Tại Đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB), lãnh đạo TPBank đã tiết lộ kết quả kinh doanh quý I/2022 và đại hội cũng thông qua nhiều chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch kinh doanh năm nay.
Về kết quả kinh doanh quý I/2022, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank thông tin, tổng tài sản của TPBank đạt trên 300.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng gần 30% so với quý I/2021. Trong đó, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ chiếm hơn 14% tổng doanh thu, đạt trên 510 tỷ đồng.
Tổng huy động tăng trưởng gần 40% so với thời điểm cùng kỳ năm 2021, đạt trên 270.000 tỷ đồng với huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân chiếm tới 69,4%. Tổng dư nợ tín dụng đối với tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Với những kết quả trên, tổng lợi nhuận trước thuế quý đầu năm nay của TPBank đạt 1.623 tỷ đồng. Trong đó, riêng tháng 3/2022 là hơn 700 tỷ đồng.
Năm 2021 vừa rồi, ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá dù dịch Covid-19 nhưng TPBank vẫn ghi nhận kết quả khả quan, lợi nhuận tăng trưởng 37% so với năm trước, tổng tài sản tăng 42%, tăng trưởng huy động thị trường 1 đạt 22%. Tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng tăng tới 90% so với năm 2020.
Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú cho biết, trong thời gian qua TPBank đã tăng cường mở rộng hệ sinh thái với việc nắm giữ 9,01% vốn tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tái cơ cấu Công ty tài chính Hafic trở thành công ty con của TPBank.
Ông cho biết hiện đề án đã được Ban kiểm soát đặc biệt của NHNN phê duyệt và đang hoàn thiện các thủ tục để trình báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận, dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn thành hoạt động này.
Sang năm 2022, Đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng lợi nhuận 36% so với 2021, đạt 8.200 tỷ đồng, tập trung tối ưu chi phí hoạt động, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, chất lượng tín dụng. Ngoài ra, tổng tài sản mục tiêu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Tổng giá trị huy động đạt 292.579 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết ngân hàng sẽ kiên định với chiến lược số hóa, đón đầu xu hướng, xây dựng kho dữ liệu lớn và áp dụng năng lực phân tích dữ liệu và hành trình số hóa để luôn đi trước thị trường một bước về chuyển đổi số.
"TPBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh đa dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng đa dạng, chất lượng, tối ưu chi phí hoạt động, đảm bảo kinh doanh hiệu quả và chất lượng tín dụng an toàn năm nay", ông nói.
Năm 2021, TPBank là một trong những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống, chỉ 0,81%. Trong năm 2022, nhà băng này tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ này ở mức thấp, dưới 1,5%.
Cũng tại hội nghị, ĐHĐCĐ TPBank đã thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông và chương trình cho người lao động (ESOP) với tổng tỉ lệ 34% để tăng vốn điều lệ. Bằng kế hoạch phát hành hơn 532 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sau khi tăng sẽ đạt trên 21.142 tỷ đồng, đạt gần 1 tỷ USD theo quy đổi.
TPBank năm 2022 sẽ không chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại để phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm nay.