Chúng tôi xin giới thiệu bài viết với chủ đề "Giá và Giá trị nội tại của cổ phiếu" của chuyên gia tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh - Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni. Mời quý độc giả đón đọc.
Tựa bài viết do tòa soạn đặt.
GIÁ TRỊ NỘI TẠI CỦA DOANH NGHIỆP!
Giả sử bạn đầu tư vào doanh nghiệp ABC đang ăn nên làm ra. Vì doanh nghiệp đó không niêm yết nên bạn không nghĩ đến việc bán lại phần sở hữu 1% đó. Cái mà bạn nhận được là những dòng tiền lợi nhuận tự do của DN. (Dòng tiền lợi nhuận tự do là lợi nhuận ròng trừ đi mức tái đầu tư).
Bạn đồng ý trả 8 tỷ đồng để sở hữu 1% của DN đó. Như vậy bạn kỳ vọng rằng tổng giá trị hiện tại của những dòng tiền lợi nhuận tự do mà bạn nhận được từ ABC phải lớn hơn 8 tỷ đồng. Giá trị nay, là giá trị mà bạn, cổ đông của công ty nhận được từ DN, mà không phải bán lại phần vốn của mình, được gọi là GIÁ TRỊ NỘI TẠI của DN.
Trong bài sau tôi sẽ giải thích dễ hiểu, rõ ràng hơn về giá trị nội tại của DN. Tạm thời chúng ta chấp nhận rằng giá trị nội tại của 1% doanh nghiệp ABC lúc này (2022) là 10 tỷ đồng. Giá trị nội tại của ABC là 1.000 tỷ đồng. Giá trị nội tại này sẽ tăng hay giảm trong tương lai tuỳ thuộc vào kết quả kinh doanh và tiềm năng trong tương lai của DN.
GIÁ CỔ PHIẾU VÀ GIÁ TRỊ VỐN HOÁ CỦA DOANH NGHIỆP.
Giả sử doanh nghiệp ABC này đổi ý. Bây giờ thì họ lại muốn muốn niêm yết các CP trên sàn để có thể huy động vốn dễ dàng hơn trong tương lai. (Không niêm yết thì DN phải gọi vốn trực tiếp từ các NĐT. Còn khi đã niêm yết và đã có uy tín, thì DN có thể gọi vốn từ công chúng từ việc phát hành thêm cổ phiếu trên sàn.)
Khi niêm yết CP trên sàn, DN cũng giúp cho các cổ đông có thể bán ra một phần hay toàn phần cổ phiếu của mình khi cần thiết. Trong tài chính gọi là tạo tính thanh khoản cho cổ đông.
Doanh nghiệp ABC có số vốn góp điều lệ là 200 tỷ đồng. Để niêm yết lên sàn, thì họ chia số vốn này thành mỗi phần 10.000 đồng, gọi là 1 cổ phần. Như vậy có tất cả 20 triệu cổ phần. ABC tự tin rằng giá trị nội tại của DN là 1.000 tỷ đồng, nên họ niêm yết giá 1 CP là 50.000 đồng.
Ngay sau ngày đầu tiên niêm yết, giá cổ phiếu đã được chốt, gọi là giá đóng cửa ở mức 51.000 đồng. Vốn hóa của ABC được thị trường định giá = 51.000 (đồng/cổ phiếu) * 20 triệu (cổ phiếu) = 1.020 tỷ (đồng).
Theo logic bình thường, thì giá CP của ACB sẽ loanh quoanh ở mức 50.000 đồng/ CP. Nếu kết quả kinh doanh của ABC năm sau tốt, đưa giá trị nội tại ABC lên thì giá của ABC cũng sẽ lên theo mức tương tự.
Nhưng thị trường chứng khoán, thì không vận hành theo logic thông thường đó. Nó vận hành theo quy luật cung cầu, theo tâm lý nhà đầu tư, theo thông tin (tin chính chức và tin đồn), theo dòng tiền, và theo nhiều nguyên nhân khác.
