Chi phí “3 tại chỗ” khiến sản xuất không có lãi
Ngày 25/4, Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) tổ chức đại hội đại cổ đông thường niên để thông qua kế hoạch kinh doanh 2022. Sau phần thông qua các tờ trình, lãnh đạo công ty đã thảo luận, giải đáp nhiều ý kiến từ cổ đông.
Theo đó, câu hỏi trọng tâm là vì sao doanh thu gần như "đi ngang" trong năm 2021 nhưng Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 83%?
Ông Phạm Hồng Phú, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam cho biết, năm 2021, công ty chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 với hàng loạt chi phí để thực hiện “3 tại chỗ”, đảm bảo sản xuất, hơn 40 tỷ đồng, nên không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm.
“Năm 2022, tuy doanh thu đi ngang nhưng nhờ không còn ghi nhận chi phí “3 tại chỗ” nên lợi nhuận của Công ty có mức tăng cao hơn năm trước”, ông Phú chỉ ra.
Trong bối cảnh giá cao su tăng cao, kế hoạch dữ trự hàng tồn kho của công ty này cũng được ông Phú trình bày trước cổ đông.
“Công ty thường dự trữ hàng tồn vào tháng 11 và 12 là thời điểm cây cao su rụng lá. Với việc dự trữ tồn kho từ năm trước, công ty đã đủ lượng cao su để sản xuất đến tháng 8 và 9/2022”, đại diện CSM cho hay.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo CSM lo ngại tình hình xung đột tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu khẩu than đen và dầu mỏ.
Bên cạnh đó, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, nhưng do đã ký hợp đồng gối đầu với nhiều đối tác từ trước nên tình hình tại Trung Quốc sẽ không gây tác động quá lớn.
Ban lãnh đạo CSM nhận định, năm 2022 tiếp tục là thời điểm có nhiều thách thức khi tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp nội địa tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là cung ứng sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thị trường nguyên vật liệu sản xuất săm lốp có nhiều biến động, giá cả tăng cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, vận chuyển đường biển gặp nhiều khó khăn. Tình trạng gian lận thương mại vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Việc bán phá giá lốp nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Thái Lan vẫn còn tiếp diễn.
Trong bối cảnh trên, CSM đặt mục tiêu doanh thu 2022 khá khiêm tốn với 4,954 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021; trong đó, doanh thu xuất khẩu dự kiến là 2,390 tỷ đồng, tăng 21%. Dù doanh thu có mức tăng thấp nhưng công ty kỳ vọng ghi nhận lãi trước thuế 101 tỷ đồng, tăng 83%.
Đa dạng sản phẩm để bứt phá trong năm 2022
Nhằm thực hiện kế hoạch trên, CSM dự kiến tiếp tục nâng cao chất lượng lốp TBR nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài nước. Đối với lốp PCR Advenza, công ty sẽ phát triển thêm các quy cách để phù hợp với từng thị trường xuất khẩu.
Trong công tác bán hàng, CSM tiếp tục tập trung phát triển thương hiệu Advenza thông qua mở các nhà phân phối khắp cả nước, đồng thời phát triển các kho hàng tại một số thành phố lớn như Tp.HCM, Tp.Hà Nội, Tp.Đà Nẵng.
Trong khi đó, với nhóm lốp Radial toàn thép, công ty vẫn tiếp tục công tác tìm kiếm khách hàng xuất khẩu tiềm năng.
Trong năm 2021, sao khi ra mắt lốp Advenza, CSM đã thiết lập mạng lưới trung tâm dịch vụ cho dòng lốp này trên toàn quốc với 70 cửa hàng độc quyền, đồng thời triển khai phần mềm dùng QR code để quản lý lốp du lịch nội địa, bảo hành online và dự kiến triển khai hình thức thương mại điện tử trong năm 2022.
Đối với tình hình các dự án đầu tư, CSM sẽ tạm dừng dự án đầu tư nâng công suất lốp TBR lên 600 ngàn chiếc/năm với lý do sản lượng tiêu thụ hiện tại chưa đạt công suất giai đoạn 1 là 350 ngàn chiếc/năm.
Việc tạm dừng đã được sự chấp thuận của cổ đông lớn là Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến thị trường, công ty có thể triển khai tiếp tục dự án.