Giá nhà đất đang ở mức cao, dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản được kiểm soát chặt khiến nhiều người có nhu cầu vay mua nhà để ở gặp khó. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều người cho biết đang phải vay lãi suất cao hơn cuối năm ngoái khi hỏi vay mua nhà.
Lãi suất nhích lên
Chị Ngọc Vũ (ngụ TP HCM) cho biết chị vừa được giải ngân khoản vay 1,4 tỉ đồng để mua căn hộ 67 m2 tại một dự án ở quận Bình Thạnh. Do dự án này chỉ liên kết với một ngân hàng (NH) thương mại nên chị không được lựa chọn NH và lãi suất vay phù hợp hơn. "Nhân viên tín dụng chỉ đưa ra một gói lãi suất cho vay duy nhất là 8,9%/năm cố định trong 6 tháng đầu.
Từ tháng thứ 7 trở đi, lãi suất sẽ điều chỉnh theo thị trường với biên độ ±3,6%, tính ra lãi vay sẽ khoảng 10,75%/năm, mức khá cao so với vài tháng trước. Cán bộ tín dụng NH này nói đang có chủ trương siết vốn vào bất động sản nên nguồn vốn vay không dồi dào như trước, điều kiện vay và lãi suất cũng khó hơn. "Do tìm được căn hộ phù hợp khả năng trả nợ, dự án gần chỗ làm nên tôi quyết định vay, nếu chần chừ sẽ mất cơ hội vì giá nhà đất tăng rất nhanh" - chị Vũ nói.
Chị cho biết thêm là khi vay chị còn được mời mua bảo hiểm nhân thọ, không thì phải đóng phí cam kết rút vốn là 1% trên tổng số tiền vay (tương đương khoản phí 14 triệu đồng).
Một dự án căn hộ tại TP Thủ Đức, TP HCM .Ảnh: TẤN THẠNH
Một số người phản ánh ngay trước thời điểm ký hợp đồng vay mua nhà hoặc trước lúc giải ngân thì nhận được thông báo của NH về việc thay đổi lãi suất vay. Như có NH thương mại thông báo với khách vay trong tháng 3 mức lãi suất là 7%/năm cố định trong 1 năm đầu. Nhưng đến tháng 4, khi chuẩn bị giải ngân thì nhân viên NH bất ngờ thông báo lãi suất đã tăng lên 8%/năm khiến khách hàng "trở tay không kịp". Nguyên nhân là do NH thay đổi chính sách, kiểm soát chặt vốn vào bất động sản, bao gồm cả khoản vay mua nhà với khách hàng cá nhân, trong đó tăng lãi suất là một trong những biện pháp để kiểm soát.
Thậm chí nhiều NH thương mại còn thông báo tạm ngừng giải ngân các khoản vay bất động sản, bao gồm cả cho vay mua nhà để ở trong vòng 6 tháng do đang tập trung nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh góp phần hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi. Điều này khiến những người có nhu cầu vay mua hoặc xây - sửa nhà gặp nhiều khó khăn.
Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường là không ít người vay tìm đến NH nước ngoài tại Việt Nam để có mức lãi suất thấp hơn. Anh Nguyễn Quốc (làm việc tại quận 3, TP HCM) cho biết vừa giải ngân khoản vay 1 tỉ đồng mua căn hộ cũ đã có sổ hồng ở TP Thủ Đức. Anh chọn vay tại một chi nhánh NH của Hàn Quốc, với mức lãi suất 8,2%/năm cố định trong 2 năm đầu. Từ năm thứ 3, biên độ lãi suất điều chỉnh là 3%/năm. "Vay mua nhà tại chi nhánh NH nước ngoài không bị bắt mua bảo hiểm nhân thọ, lãi suất thấp hơn nhưng có điều họ chỉ cho vay tối đa 60% giá trị tài sản bảo đảm sau khi thẩm định" - anh Quốc nói.
Vẫn tạo điều kiện cho người vay mua nhà
Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc khối cho vay khách hàng cá nhân thuộc NH Shinhan Việt Nam, cho biết lãi suất cho vay cá nhân của các NH tăng hoặc giảm tùy từng thời điểm. Lãi suất cho vay phụ thuộc các yếu tố đầu vào như chi phí vốn, chi phí vận hành, chi phí quản lý và các yếu tố đầu ra như lợi nhuận mục tiêu, trần tăng trưởng tín dụng... Gần đây, nhiều yếu tố đầu vào của các NH có xu hướng tăng như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành nên buộc phải tăng lãi suất cho vay để bù vào những chi phí này. "Áp lực về lợi nhuận và cơ chế trần tăng trưởng tín dụng của NH Nhà nước không thay đổi nên lãi suất cho vay cá nhân có thể còn tăng trong những tháng tới. So với quý đầu năm, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân tại NH Shinhan Việt Nam trong quý II/2022 có tăng nhẹ tại sản phẩm cho vay mua và sửa chữa nhà" - ông Vũ giải thích.
Phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần có lượng khách hàng cá nhân lớn cũng nhận định lãi suất cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân khó tránh xu hướng tăng trong bối cảnh lãi suất đầu vào nhích lên và dòng tiền vào bất động sản được yêu cầu kiểm soát chặt. Chưa kể, hạn mức tăng trưởng tín dụng ở nhiều NH thương mại không còn nhiều, trong khi cơ quan quản lý yêu cầu các NH thương mại tập trung vốn cho vay sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu… nên cho vay mua nhà sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tại đại hội cổ đông của nhiều NH thương mại mới đây, vấn đề siết tín dụng vào bất động sản cũng được các cổ đông đặt ra và lãnh đạo NH đã trao đổi. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho biết tính đến cuối năm 2021, dư nợ bất động sản của OCB gồm cả cho vay kinh doanh và tiêu dùng (vay mua nhà để ở) khoảng 32% trên tổng dư nợ tín dụng. Trong số này tới 72% là cho vay mua nhà để ở và 9% cho vay liên quan các dự án bất động sản của các đối tác là doanh nghiệp.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, bản chất những dự án bất động sản mà OCB cho vay phần lớn là của đối tác, từ đó tạo nguồn hàng tiếp tục cho vay khách hàng cá nhân mua nhà thông qua liên kết với chủ đầu tư. "Dù chính sách chung là hạn chế cho vay bất động sản nhưng chủ yếu là siết về giải ngân đầu tư, kinh doanh nhà đất, còn nhu cầu vay mua, xây - sửa nhà ở của người dân vẫn được khuyến khích và OCB cũng sẽ mở rộng theo hướng này" - ông Tùng nói.
Xem thêm: mth.95184401252402202-ohk-pag-ahn-aum-yav-iougn/et-hnik/nv.moc.dln