Năm 1993, Bộ Công an triển khai kế hoạch "cấp biển số xe tự chọn", hay còn gọi là đấu giá biển số đẹp. Công an Hải Phòng được chọn thí điểm đăng ký, cấp biển số xe, thu lệ phí theo hình thức tự chọn. Sau hai tháng triển khai, 94 trường hợp đã tự chọn biển số trên tổng số 198 xe đăng ký.
Chính phủ sau đó giao Bộ Công an cùng Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định chế độ thu, quản lý sử dụng lệ phí đăng ký biển số xe tự chọn. Tuy nhiên việc này gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai. Kế hoạch này không thể triển khai.
Hơn 10 năm sau, Nghệ An và Bình Thuận "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số, thu về hàng tỷ đồng hỗ trợ người nghèo. Trong đó nhiều biển số có giá trị đến 900 triệu đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, hoạt động này bị Bộ Tài chính, Bộ Công an yêu cầu tạm dừng vì vướng thủ tục pháp lý.
Năm 2008, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục đề xuất đấu giá biển số, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương và giao các Bộ nghiên cứu triển khai. Bộ Công an và Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn nhưng sau đó lại "đổ vỡ" do nhiều vướng mắc.
Chín năm sau, Bộ Công an một lần nữa họp với Bộ Tài chính, Tư pháp để khởi động đề án đấu giá. Nhiều ý kiến hồi đó đồng tình, cho rằng việc này đáp ứng nhu cầu của người dân, tăng ngân sách cho Nhà nước; đồng thời tăng tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong lĩnh vực này.
Thế nhưng, một vướng mắc lớn kéo dài từ thập kỷ trước vẫn chưa có lời giải là Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa coi biển số xe là tài sản, mà đây được xác định "là tài liệu của cơ quan nhà nước". Hơn nữa, luật còn "cấm mua, bán biển số xe".
"Lên đời" ba chiếc ôtô trong 12 năm, anh Phạm Duy Hoàng, trú Hà Nội, chỉ mong một lần được chọn biển số theo sở thích của bản thân bằng cách "chi tiền hợp pháp" chứ không phải "đi cửa sau". Xe đầu tiên mua trước năm 2012, anh Hoàng bấm biển thực hiện theo số thứ tự. Hai xe sau đó anh bấm biển bằng cách bấm số ngẫu nhiên trên hệ thống.
Khi anh bán xe cho người mua ở ngoài tỉnh, các biển số bị thu hồi trả về hệ thống đăng ký và không cấp cho xe khác.
Sau nhiều năm "bền bỉ" với đấu giá biển số, ngày 22/4, Bộ Công an hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Biển số được đưa ra đấu giá nằm trong kho biển số chưa được đăng ký mà công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc một năm. Việc này không áp dụng với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao...
Việc xác định giá khởi điểm được chia thành 2 vùng, với mức giá khác nhau. Vùng 1 (Hà Nội và TP HCM): Giá khởi điểm = 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương. Vùng 2 (các địa phương còn lại): Giá khởi điểm = 10 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương.
Điểm khác biệt lớn trong dự thảo là khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu, hay còn gọi là "biển số đi theo người". Khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, họ không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.
Trong quá trình xây dựng đề án, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an từng đưa ra phương án, người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp biển số trúng đấu giá.
Tuy vậy, việc này mới "hiện thực hoá được một nửa" khi dự thảo cho phép chủ xe nếu bán phương tiện vẫn có thể giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Việc có được phép mua, bán, chuyển nhượng, cho tặng hay không, dự thảo chưa "nhắc tới".
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ủng hộ việc đấu giá biển số đưa vào triển khai "sớm nhất có thể" để đáp ứng nhu cầu của người dân và tăng ngân sách Nhà nước.
Theo ông, một chiếc xe chỉ có "tuổi thọ" trên dưới 20 năm, nếu biển số trúng đấu giá được coi là tài sản cá nhân để người sở hữu có thể bán, cho, tặng, thừa kế,... thì cuộc đấu giá sẽ được nâng lên một tầm cao mới và thu hút nhiều người tham gia, tiền thu về nhiều hơn. "Hơn nữa, một người bỏ ra hàng tỷ đồng để mua một biển số đẹp thì hãy cho họ quyền tự định đoạt", ông Quyền nói.
Ông đề xuất, nếu việc đấu giá được triển khai cần chia biển số thành hai trường hợp để quản lý. Thứ nhất, cá nhân dùng biển trúng đấu giá sẽ được sở hữu trọn đời, không gắn cố định vào một xe. Thứ hai, biển số cấp theo hình thức "bấm ngẫu nhiên" vẫn chỉ gắn với một xe cố định như hiện nay để phục vụ quản lý nhà nước.
Luật sư Quách Thành Lực cho hay, hiện nay biển số xe là công cụ để cơ quan Nhà nước quản lý phương tiện mà không được coi là tài sản của chủ sở hữu phương tiện. Bởi thế dù trúng đấu giá nhưng các văn bản pháp luật liên quan không quy định biển số xe là tài sản sở hữu của cá nhân thì vẫn không được quyền bán, tặng cho, thừa kế.
Như ông Quyền, luật sư Lực cũng cho rằng việc đấu giá biển số xe sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần nghiên cứu cụ thể để mang lại lợi ích lớn hơn cho người mua, cho họ "quyền định đoạt".
Theo dự thảo, Bộ Công an sẽ giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang web để tổ chức đấu giá trực tuyến. Cơ quan tổ chức đấu giá là Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú.
Dự kiến, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Xem thêm: lmth.7835544-oto-os-neib-aig-uad-na-ed-auc-iul-neit-man-03-nag/ten.sserpxenv