc chuyển một số khoản tín dụng chất lượng tốt.
"Theo dự trù của chúng tôi, một nửa phần lỗ lũy kế sẽ được hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhà nước và nửa còn lại do ngân hàng đảm trách. Theo đó, khoảng 7-8 năm sẽ giải quyết dứt điểm lỗ lũy kế này", ông Thái nói.
Đồng thời, Hội đồng quản trị MB cũng trình cổ đông thông qua việc miễn trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân tham gia, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc nhận chuyển giao bắt buộc và xây dựng, triển khai phương án thực hiện.
Trong trường hợp rủi ro, việc tái cấu trúc không thành công, theo lo ngại của một số cổ đông, CEO MB cho biết ngân hàng này có thể bán phần vốn tại nhà băng nhận chuyển giao như việc thoái một khoản đầu tư.
Ngoài câu chuyện nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng, việc siết dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng là vấn đề được cổ đông nhắc tới.
Ông Thái cho biết, cho vay kinh doanh bất động sản và bất động sản công nghiệp trên tổng cho vay của MB được kiểm soát dưới 10%. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm gần 4% trên tổng dư nợ, với hai nhóm chính là bất động sản và năng lượng. Trước giờ nhà băng này đầu tư chủ yếu là trái phiếu dự án, tức là có dự án, có mục đích kinh doanh, có kế hoạch dòng tiền. "Đây đều là những nhà đầu tư có chất lượng tốt, không có gì đáng lo ngại", CEO MB khẳng định.
Về kế hoạch kinh doanh, năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23% lên 20.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Hữu Đức kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế của nhà băng sẽ đạt 1 tỷ USD.
Tổng tài sản dự kiến đạt 700.000 tỷ đồng, tăng 15%. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 16% với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, MB lên kế hoạch tăng vốn từ 37.783 tỷ đồng lên gần 46.900 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn thêm 892,4 tỷ đồng bằng việc chào bán 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Bên cạnh đó, MB sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương đương với tỷ lệ 20%.
Minh Sơn