Là người con của đất Tuyên Quang, từng tốt nghiệp thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học, viện Ngôn ngữ Pushkin (Nga), nhưng khi trở về Việt Nam, anh Bùi Quý Toản (34 tuổi, tên thường gọi là Sói) lại chọn lối sống của một gã du mục. Với công việc chế tác các món đồ bằng da cho các đơn hàng được đặt qua internet, anh có thể sinh sống ở bất kỳ thành phố nào, từ TP.HCM, Đà Nẵng đến Đà Lạt, Hà Nội, với thời gian từ vài tháng cho tới vài năm. “Những ngày sống và làm việc ở trong xưởng làm da ở Sài Gòn hay Hà Nội, tôi luôn có cảm giác ngột ngạt. Năng lượng bị kéo xuống thấp và không thể làm việc hiệu quả”, anh Sói chia sẻ.
Vì thế, sau khi lấy vợ và sinh con, anh Sói đã quyết định đưa cả nhà lên lập nghiệp ở Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt), với mong muốn cho các thành viên trong gia đình mình tận hưởng cuộc sống thường nhật gần gũi với núi rừng. “Từng rong ruổi vào những bản làng ở Nepal, Tây Tạng, nằm sâu trong dãy Himalaya, tôi đã luôn mong muốn được có một cuộc sống gần gũi thiên nhiên hùng vĩ cùng những người thân yêu của mình”, anh Sói cho hay.
Những ngày sống tại Cầu Đất, anh Sói thường dẫn những nhóm bạn của mình đến từ thành phố Hồ Chí Minh, vào rừng cắm trại, khám phá. Đây là những người làm công việc văn phòng, yêu thích thiên nhiên và các hoạt động dã ngoại trong rừng.
Ý tưởng “quán cà phê một bàn” của anh Sói cũng xuất phát từ đây, với mong muốn mang đến trải nghiệm uống cà phê ngon ở một nơi trong lành, kết hợp với những chuyến đi dã ngoại vào rừng dành cho bạn bè và các khách hàng của mình. “Quán cà phê một bàn là để mọi người cùng ngồi với nhau, trò chuyện, hoặc lặng im, cùng nhau đi, dừng lại đâu thì quán sẽ được mở ra ở đấy, thường là giữa thiên nhiên: bên suối, bên sông, bên hồ, bên thác, bên biển,…”, anh Sói chia sẻ.
Tất cả vật dụng dùng để “mở tiệm” đều được anh Sói gói ghém gọn gàng trong chiếc ba lô chuyên dụng nhằm dễ dàng di chuyển trên những cung đường khó trong rừng và có thể mở dừng ở bất kì đâu.
Khách hàng của anh Sói trong chuyến đi lần này là chị Trần Thúy Vi (28 tuổi, nhân viên ngân hàng), đến từ TP.HCM. Sau khi thưởng thức tiệc nướng bên bờ suối, anh Sói cùng chị Vi tiếp tục đi bộ xuyên rừng để đến địa điểm uống cà phê. Nơi để mở quán cà phê một bàn trong chuyến đi lần này là một căn nhà gỗ nằm cheo leo giữa lưng chừng núi.
Đây là căn nhà của một người bạn của anh Sói, là một nhiếp ảnh gia cũng yêu thích thiên nhiên và quyết định lên Đà Lạt sinh sống. Tại đây, anh Sói bắt đầu đun nước để chuẩn bị pha cà phê, món đồ uống duy nhất tại quán cà phê một bàn.
Sau khi nước đã sôi, anh Sói bắt đầu pha cà phê cho khách hàng thưởng thức. Từng công đoạn được anh thực hiện một cách tỉ mỉ, nhằm mang đến ly cà phê mang chất lượng trọn vẹn nhất.
Uống ly cà phê nguyên chất loại hảo hạng giữa núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ, kể cho nhau nghe những câu chuyện về đời sống, công việc, có lẽ là trải nghiệm độc đáo nhất của “quán cà phê một bàn” mà không có quán cà phê bình thường nào có thể có. “Vừa cảm nhận hương vị cà phê thơm lừng tỏa ra trong khoang miệng, vừa ngắm nhìn thiên nhiên, đất trời bao la khiến tôi như quên hết mọi mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống”, chị Vi chia sẻ.
"Ngoài việc mang đến trải nghiệm cà phê ngon giữa một nơi trong lành, tôi còn mong muốn khơi gợi mọi người về việc trở về và sống giữa thiên nhiên, khi cuộc sống ở những "rừng bê tông" tại các đô thị lớn đang ngày càng trở nên ngột ngạt, áp lực", anh Sói cho biết.
Trong tương lai, bên cạnh công việc làm đồ da, anh Sói vẫn sẽ tiếp tục duy trì "quán cà phê một bàn" đến khi không còn sức để đi rừng được nữa. Bởi với anh Sói "đó đã là một phần cuộc sống của tôi, và tôi sẽ còn tiếp tục nhận khách, miễn là được đi rừng và uống cà phê ngon".
https://soha.vn/quan-ca-phe-chi-co-duy-nhat-mot-ban-o-da-lat-cua-anh-chang-thac-si-yeu-nui-rung-20220425081502025.htmTheo Liêu Lãm
Tổ Quốc