Bố mẹ thường xuyên nói yêu con, ôm con... sẽ giúp con biết yêu thương bản thân mình - Ảnh minh họa: Kỷ luật yêu thương
Giới trẻ phải chịu rất nhiều áp lực từ học hành, thi cử, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, thầy cô... Nếu như không có tâm lý vững vàng, kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, nhiều em rất dễ có những suy nghĩ bế tắc, lệch chuẩn và có những quyết định sai lầm.
Việc dạy con biết yêu thương bản thân từ khi còn nhỏ là điều vô cùng cần thiết và quan trọng, không chỉ giúp con xây dựng sự tự tin, lòng dũng cảm, bản lĩnh đương đầu với khó khăn, mà còn giúp con biết quý trọng bản thân, biết yêu thương người khác, có những trải nghiệm mới mẻ trong cuộc sống, cũng như biết tránh xa những việc gây tổn thương cho con sau này.
Tôi đặc biệt thích câu nói của nhà tâm lý học nổi tiếng Vũ Chí Hồng (tác giả bộ sách Tâm lý học tình yêu): "Chỉ bằng cách chấp nhận bản thân, bạn mới có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình".
Dạy con biết yêu thương bản thân từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng, để con đủ dũng cảm, bản lĩnh đương đầu với khó khăn - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Vậy bố mẹ cần làm thế nào để dạy con yêu thương chính bản thân mình?
1. Thường xuyên nói yêu con và thể hiện cho con biết bằng những cử chỉ yêu thương như ôm con, thơm con.
2. Thường xuyên ghi nhận những cố gắng của con. Ngay cả khi con làm việc chưa thực sự tốt như bố mẹ mong muốn, thì cũng hãy cố gắng động viên con. Chính điều này giúp bạn luyện cho trẻ cách để luôn cố gắng, không bao giờ được bỏ cuộc.
3. Cho con cơ hội được quyết định cuộc sống của con. Hãy để con tự lựa chọn quần áo, giày dép con thích; cho con học ở ngôi trường con cảm thấy phù hợp với năng lực học tập và mong muốn của con chứ không phải ngôi trường danh tiếng mà bố mẹ muốn con học.
Cho con học những môn học con yêu thích như đàn, múa, hát, vẽ, khiêu vũ, võ, cờ, dẫn chương trình, bơi lội... Cho con tự quyết định ngành nghề con muốn theo học và làm công việc con đam mê.
Bố mẹ hãy là người phân tích cho con và để con tự đưa ra quyết định sẽ làm việc đó hay không. Điều này tạo nên cho con sự độc lập, tin tưởng để không đưa ra những quyết định sai lầm.
4. Không so sánh con với người khác. Dù con học kém hơn nhiều bạn khác, bố mẹ cũng không nên so sánh. Bởi việc này sẽ tạo nên tâm lý tự ti cho con, làm con mất đi động lực cố gắng.
Hãy nghĩ rằng, con mình không học giỏi các môn tự nhiên thì con lại học tốt môn xã hội. Con học các môn văn hóa không tốt thì con lại giỏi thể thao, âm nhạc hay bơi lội. Về nhà, con biết làm hết việc nhà để giúp đỡ bố mẹ, con biết thương yêu bố mẹ và các em.
Không có đứa trẻ nào không có ưu điểm. Chỉ là bố mẹ có nhìn ra được ưu điểm đó của con hay không và có học được cách yêu thương con mình vô điều kiện hay không.
Hãy cho con bạn biết rằng bạn coi trọng con như một cá thể độc nhất. Điều này cũng sẽ giúp con quý trọng bản thân hơn.
5. Khuyến khích con làm những việc con cảm thấy chưa tự tin. Bố mẹ hãy là người phân tích cho con các tình huống con có thể gặp phải khi làm một việc nào đó mà con chưa từng làm và con lo lắng sẽ không làm được và để con tự đưa ra quyết định con sẽ làm việc đó hay không. Con chủ động đưa ra các lựa chọn và quyết định. Điều này tạo nên cho con sự tin tưởng để không đưa ra những quyết định sai lầm.
Ảnh: Kỷ luật yêu thương
6. Dạy con tự tin. Bố mẹ cần dạy con hiểu rằng mỗi người có một khả năng khác nhau và cũng có những thế mạnh riêng rất khác nhau. Con hãy lên một danh sách những việc mà con cảm thấy tự hào về bản thân: múa đẹp, hát hay, đàn giỏi, chơi thể thao giỏi, nấu ăn ngon, làm nhiều việc nhà giúp đỡ bố mẹ... Khi gặp khó khăn, hãy yêu cầu bố mẹ hoặc giáo viên giúp đỡ chứ đừng tự mình gánh chịu, nghĩ quẩn rồi lại thất vọng về bản thân.
7. Dạy con sự tôn trọng và lòng trắc ẩn. Những đứa trẻ học cách tôn trọng mọi thứ, tôn trọng mọi người và có lòng nhân ái đồng thời học cách trân trọng bản thân và yêu thương bản thân hơn.
8. Dạy con làm chủ cảm xúc. Cảm xúc của con vô cùng quan trọng, không những ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động mà còn có thể khiến con làm cả điều tốt lẫn điều xấu.
Khi trẻ cảm thấy thoải mái với bản thân, chúng sẵn sàng vượt qua khó khăn, tin tưởng vào bản năng của mình. Đây chính là nền tảng cho một trí tuệ cảm xúc tốt, là chìa khóa để được hạnh phúc.
9. Điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực của con. Khi phát hiện con có những suy nghĩ tiêu cực hoặc điều gì con không hài lòng, thậm chí là thất vọng về bản thân như ngoại hình, cân nặng, khả năng học tập, năng khiếu nghệ thuật..., bố mẹ hãy giúp trẻ không nản lòng và rèn tính kiên trì của trẻ. Dạy con đặt ra các tiêu chí rõ ràng và thực tế.
Bố mẹ không chỉ cần dạy con kỹ năng sống, mà còn phải dạy con biết yêu thương và quý trọng bản thân. Một người biết trân trọng bản thân sẽ lựa chọn lối sống đúng, kết bạn có chọn lọc và không bao giờ chọn cách tự làm mình bị tổn thương.
TTO - Với những người phụ nữ làm mẹ đơn thân, dù đóng vai siêu nhân hay nạn nhân, cả hai cách này đều có thể kéo họ ra xa 2 chữ hạnh phúc.