Nghe tin xấu, chẳng hạn như Covid, chẳng hạn như ngành của ABC đang khó khăn, chẳng hạn như tin đồn bất lợi với ABC…Gía cổ phiếu ABC sẽ xuống thấp. Đôi khi giá xuống thấp hơn rất nhiều so với giá trị nội tại. (Ví dụ như 20.000 hoặc 23.000 đồng). Tình trạng đó tiếng Anh gọi là cổ phiếu bị Under-valued.
Nghe tin tốt, chẳng hạn như Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh Covid, chẳng hạn như ngành của ABC đang rất tốt, chẳng hạn như tin đồn tích cực về ABC…GIÁ cổ phiếu ABC sẽ tăng cao. Đôi khi lên cao hơn rất nhiều so với giá trị nội tại. (Ví dụ như 80.000 hoặc 90.000 đồng). Khi đó tiếng Anh gọi là Over-valued.
Giá trị nội tại thì thay đổi theo tình hình kinh doanh thực tế và tiềm năng của doanh nghiệp. Chỉ khi nào có kết quả kinh doanh vượt ngoài dự đoán thì nó mới tăng hay giảm mạnh. Bình thường thì giá trị nội tại thay đổi với nhịp điệu khá chậm.
Nhưng giá cổ phiếu thì lại khác. Có khi nó cũng thay đổi chầm chậm như giá trị nội tại. Có khi, vì tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư, giá cổ phiếu "nhảy lambada". Lên và xuống như thủy triều. Chính vì vậy mà nó tạo ra nhiều "cơ hội" cho các nhà đầu tư, hay chính xác là các chuyên gia kinh doanh lướt sóng, với nhiều trường phái đầu tư khác nhau: theo phân tích kỹ thuật (nhìn hình, nến, và các chỉ số) hoặc theo thông tin mà họ có, hoặc theo sự chỉ dẫn, sự phím hàng của ai đó, hoặc theo sự diễn biến xanh đỏ của thị trường, hoặc theo cảm giác, và theo niềm tin. Nếu thắng họ cho họ là giỏi. Nếu thua thì họ cho họ xui, họ bị "úp bô".
Những nhà đầu tư lướt sóng cho rằng họ đọc được thị trường. Tuy vậy những nhà nghiên cứu, các chuyên gia kỳ cựu cho rằng rất khó để đọc được thị trường, vì thị trường, dù có lững thững đi bộ, hay nhảy lambada, thì đều là ngẫu nhiên.
TRONG DÀI HẠN GIÁ SẼ PHẢN ẢNH GIÁ TRỊ NỘI TẠI CỦA DOANH NGHIỆP
Trong ngắn hạn, giá lên xuống ngẫu nhiên. Giá có thể rất gần với giá trị nội tại, nhưng cũng có thể nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị nội tại khi thị trường bi quan thái quá, và lớn hơn rất nhiều so với giá trị nội tại khi thị trường lạc quan thái quá.
Tuy vậy, những nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu tư theo giá trị cho rằng, trong dài hạn GIÁ sẽ phản ảnh giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Nếu giá thấp hơn giá trị nội tại, khi thị trường bình tĩnh trở lại, dòng tiền vào thị trường, sẽ tìm đến những cổ phiếu này, và đẩy giá lên cao trở lại với mức của giá trị nội tại.
Nếu giá cao hơn giá trị nội tại, khi thị trường bình tĩnh trở lại, dòng tiền sẽ rời bỏ cổ phiếu đó. Chẳng ai dại mà để tiền của mình vào tài sản đắt cả. Khi đó giá cổ phiếu sẽ trở lại với mức của giá trị nội tại.
http://tintuc.vdong.vn/04/1326304.htmLâm Minh Chánh - Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni
Theo Nhịp Sống Kinh Tế